3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.3.1. Tình hình quản lý đất đai ở Việt Nam
1.3.1.1. Thực trạng quản lý đất đai ở Việt Nam
Trước đây đất đai, nhất là ở nông thôn là do các hợp tác xã quản lý. Quá trình quản lý lỏng lẻo, thiếu sự tham gia của người dân đã làm cho đất đai trở nên kiệt quệ gây nên bất ổn cho xã hội. Từ khi Việt Nam có chính sách giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đât như các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài cho đến nay, công tác quản lý đất đai đã có những thành tựu quan trọng. Đất đai đã được sử dụng ổn định lâu dài và có hiệu quả ngày càng cao cho xã hội (Phùng Văn Nghệ, 2018).
Tác động của công tác quản lý đất đai hợp lý đã làm tăng phát triển kinh tế và xã hội như liên quan tới giải quyết việc làm, tăng thu nhập đời sống, nâng cao trình độ dân trí nông thôn...phản ánh rõ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp mang lại cho xã hội.
Trải qua các giai đoạn của đất nước, Nhà nước ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, làm công cụ cơ bản và quan trọng thực hiện quản lý nhà nước về đất đai: Năm 1987 Quốc hội ban hành Luật đất đai, năm 1993 ban hành Luật đất đai trên cơ sở cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 1992; năm 2003 Quốc hội ban hành Luật đất đai (thay thế Luật đất đai năm 1993), sau 10 năm thực hiện Luật đất đai năm 2003 với những kết quả đạt được, đất nước có nhiều đổi mới về kinh tế, xã hội; để phù hợp với thực tiễn thời điểm hiện tại cũng như khắc phục những hạn chế còn tồn tại của Luật đất đai năm 2003, năm 2013 Quốc hội ban hành Luật đất đai với nhiều quy định mới chặt chẽ hơn, phù hợp với thực tiễn thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đất đai sử dụng đạt hiệu quả, trong đó chính quyền cơ sởđược quy định cụ thể hơn với các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai (Nguyễn Thị Xuân, 2019).
Công tác quản lý đất đai ở Việt Nam đang từng bước hoàn thiện và ngày càng đạt được những thành tựu quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đánh giá về một số công tác trong quản lý đất đai vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục, đó là:
- Tại nhiều địa phương, việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất trên thực tế, do vậy, quá trình triển khai thực hiện dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Một sốđịa phương còn điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng không phù hợp với quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch chi tiết không đúng thẩm quyền; phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của một số dự án còn có chỉ tiêu không phù hợp quy định, quy chuẩn xây dựng của Việt Nam…. (Nguyễn Tuấn Anh, 2018).
- Đối với với những dự án đấu thầu đất đai: Trong công tác giao đất, đa số trường hợp không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng
đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư, trong đó, nhiều trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đối với một số dự án không đúng đối tượng, không thuộc danh mục di dời; chuyển mục đích sử dụng từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị không đảm bảo thủ tục và cơ sở pháp lý; điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền; giao đất không đúng đối tượng; giao đất không có trong kế hoạch sử dụng đất; giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư đã hết hiệu lực;… Một số địa phương giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng đất lâu dài đối với đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh không đúng quy định (Nguyễn Tuấn Anh, 2018).
- Trong những năm gần đây quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã đạt được những kết quả nhất định: thực hiện quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt cơ bản đảm bảo, công tác quản lý hồ sơ địa chính đã đi vào nề nếp, các hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai được đảm bảo hơn; hồ sơ về đất đai của người dân được thực hiện theo thủ tục hành chính của cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đáp ứng yêu cầu trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai hướng tới đảm bảo quản lý và sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững an ninh chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã còn tồn tại những hạn chế nhất định: vẫn để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, có hành vi lấn chiếm đất; tình trạng tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng ở các địa phương, chính quyền cơ sở một số nơi chưa làm tốt công tác hòa giải tranh chấp đất đai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên phê duyệt có nơi chưa làm tốt; một số chính quyền địa phương cơ sở còn có lúc buông lỏng quản lý, có những yếu
kém nhất định về công tác chỉ đạo, điều hành. Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân: Người sử dụng đất chưa chú trọng quan tâm tìm hiểu các quy định pháp luật về đất đai để bảo vệ quyền lợi cho mình. Cũng như chưa thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ của người sử dụng đất. Việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về đất đai đến nhân dân trong địa bàn phường chưa chủ động, tích cực, chất lượng các buổi tuyên truyền chưa cao. Người dân ít quan tâm tới công tác tuyên truyền trong lĩnh vực đất đai, chỉ khi nào quyền lợi của mình bị ảnh hưởng họ mới có ý kiến. Giá đền bù quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, vì vậy công tác thu hồi, bồi thường cũng có những khó khăn nhất định (Nguyễn Thị Xuân, 2019).
1.3.1.2. Những thách thức trong quản lý đất đai ở Việt Nam
Những thách thức lớn trong công tác quản lý đất đai ở Việt Nam hiện nay được đánh giá như sau (Nguyễn Trọng Tuấn, 2017):
- Các văn bản luật và dưới luật về quản lý đất đai còn nhiều chỗ không phù hợp với tố độ phát triển kinh tế - xã hội, nên gây nhiều khó khăn cho quá trình thực hiện.
- Diện tích đất đai nông nghiệp ngày càng thu hẹp trong phạm vi toàn quốc vì chuyển sang đất phi nông nghiệp do nhu cầu phát triển đô thị và gia tăng dân số.
- Công tác quản lý sử dụng đất đang gặp những trở ngại lớn vì tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt. Nhiều địa phương có bờ biển đang mất dần đất do nước biển dâng. Ở vùng đồi núi, đất đai cũng đang bị xói mòn, sạt lở sụt lún ngày càng nghiêm trọng.
- Tình trạng ô nhiễm môi trường đất và nước xảy ra ngày càng nghiêm trọng đang làm cho các địa phương và Nhà nước cần đầu tư nhiều tài chính cho khắc phục.