Thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc trước năm

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quá trình các Đảng bộ tỉnh khu vực miền núi Tây Bắc lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 2006 đến năm 2016 (Trang 42 - 46)

ở các tỉnh Tây Bắc trước năm 2006

Trong những năm đổi mới, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương của Đảng, công tác cán bộ các tỉnh miền núi nói chung, cán bộ DTTS nói riêng đã được coi trọng trên nhiều mặt. Nhiều địa phương đã xây dựng được chiến lược cán bộ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường cán bộ cho cơ sở. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó có cán bộ DTTS ngày càng được nâng lên, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công.

Về trình độ lý luận chính trị, nhằm đáp ứng yêu cầu cán bộ trong những

năm đầu thực hiện đường lối CNH, HĐH, số lượng cán bộ DTTS được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị ở các trường Đảng, đoàn thể trung ương ngày càng nhiều. Tại các địa phương, các trường chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị huyện đều ưu tiên mở lớp cho cán bộ DTTS cấp cơ sở. Nhờ vậy, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ này ngày càng được nâng cao.

Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sinh sống và công tác ở địa

bàn trọng yếu và nhạy cảm về chính trị, an ninh, quốc phòng, nên phần lớn cán bộ DTTS thuộc hệ thống chính trị cơ sở các tỉnh Tây Bắc được tổ chức

đảng và chính quyền các cấp chăm lo bồi dưỡng nên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần cảnh giác cao trước những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, ít có những biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ DTTS khu vực Tây Bắc có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, thẳng thắn đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; ít xảy ra các vụ việc tham ô, tham nhũng nghiêm trọng dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Tại tỉnh Lai Châu, nhờ thực hiện lồng ghép công tác đào tạo đội ngũ cán bộ xã trong các chương trình xóa đói giảm nghèo đã góp phần tiết kiệm nguồn vốn ngân sách và của địa phương.

Tỉnh Lào Cai là tỉnh đạt được nhiều thành công trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ DTTS. Thực hiện Đề án: “Đào tạo, bồi dưỡng

cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở tỉnh Lào Cai giai đoạn 2001-2005”, đội

ngũ cán bộ cơ sở đã từng bước nâng cao về năng lực, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng quản lý điều hành ở cơ sở, góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Công tác tổ chức, cán bộ được xác định là khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng, với các giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao nên đã giành được kết quả quan trọng. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai tích cực, dân chủ, thống nhất, đồng bộ các khâu: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Đã định rõ tiêu chuẩn cán bộ cho mỗi chức danh quy hoạch theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Từng bước khắc phục được tình trạng bị động trong công tác cán bộ; đội ngũ cán bộ được trẻ hóa. Năm 2003, trong tổng số cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong tỉnh đã được bố trí sử dụng thì số lượng cán bộ DTTS là 2.027 người, chiếm bằng 69,9% [24]. Năm 2004 so với năm 2000, tỷ lệ cán bộ DTTS ở các cơ quan cấp tỉnh tăng từ 14% lên 25,17%, cán bộ nữ tăng từ 11% lên 14%. Các bước chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2005-2010 được thực hiện nghiêm túc.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở được quan tâm đúng mức, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Trong nhiệm kỳ 2001-2005, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, văn hóa cho 122.490 lượt

cán bộ (trong đó, đào tạo 20.599, bồi dưỡng 101.891). Quá trình đào tạo đã gắn với công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Một số chế độ chính sách được ban hành đã có tác dụng khuyến khích, động viên cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ DTTS, cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ [14, tr.12].

Tại tỉnh Yên Bái, sau 15 năm (từ năm 1991, thời điểm tỉnh Yên Bái được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, đến năm 2005), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có nhiều thay đổi. Toàn tỉnh có 21.129 cán bộ, công chức, viên chức các cấp: Ở cấp tỉnh 6.096 người; cấp huyện, thị, thành phố 11.845 người; cấp cơ sở 3.188 người. Về chất lượng, trong tổng số 21.129, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng chiếm 43,36%. Riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là DTTS là 4.794 người, chiếm 22,6% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh [182, tr.2]. Ở cấp cơ sở, trong số 369 chủ tịch và phó chủ tịch mặt trận xã, phường, thị trấn thì có 209 người là DTTS (58,05%); 358 Bí thư, Phó Bí thư đoàn xã có 204 người là DTTS (56,98%) tương ứng chức danh đó với Hội Phụ nữ là 201/358 (56,14%); Hội Nông dân là 208/355 (58,59%); Hội Cựu chiến binh là 205/355 (57,74%) [19, tr.3].

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, do nhiều nguyên nhân mà chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS, đặc biệt là ở cấp cơ sở còn những hạn chế. Số lượng cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị cơ sở các tỉnh khu vực Tây Bắc nhìn chung phát triển không đồng đều giữa các tỉnh, giữa các huyện trong tỉnh, các xã trong huyện và giữa các dân tộc với nhau.

Phần lớn cán bộ DTTS công tác ở cơ sở, số cán bộ là DTTS làm việc ở cấp huyện và cấp tỉnh mặc dù đã tăng so với giai đoạn trước nhưng còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Tình trạng thiếu cán bộ cơ sở nghiêm trọng, đặc biệt là cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ như cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, giáo viên, cán bộ y tế, tài chính... còn xuất hiện ở nhiều địa phương.

Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị của đội ngũ

cán bộ mặt trận và đoàn thể DTTS ở cơ sở nhìn chung còn rất hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và còn ở khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn cán bộ công chức cơ sở mà Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung

ương 5 (Khoá IX) đã đề ra; cũng thấp hơn mặt bằng của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở. Tình trạng nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã chỉ có trình độ tiểu học, nhiều cán bộ thôn, bản còn chưa đọc thông viết thạo đã gây ảnh hưởng lớn đến việc vận dụng, cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cấp trên. Đa số cán bộ cấp xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Số cán bộ cấp xã có trình độ đại học, trung cấp chiếm tỷ lệ thấp. Điều đáng lưu ý là, trong số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, trung học, chiếm một tỷ lệ không nhỏ là đào tạo tại chức, đào tạo theo quy chế ưu đãi đối với khu vực miền núi. Bởi vậy, chất lượng trình độ trong thực tế còn hạn chế với bằng cấp, dẫn tới nhiều nơi có tỷ lệ cán bộ DTTS có trình độ chuyên môn khá cao nhưng hiệu quả công tác còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Trình độ quản lý nhà nước tập trung ở cán bộ chính quyền nhưng số

lượng cũng không lớn. Điều đáng quan tâm hơn là phần lớn cán bộ chính quyền cơ sở là DTTS rất hạn chế về kiến thức quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh do chưa được đào tạo cơ bản. Đây là điểm yếu nhất của đội ngũ này trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Rất nhiều cơ sở xã vùng miền núi, DTTS được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhưng do đội ngũ cán bộ yếu kém về trình độ, kinh nghiệm quản lý đã dẫn đến thất thoát lớn, không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.

Về năng lực thực tiễn, hạn chế lớn nhất đối với đội ngũ cán bộ cơ sở

vùng miền núi nói chung, cán bộ DTTS nói riêng là năng lực nắm bắt và cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên vào thực tiễn địa phương. Cùng với hạn chế đó là năng lực tổ chức thực tiễn, khả năng ra quyết định và xử lý các tình huống lãnh đạo, quản lý, năng lực kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn. Do đó, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên chưa đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa mang lại hiệu quả.

Tại tỉnh Hoà Bình, trong số 287 đảng uỷ viên cơ sở ở huyện Mai Châu

mới chỉ có 16,72% có trình độ cao đẳng, đại học, 45,9% có trình độ trung cấp, số còn lại chưa qua đào tạo (37,29%). Trong số 161 uỷ viên UBND xã ở huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình, chỉ có 1 đồng chí có bằng đại học, 9 đồng chí có

trình độ trung cấp, còn lại là chưa qua đào tạo.

Ở tỉnh Lào Cai, gần 57% số cán bộ cấp xã mới có trình độ văn hoá cấp I. Một số cán bộ chủ chốt cấp xã ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn mới chỉ biết đọc, biết viết.

Tại tỉnh Yên Bái, đến năm 2005, tỷ lệ đội ngũ cán bộ DTTS có trình độ chuyên môn đại học chiếm 0,54%, trung cấp 24,2%, sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm 75,2%; trình độ lý luận chính trị cao cấp chiếm 0,12%, trung cấp chiếm 39,1%, sơ cấp chiếm 20,1% [175, tr.2].

Đến trước năm 2006, nhận thức và thực tiễn chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS của các Đảng bộ tỉnh khu vực Tây Bắc nhìn chung có sự chuyển biến. Số lượng cán bộ là DTTS ngày càng gia tăng với trình độ nghiệp vụ, kỹ năng quản lý và nhận thức chính trị ngày càng được củng cố. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác này vẫn còn những hạn chế. Nhiều địa phương chưa xây dựng được chiến lược cán bộ và quy hoạch cán bộ dài hạn, chưa tạo được nguồn cán bộ DTTS dồi dào. Trong công tác cán bộ, nhiều địa phương thực hiện thiếu chặt chẽ, chưa đúng quy trình, thủ tục, nhất là trong bố trí sử dụng cán bộ, chưa bám chắc đặc điểm của vùng này để làm công tác cán bộ. Một số cán bộ làm công tác này năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ. Chính sách cán bộ DTTS còn nhiều điểm bất cập, chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều hạn chế. Điều kiện, phương tiện làm việc cho những người làm công tác cán bộ còn thiếu thốn, chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng.

Thực trạng đội ngũ cán bộ DTTS và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trước năm 2006 đặt ra yêu cầu đối với các Đảng bộ tỉnh khu vực Tây Bắc cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS và sử dụng có hiệu quả hơn trong hệ thống chính trị của các tỉnh trong những năm 2006-2010.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quá trình các Đảng bộ tỉnh khu vực miền núi Tây Bắc lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 2006 đến năm 2016 (Trang 42 - 46)