6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.2.2. Vài nét về Hoàng Phủ Ngọc Tường và ký của ông
HPNT sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế - mảnh đất của sông Hương, núi Ngự nên thơ, của điệu hò ngọt ngào sâu lắng, của những lăng tẩm đền đài trầm tư in dấu ấn tháng năm. Mảnh đất từng là kinh đô của đất nước chứa đựng bao trầm tích văn hóa đã ban tặng cho HPNT một diện mạo tinh thần độc đáo. Cùng với đó, thời gian học tập, giảng dạy cũng đã mở ra cho HPNT cơ hội trau dồi lượng tri thức lớn về mọi lĩnh vực của đời sống. Những tư tưởng Nho – Phật – Đạo của triết học phương Đông; tư duy biện chứng, chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) của triết học phương Tây cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến nhà văn. Thời đại HPNT là thời đại lịch sử dân tộc đang có những bước chuyển mình lớn lao. Sống trong bối cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá, chia cắt, biết bao mồ hôi, nước mắt và máu xương của đồng bào đổ xuống, HPNT không giam mình trong sự cô đơn với phản ứng “nổi loạn”, “tận hưởng cuộc đời” thường thấy như một bộ phận thanh niên nông nổi một thời không tìm thấy đường đi trong chiến tranh - ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh. Đổi lại ảnh hưởng của tư tưởng triết học hiện sinh đến HPNT là làm gợi lên trong ông những suy nghĩ, trăn trở về thân phận con người, ý thức trách nhiệm trước tình cảnh đất nước và lựa chọn thái độ ứng xử cũng như hành động nhập cuộc vì thế nhân. HPNT đã dùng ngòi bút của mình để tham gia vào công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước. Tham gia sáng tác ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, ký, nhàn đàm… thể loại nào HPNT cũng gặt hái được những thành công nhất định, song có lẽ những tác phẩm ký nói chung, bút ký
nói riêng là những sáng tạo tiêu biểu có giá trị hơn cả. Với tâm huyết muốn đưa bạn đọc đến với những bức tranh chân thực nhất của đời sống, HPNT đã viết nên những trang ký giàu sức lôi cuốn, giàu giá trị trên nhiều mặt. HPNT viết ký như là một cách thức để trải lòng mình, để suy nghiệm về cuộc sống thực tại cũng như những năm tháng đã qua của đời sống cá nhân, của lịch sử đất nước, dân tộc.
HPNT bộc lộ quan niệm về ký của mình qua bài viết “Một vài suy nghĩ về thể ký”. Trong đó, ông bác bỏ quan niệm cho rằng “ký chỉ được xem là một
loại thủ công nghiệp mang tính gia công (…), là một sản phẩm văn học thứ
cấp”. Theo ông ký cần nói thực, viết thực, “chuyên chở đến cho người đọc những hiểu biết cần thiết trên mọi lĩnh vực” và nhiệm vụ này “đã mở ra cho ký một khả năng tháo vát hiếm có (…) với ký, văn học đã có thể thâm nhập một cách nhẹ nhàng vào lĩnh vực của thông tin khoa học”. Và với ký, nhà văn đã làm được những điều to lớn bên cạnh những nhiệm vụ thiết yếu của mình, đó là “không thể tự cho phép mình xa lạ với mọi rung động khoa học”. Giá trị của ký trước hết chính là “chứa đựng tất cả sức nặng vật chất của các sự kiện
được giữ lại từ trong cõi thực vốn là bản gốc của tác phẩm”. Giá trị thứ hai
và cũng là điều làm nên sức hấp dẫn riêng của ký, làm cho ký “còn được thừa
nhận như là văn học thực sự” chính là sự hư cấu. Theo Hoàng Phủ, việc chọn
lọc các dữ kiện, yếu tố cũng là một cách hư cấu, đó là một sự sáng tạo cần thiết hay nói cách khác nó gồm một quá trình loại bỏ. Trong vô vàn những sự kiện, những va đập của cuộc sống xung quanh vào các giác quan của nhà văn, để cho ra đời một tác phẩm ký là một chặng đường dài mà anh cần phải “loại
bỏ ra khỏi thực tại những gì được xem là thừa thãi”. Đây là công việc, là thao
tác tư duy, trí tuệ không kém phần vất vả và sáng tạo. Bên cạnh đó, quá trình viết ký không thể thiếu những yếu tố “hư cấu - thêm”. Chính điều này sẽ mở ra cho nhà văn khoảng không gian tự do để thoải mái, tự nhiên, phóng khoáng
trong cách bộc lộ cảm xúc, tư tưởng, tâm trạng của mình dù trước những vấn đề vốn mang tính khách quan, khoa học. Các phẩm ký HPNT là minh chứng cho quan niệm mà tác giả đã bày tỏ.
Ký HPNT được tuyển chọn và giới thiệu trong tập 2 và tập 3 Tuyển tập
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nbx Trẻ, năm 2002. Tập 2 là sự tập hợp những tác
phẩm bút ký văn học viết về chiến tranh, còn tập 3 theo sự phân loại của tác giả thì đây là tập ký phê bình, và theo người tuyển chọn thì đó là phần nối dài của tập 2, giành cho những bút ký thiên về chính luận, biên khảo và bút ký nhân vật (Trần Thức).
Có thể nói mỗi tác phẩm của HPNT là một phức thể của nhiều tiểu loại ký (bút ký, tùy bút, hồi ký, ký sự, truyện ký, ét - xe), trong đó bút ký và tùy bút là hai tiểu loại mang phong cách chủ đạo ở hầu hết các tác phẩm của ông. Những nét đặc trưng riêng của từng tiểu loại và vấn đề phức hợp của nhiều tiểu loại trong một tác phẩm ký HPNT sẽ được chúng tôi làm sáng tỏ hơn khi phân tích về cấu trúc diễn ngôn ký HPNT ở chương 3 của luận văn.
Qua mỗi tác phẩm ký HPNT đều toát lên phong cách của nhà văn với bản chất một tâm hồn Huế thâm trầm, sâu lắng và sự uyên thâm về tri thức, sự từng trải trong đời sống, sự bay bổng, điêu luyện trong nghệ thuật ngôn tử. Điều khiến ký HPNT được nhiều độc giả tìm đến và yêu mến có lẽ không gì khác là bởi với vốn hiểu biết sâu rộng về mọi lĩnh vực, tác giả đã cung cấp cho người đọc lượng thông tin, tri thức phong phú, mới lạ và bằng chính tình cảm của mình đã gieo vào tâm hồn người đọc hạt giống của những giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, tất cả được thể hiện qua ngôn từ rành rẽ, súc tích mà mê đắm.
Tiểu kết chương 1:
Qua việc tìm hiểu, khái quát các vấn đề trong lí thuyết phân tích diễn ngôn giúp chúng tôi nắm bắt được cơ sở lý thuyết liên quan đến đề tài. Cùng
với đó, việc hệ thống lại một số vấn đề lý luận về ký, một số nét khái quát về HPNT và ký của ông giúp chúng tôi hiểu về đối tượng để từ đó có thể đi vào phân tích, miêu tả những đặc điểm ký HPNT dưới góc nhìn PTDN.
Qua tìm hiểu những vấn đề lý thuyết, chúng tôi có những nhận xét: Là một hướng nghiên cứu đòi hỏi phải linh hoạt về phương pháp, thủ pháp để có thể làm sáng rõ tính đa dạng, phong phú của việc sử dụng ngôn ngữ, PTDN không có một hệ thống phương pháp, thủ pháp mang tính quy tắc mà đòi hỏi phải có hệ thống phương pháp và thủ pháp thích hợp trong nghiên cứu. Vì vậy, để tiếp cận, làm sáng tỏ những đặc điểm ngôn ngữ ký HPNT dưới góc nhìn PTDN chúng tôi vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp, thủ pháp.
Xét về cơ bản, trong PTDN, để hiểu được giá trị, ý nghĩa của diễn ngôn phải xem xét các yếu tố ngôn ngữ được sử dụng nhằm phục vụ mục đích giao tiếp. Ứng dụng lý thuyết PTDN vào nghiên cứu ký, một thể loại với đặc trưng ghi chép linh hoạt, phản ánh chân thực những vấn đề của đời sống xã hội, thực hiện vai trò cung cấp cho người đọc những thông tin cụ thể, chính xác, không chỉ là khảo sát, phân tích những hình thức ngôn ngữ được sử dụng và giá trị của chúng trong vai trò chuyển tải thông tin mà còn làm rõ tính chất tương tác giữa đặc trưng thể loại với việc sử dụng ngôn ngữ. Bởi vì đặc trưng của thể ký cũng chi phối đến cách thức lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ của người viết ký để nhằm đạt được mục đích giao tiếp.
Trên cơ sở lý thuyết, chúng tôi đi vào khảo sát, tìm hiểu “đặc điểm ngôn ngữ ký HPNT từ góc nhìn PTDN”. Với ngữ liệu là Tuyển tập Hoàng Phủ
Ngọc Tường, tập 2 và tập 3, chúng tôi sẽ khảo sát, miêu tả các hình thức từ ngữ, cú pháp và cấu trúc diễn ngôn trong ký HPNT, phân tích, luận giải những đặc điểm giá trị của các hình thức ngôn ngữ được sử dụng. Đây cũng là những nội dung chính mà chúng tôi sẽ trình bày trong các chương sau.
CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM CÁC ĐƠN VỊ TỪ NGỮ VÀ CÚ PHÁP
TRONG KÝ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN
2.1. ĐẶC ĐIỂM CÁC LỚP TỪ NGỮ TRONG KÝ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Từ là đơn vị cơ bản, đơn vị trung tâm trong toàn bộ hệ thống các kí hiệu ngôn ngữ. Theo tác giả Đỗ Hữu Châu: Từ là những đơn vị hai mặt, có hình thức âm thanh và có ý nghĩa. Từ có tính độc lập về mặt ngữ pháp, nghĩa là từ có thể hoạt động độc lập trong câu. Về ngữ nghĩa, từ chứa đựng rất nhiều loại thông tin bao gồm những thông tin trong ngôn ngữ và những thông tin ngoài ngôn ngữ. Thông tin về tổ chức, về lịch sử, về hoạt động… của ngôn ngữ là những thông tin trong ngôn ngữ. Trong từ còn chứa đựng những thông tin ngoài ngôn ngữ đó là những thông tin về sự vật, hiện tượng thực tế, thông tin về hoàn cảnh xã hội, về tâm lí của người nói, người nghe. (Theo [2, tr.7]). Cùng với từ, trong tiếng Việt có những đơn vị tương đương gọi là ngữ. Ngữ là một cụm từ cố định, trong đó từng từ riêng lẻ thường mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Các cụm từ cố định được tạo ra và duy trì trong cộng đồng ngôn ngữ như một đơn vị có sẵn. Do vậy chúng không mất đi sau hoạt động giao tiếp. Cụm từ cố định cũng chứa đựng các loại thông tin như từ. Mỗi loại thông tin trên đều là đối tượng của một chuyên ngành ngôn ngữ học.
PTDN với tư cách là một hướng nghiên cứu, phân tích ngôn ngữ trong sử dụng, một phần sẽ tìm hiểu về sự có mặt của các đơn vị từ ngữ trong diễn ngôn, đồng thời phân tích hoạt động, ý nghĩa của chúng trong tạo lập giá trị diễn ngôn. Vì giới hạn của luận văn, trong nội dung này chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu một số lớp từ ngữ nổi bật trong ký HPNT như lớp từ ngữ quy
chiếu nhân vật, địa danh; từ láy, từ địa phương, từ Hán Việt; lớp từ ngữ nước ngoài, thuật ngữ khoa học.
2.1.1. Lớp từ ngữ quy chiếu nhân vật, địa danh
Với đặc trưng phản ánh người thật việc thật từ hiện thực đa chiều, phức tạp của cuộc sống, tác phẩm ký không thể không nhắc đến những nhân vật, địa danh cụ thể. Các tác phẩm ký HPNT quy chiếu đến rất nhiều đối tượng (nhân vật, địa danh) là kết quả của những chuyến đi trải nghiệm thực tế về mọi miền của Tổ quốc cùng với năng lực quan sát, ghi chép tỉ mỉ, cụ thể và trí tưởng tượng dồi dào của tác giả. Sự xuất hiện của những con người, địa danh thật trong ký HPNT vừa phản ánh đúng đặc trưng phản ánh chân thực về những vấn đề đời sống xã hội của thể ký, một mặt củng cố độ tin cậy về thông tin mà tác giả đề cập.
a) Lớp từ ngữ quy chiếu nhân vật
Khảo sát 1228 trang ký HPNT cho thấy có một số lượng đông đảo các nhân vật được quy chiếu trong ký của ông. Mỗi tác phẩm ký HPNT từ bút ký trữ tình, bút ký chính luận, tùy bút, hồi ký, ký sự,… đến những ét – xe đều có các biểu thức ngôn ngữ mang chức năng quy chiếu nhân vật. Các biểu thức này không những luôn có mặt trong mỗi tác phẩm ký của HPNT mà còn xuất hiện với tần số dày đặc. Đặc biệt ở những bút ký viết về chiến tranh như
“Đánh giặc trên hàng rào điện tử”, “Vành đai trong lửa”, “Cồn cỏ ngày
thường”, “Sử thi buồn”, “Bản di chúc của cỏ lau” số lượng các biểu thức
ngôn ngữ mang chức năng quy chiếu nhân vật lên đến hàng trăm trong mỗi tác phẩm. Một cách khái quát nhất, chúng tôi tạm thời thống kê, phân loại dựa trên tiêu chí các kiểu nhân vật được quy chiếu. Theo đó, ký HPNT quy chiếu đến nhiều kiểu loại nhân vật, cụ thể bao gồm: Những người anh hùng dân tộc
(như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Bùi Thị Xuân, Trần Cao Vân, …); những người tài hoa
(như Nguyễn Du, Công nương Diana,…); người trí thức (như Dã mã Võ Thành Minh, Hoàng Đạo Thúy, Đào Duy Từ, Tạ Quang Bửu, Ngô Kha, Trần Quốc Vượng, Lê Minh Ngọc,…); người nghệ sĩ (như Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Ưng Bình Phúc Giạ Thị, Văn Cao, Bùi Giáng, Phùng Quán, Điềm Phùng Thị, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, …); chiến sĩ cách mạng (như Bình, Hoàng trong “Bản di chúc của cỏ lau”, Trịnh Tùng, Hồ Triều trong “Miếng trầu đỏ”, Hứa Trung Bộ trong “Ai về châu xưa”, …); quần chúng cách mạng
(như mẹ E, chú Câm làng Trà trong “Miếng trầu đỏ”, mẹ Phi, mẹ Cộng trong
“Vành đai trong lửa”, cụ Nhiệm trong “Cồn cỏ ngày thường”, …); những
người xây dựng Tổ quốc XHCN (như Lê Thị Thuận trong “Đánh giặc trên
hàng rào điện tử”, kỹ sư A Pách trong “Đời rừng”, anh Phúc, bác Kha trong
“Chế ngự cát”, …); những người bình thường, giản dị (như bố con chú Mới trong “Rất nhiều ánh lửa”, bác Năm Hải trong “Còn mãi đến bây giờ”, …; Ngoài ra còn có kiểu nhân vật tập thể(như du kích Gio Linh, người dân Vĩnh Linh, người dân Hải Lăng, người dân xóm chài Cồn Hến, …). Đặc điểm quy chiếu đa dạng đến nhiều kiểu loại nhân vật phần nào phản ánh nội dung phong phú của ký HPNT và các biểu thức ngôn ngữ mang chức năng quy chiếu nhân vật trong ký HPNT phản ánh đúng đặc trưng ghi chép linh hoạt về hiện thực một cách xác thực, trực tiếp của thể ký. Hình thức quy chiếu nhân vật trong ký HPNT thường là gọi tên trực tiếp đối tượng bằng định danh và quy chiếu kết hợp định vị nhân xưng. Cụ thể như sau:
•Với đối tượng quy chiếu là nhân vật cụ thể:
Các đối tượng được định danh bằng biểu thức danh từ riêng với các dạng:
+ Tên riêng đầy đủ (họ + chữ đệm + tên): Ví dụ: Lê Minh Trường, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ,…. Biểu thức tên riêng đầy đủ thường được sử dụng khi nhân vật xuất hiện lần đầu trong tác phẩm, là
cách tác giả giới thiệu nhân vật với người đọc. Hoặc đối với những nhân vật chỉ xuất hiện một hai lần trong diễn ngôn, cũng được quy nhắc đến bằng tên riêng đầy đủ.
+ Chỉ có tên. Ví dụ: Sơn, Trường, Cường, …. Hình thức quy chiếu này thường xuất hiện khi nhân vật được nhắc đến ở những lần sau trong tác phẩm. Hình thức quy chiếu lược bỏ bớt “họ + chữ đệm” mà chỉ với tên riêng làm cho cách sử dụng từ ngữ trở nên đa dạng và linh hoạt hơn. Hình thức quy chiếu chỉ với tên riêng không dùng để quy chiếu kiểu nhân vật là người anh hùng dân tộc, người tri thức,… - những đối tượng mà người Việt Nam luôn có sự tôn kính. Điều này vừa cho thấy vị trí, thái độ của tác giả đối với nhân vật, vừa phản ánh một phần nét văn hóa trong xưng hô, giao tiếp của người Việt: Đối với người người mà mình kính trọng, người Việt không bao giờ chỉ gọi bằng tên, vì như thế là biểu hiện của sự không tôn kính. Điều này cho thấy đặc trưng văn hóa xã hội đi vào ngôn ngữ ký HPNT hay ngược lại ngôn ngữ ký biểu hiện sâu sắc những đặc trưng của đời sống văn hóa.
- Quy chiếu kết hợp hình thức định vị nhân xưng: Đây là hình thức quy chiếu phổ biến trong ký HPNT. Quy chiếu kết hợp với các hình thức xưng hô phù hợp một mặt thể hiện quan điểm của tác giả trên lập trường khách quan, đồng thời cũng cho thấy vị trí, thái độ, tình cảm của tác giả đối với nhân vật