Thực trạng hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam

Một phần của tài liệu hoạt động m&a trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tại việt nam (Trang 57 - 65)

II. Thực trạng hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam 1 Đặc điểm kinh doanh ngành BCVT tại Việt Nam

3. Thực trạng hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam

3.1. Sự cần thiết của hoạt động M&A đối với các doanh nghiệp BCVT tại Việt Nam

Động cơ của các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động M&A là mở rộng quy mô, thúc đẩy sản xuất, tận dụng những lợi thế kinh doanh sau M&A để đạt được mức tăng trưởng thị phần và lợi nhuận, cạnh tranh dễ dàng hơn trên thị trường. Như vậy, những lợi ích của hoạt động M&A có thể sẽ giúp lĩnh vực BCVT tại Việt Nam thực hiện được những mục tiêu sau đây:

3.1.1. Mục tiêu phát triển lĩnh vực BCVT của Nhà nước

Hai trong năm lĩnh vực lớn Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý là BCVT và CNTT cần phải cho ra đời những doanh nghiệp lớn mang tầm cỡ quốc tế mà

nhìn vào để biết là doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ là biến BCVT và CNTT thành ngành mũi nhọn, giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp và dần xây dựng nền kinh tế tri thức. BCVT là lĩnh vực liên tục tăng trưởng cao tại Việt Nam trong những năm qua. Các doanh nghiệp nước nhà không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn cần vươn ra thị trường nước ngoài, có tầm nhìn và tư duy quốc tế. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải đạt được một quy mô nhất định và một thương hiệu mạnh.

3.1.2. Mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp BCVT tại Việt Nam

Hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ và thiết bị viễn thông, cả trong nước và ngoài nước trong khi chỉ cần ba đến bốn doanh nghiệp khai thác mạng và một số doanh nghiệp kinh doanh thiết bị và giải pháp viễn thông là đủ. Nếu xét trong thị trường mạng di động nói riêng, hiện tại đã có 7 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh và tần số đã được chia hết. Thị trường có càng nhiều doanh nghiệp thì cạnh tranh càng khốc liệt và những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả sẽ thất bại. Con đường tốt nhất cho những doanh nghiệp đó là tìm đến những doanh nghiệp lớn hơn để tự cứu lấy mình. Sau khi thời gian chuẩn bị đã hết và Việt Nam phải mở cửa thị trường BCVT theo đúng cam kết với WTO, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt tìm đến và khai thác; Luật Viễn thông có hiệu lực sẽ hoàn toàn cho phép thành phần kinh tế tư nhân được phép phát triển hạ tầng mạng. Nếu như doanh nghiệp Việt Nam không biết hợp lực mà chỉ muốn một mình nắm giữ miếng bánh thị phần thì sẽ rất dễ thua cuộc trước những doanh nghiệp quốc tế.

3.1.3. M&A trong lĩnh vực BCVT là xu hướng thế giới

M&A không xa lạ đối với các nước phát triển trên thế giới, M&A trong lĩnh vực BCVT cũng vậy, từ Mỹ, EU đến Nhật Bản… Tiêu biểu là trường hợp của WorldCom –

MCI, Verizon Wireless của Mỹ mua lại hang cung cấp dịch vụ không dây Alltel, PLDT (Philipin) và NTT Docomo (Nhật), Deutsche Telekom và Orange (France Telecom) tại thị trường Anh… Nước láng giềng Trung Quốc cũng đã thực hiện cuộc cải tổ đối với ngành BCVT của họ khi sáp nhập các công ty viễn thông lại thành ba người khổng lồ. Nhìn lại Việt Nam, hiện tại chúng ta có 7 doanh nghiệp khai thác mạng và hàng chục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông khác. Quá trình hội nhập kinh tế cũng là cơ hội để đem lại xu thế M&A cho lĩnh vực BCVT Việt Nam.

3.2. Thực trạng hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam hiện nay 3.2.1. Đánh giá hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam hiện nay

Trong quá trình tìm tòi tài liệu về thực trạng hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT ở Việt Nam, tác giả thu thập được lượng thông tin rất hạn chế về vấn đề này, chứng tỏ hoạt động M&A còn chưa phổ biến trong lĩnh vực BCVT. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu là những công tác chuẩn bị cho quá trình CPH một số doanh nghiệp nhà nước và những thỏa thuận chuyển đổi hình thức hợp tác kinh doanh. Năm 2009, Trung tâm CNTT EVNiT, một đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được sáp nhập vào Công ty Thông tin viễn thông Điện lực EVN Telecom trước khi tiến hành cổ phần hóa theo mệnh lệnh Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh viễn thông ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và vẫn chưa thực hiện quá trình CPH, các doanh nghiệp còn lại đang hợp tác với một số công ty nước ngoài dưới hình thức BCC và JV. Những hoạt động này có thể sẽ tạo tiền đề cho hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam.

Trường hợp Công ty Thông tin di động VMS - MobiFone

Năm 2005 trước khi kết thúc BCC với đối tác Comvik của Thuỵ Điển có thông tin sẽ CPH Công ty Thông tin di động VMS MobiFone nhưng sau 5 năm, kế hoạch vẫn

chưa được triển khai. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài như France Telecom (Pháp), NTT Docomo (NHật Bản), Telenor (Na-uy)… đang chờ đợi được mua cổ phần của MobiFone và có thể thực hiện hóa cơ hội được M&A. Theo kế hoạch, VNPT vẫn là đơn vị chủ quản và nắm một phần ba số cổ phần của MobiFone. Ngày 18 tháng 3 năm 2010, hãng tin Reuters đưa tin Việt Nam đang lên kế hoạch bán cổ phần của MobiFone, Petrolimex và ngân hàng BIDV trong năm nay với mục tiêu là đến năm 2015 sẽ hoàn thành tái cấu trúc doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước; hầu hết các vụ bán cổ phần ra công chúng này vẫn sẽ do nhà nước nắm đa số cổ phần (51%). Thông tin này ngay sau đó đã gây chú ý đối với các doanh nghiệp vì viễn thông, dầu khí và ngân hàng là những lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phát triển cao tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy rằng mặc dù cầu trên thị trường hiện nay tương đối yếu nhưng nếu có được sự thúc đẩy phù hợp bằng cách đưa ra lượng cung chứng khoán chất lượng cao của các doanh nghiệp hàng đầu nêu trên thì rất có thể điều này sẽ kích thích trở lại để cải thiện cầu của thị trường. Và cổ phiếu của MobiFone được săn đón cũng bởi lý do “chất lượng” đó. Hơn nữa, sức hấp dẫn của lĩnh vực viễn thông hiện nay rất lớn, cổ phiếu doanh nghiệp thông tin di động sẽ là hàng hiếm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau 5 năm, MobiFone vẫn chưa hề cho thấy động thái gì, và cũng có rất nhiều lý do cho sự chậm trễ ấy. Do đặc thù của ngành BCVT, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, lại chưa có tiền lệ nên tất cả các quy trình được tiến hành rất thận trọng. Một lý do khách quan lớn là những doanh nghiệp như MobiFone là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nên khi xác định tài sản doanh nghiệp khác hoàn toàn với việc xác định giá trị doanh nghiệp của các đơn vị sản xuất. Tài sản vô hình là thương hiệu, là tiềm năng, khả năng phát triển của dịch vụ. Đặc biệt trong lĩnh vực di động, đã có giai đoạn viễn thông phát triển ngoài dự báo. Việc xác định giá trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp viễn thông rất phức tạp.

Chỉ có một cơ hội cho các nhà đầu tư là EVN Telecom. Công ty này cam kết sẽ hoàn tất quá trình CPH trong năm 2010. Hiện EVN Telecom đang xác định lại giá trị doanh nghiệp. Còn đối với VinaPhone, do mô hình tập đoàn mới của VNPT vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt nên kế hoạch CPH VinaPhone cũng chưa thể thực hiện. Chưa ai rõ kế hoạch và thời hạn cổ phần hóa VinaPhone bao giờ mới được xác định cụ thể. Riêng Viettel vẫn tiếp tục tiến hành CPH các công ty thành viên như công ty Bưu chính Viettel, công ty Tư vấn thiết kế Viettel và Công ty Công trình Viettel. Tuy vậy, vẫn chưa thấy có kế hoạch cụ thể nào liên quan tới việc CPH Viettel Telecom.

Trường hợp CTCP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom)

Hanoi Telecom là một công ty hoạt động theo BCC với Tập đoàn Hutchison của Hồng Kông. Vào ngày 8 tháng 4 năm 2009, Hanoi Telecom đã ra mắt mạng di động mới của mình với tên Vietnamobile sau khi phải chuyển toàn bộ thuê bao HT Mobile sang S-Fone. Sau một năm hoạt động, vẫn còn quá sớm để kết luận về hiệu quả kinh doanh của mạng Vietnammobile nhưng tình hình cũng không mấy sáng sủa. Tại thời điểm thị trường đang gần tới mức bão hòa về các yếu tố thuê bao, mặt bằng giá cước, Vietnamobile vẫn chưa tạo được ấn tượng rõ rệt trên thị trường. Việc kinh doanh không hiệu quả thường khiến các doanh nghiệp phải bắt tay hợp tác để phát triển. Lần gần đây nhất vào tháng 6 năm 2009, Hanoi Telecom đã cùng EVN Telecom hợp tác chiến lược để triển khai công nghệ 3G.15

Trường hợp CTCP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT)

15http://www.laodong.com.vn/Home/EVN-va-Hanoi-Telecom-hop-tac-chien-luoc/20096/144033.laodong: EVN và, Hanoi Telecom hợp tác chiến lược. luoc/20096/144033.laodong: EVN và, Hanoi Telecom hợp tác chiến lược.

Năm 2003, SK Telecom chính thức tham gia vào thị trường thông tin di động Việt Nam dưới hình thức BCC với Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) trong dự án S-Fone. Đây là bước ngoặt quan trọng của thị trường di động Việt Nam bởi trước khi có mặt S-Fone, Việt Nam chỉ có hai mạng di động VinaPhone và MobiFone đều thuộc VNPT. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mạng di động này cũng không thành công và SK Telecom mới đây đã rút khỏi hợp đồng BCC với SPT. Phía Hàn Quốc cho rằng việc rút lui này được coi là hợp lý và chiến lược đầu tư trực tiếp của SK Telecom là quá tham vọng khi hình ảnh của công ty còn yếu và cạnh tranh rất mạnh từ các đối thủ bản địa. Hợp đồng BCC giữa SK Telecom và SPT được phía bạn coi là một khó khăn bế tắc cần được khắc phục, nhất là khi số vốn đầu tư của họ lên cao nhưng mọi quyết định có tính chất pháp lý lại nằm trong tay đối tác trong nước. Khi không có tư cách pháp nhân nào trong tay, đồng nghĩa với việc các đối tác nước ngoài hầu như không có thế mạnh và cũng không muốn tiếp tục rót vốn đầu tư để phát triển mạng. Tuy nhiên, ngay sau khi chấm dứt BCC, hai bên đã thỏa thuận chuyển đổi mô hình này sang hình thức liên doanh.16

Thông qua phân tích các trường hợp của MobiFone, Hanoi Telecom và SPT trên đây, có thể thấy hoạt động M&A trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam còn rất sơ khai nhưng cũng cho thấy những dấu hiệu của sự khởi đầu của hoạt động này trong thời gian tới.

3.2.2. Nguyên nhân hoạt động M&A chưa phổ biến trong lĩnh vực BCVT tại Việt Nam

a. Lỗ hổng khung pháp lý

16 http://www.gteltsc.vn/tin-tuc/35-tin-cntt-a-truyn-thong/80-vi-sao-cac-mng-di-ng-nh-b-tc: Vìsao các mạng di động nhỏ bế tắc. sao các mạng di động nhỏ bế tắc.

Hiện nay các doanh nghiệp BCVT Việt Nam khi thực hiện M&A chỉ dựa trên khung pháp lý về cổ phần hóa, phát hành và niêm yết chứng khoán. Các văn bản Luật Cạnh tranh 2004, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Chứng khoán 2006 còn chưa có sự chuyên biệt. Ngay cả định nghĩa sáp nhập, mua lại cũng không thống nhất giữa các văn bản này, cộng thêm những quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư 2005 càng làm cho định nghĩa M&A thêm rối rắm. Một vấn đề nữa là cách xác định “thị trường liên quan” được nhắc đến trong Luật Cạnh tranh 2004 cũng không được quy định, dẫn đến kết quả là thị phần kết hợp của doanh nghiệp BCVT mới sau khi M&A có thể dưới 50%, nếu xét trong một dịch vụ nào đó nhưng cũng có thể là trên 50%, nếu gộp tất cả các dịch vụ mà doanh nghiệp đó cung cấp. Những vấn đề trên cũng không được giải quyết trong luật chuyên ngành bởi nếu tìm đến văn bản luật chuyên ngành thì pháp luật trong lĩnh vực BCVT cũng chỉ quy định về đầu tư dựa theo pháp luật liên quan…

Nói chung, hoạt động M&A ở Việt Nam được quy định trong nhiều văn bản luật và dưới luật khác nhau, song mới chỉ dừng lại ở mức độ xác lập về mặt hình thức. Thực tế, M&A là một giao dịch thương mại, tài chính quan trọng đòi hỏi những quy định cụ thể, chặt chẽ về giá cả, cung cấp thông tin, chuyển giao và xác lập quyền sở hữu, các nghĩa vụ tài chính, người lao động… Vì thế mà không chỉ doanh nghiệp BCVT mà rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác chưa muốn M&A vì những rắc rối pháp lý.

b. Giá trị doanh nghiệp chưa tới đáy

Dễ dàng nhận thấy rằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp BCVT ở Việt Nam tuy khá gay gắt nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh. Kể cả khi một doanh nghiệp lớn mạnh nào đó trên thị trường hiện tại muốn thôn tính một đối thủ yếu hơn thì thực tế, chưa có đối thủ nào bị định giá xuống đáy và tất nhiên họ sẽ chưa có động cơ để bán. Tài sản của doanh nghiệp thông tin di động chủ yếu là tài sản vô hình như thương hiệu, tần số, trình độ quản lý, năng suất lao động, khả năng mở

rộng thị trường... và đây là những tài sản rất khó định giá. Mặc dù Thông tư số 146/2007/TT-BTC ban hành ngày 06/12/2007 về việc hướng dẫn xác định giá trị tài sản vô hình đối với các doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển sang CTCP đã nêu ra hai phương pháp định giá giá trị tài sản vô hình là phương pháp tài sản và phương pháp chiết khấu dòng tiền nhưng việc sử dụng hai phương pháp này trong thực tế là không hợp lý và rất khó áp dụng.

c. Bàn tay của Nhà nước

Hoạt động M&A chưa phổ biến trong lĩnh vực BCVT một phần do sự can thiệp của Nhà nước bởi đây là một lĩnh vực kinh tế nhạy cảm. Đó là lý do trước đây nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức hợp đồng BCC. Đối với những cam kết với WTO, trong 3 năm đầu kể từ khi gia nhập, hợp đồng BCC sẽ được chuyển sang hình thức liên doanh nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế về vốn góp.

d. Tâm lý Á Đông

Người Việt Nam có tâm lý không muốn mang tiếng phá sản, chính vì vậy mà các doanh nghiệp còn rụt rè với M&A. Điều đó đặt ra một vấn đề là phải nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp BCVT nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung để họ có cái nhìn thoáng hơn về hoạt động M&A, từ đó tận dụng những lợi ích kinh tế - xã hội mà M&A mang lại.

Từ những phân tích trên, viễn cảnh M&A cho lĩnh vực BCVT tại Việt Nam là khá mờ nhạt. Tuy nhiên, trong năm qua cũng xuất hiện nhiều nhận định cho rằng BCVT sẽ là một lĩnh vực tiềm năng của hoạt động M&A bởi cũng như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế thị trường, M&A như một tất yếu.

Một phần của tài liệu hoạt động m&a trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tại việt nam (Trang 57 - 65)