tâm lý học đường tại các trường trung học phổ thông
1.3.2.1. Kỹ năng tham vấn tâm lý cá nhân
Các công trình trên thế giới đã nhấn mạnh đến các kỹ năng mà một nhà tham vấn tâm lý học đường cần phải có trong hoạt động tham vấn tâm lý cá nhân cho học sinh. Tiêu biểu là các nghiên cứu của Ali và Graham (1996), Kidd (2006) và Krishnan (2008).
Theo các công trình của Jennifer M Kidd, Lynda Ali and Barbara Graham thì cán bộ làm công tác tham vấn tâm lý học đường cần phải có những kiến thức, kỹ năng cơ bản và được đào tạo đầy đủ thông qua các chương trình học chính quy bao gồm: kỹ năng thiết lập mối quan hệ; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng thấu hiểu; kỹ năng chia sẻ; kỹ năng quan sát; kỹ năng phản hồi; kỹ năng khai thác thông tin; kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin; kỹ năng sử dụng các trắc nghiệm tâm lí; kỹ năng quản lí thời gian; kỹ năng tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí học sinh [22], [27].
Krishman (2008) bổ sung thêm bên cạnh các kỹ năng giao tiếp, mà trong đó các kỹ năng thành phần bao gồm: lắng nghe tích cực (khác với chỉ là lắng nghe đơn thuần mà phải bao gồm cả lắng nghe không phán xét), làm rõ, vấn đề, phản hồi và đặt câu hỏi thì người làm công tác tham vấn còn phải có kỹ năng giữ gìn mối quan hệ. Trong đó không can thiệp quá sâu vào đời sống của học sinh và vẫn giữ được mối quan hệ trong bối cảnh chuyên nghiệp và một kỹ năng được tác giả đề cập là kỹ năng thấu cảm. Thấu cảm là người làm công tác tham vấn tâm lý nhìn mọi thứ theo quan điểm của thân chủ (trong trường hợp này là học sinh), thay vì thông cảm (cảm thấy có lỗi với thân chủ). Sự thấu cảm có thể giúp nhà tham vấn đưa ra những câu hỏi thích hợp và đưa thân chủ đến những kết luận tích cực [29].
Tại Việt Nam, các giáo trình tham vấn tâm lý cũng như các công trình nghiên cứu về kỹ năng tham vấn cũng tương đối đa dạng và có tính tham khảo cao. Trong đó có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như loạt sách về tham vấn tâm lý của GS. TS. Trần Thị Minh Đức, Hoàng Anh Phước và Võ Thị Tường Vy.
Tác giả Hoàng Anh Phước (2012) trong nghiên cứu “Kỹ năng tham vấn của cán bộ tham vấn học đường” chỉ ra: Kỹ năng tham vấn của cán bộ tham vấn học đường bao gồm 2 nhóm: kỹ năng tham vấn cơ bản và kỹ năng tham vấn chuyên biệt. Kỹ năng tham vấn mà người làm công tác tham vấn học đường cần phải nắm trong nghiên cứu này bao gồm: kỹ năng thiết lập mối quan hệ; kỹ năng lắng nghe và kỹ năng phối hợp các lực lượng giáo dục; kỹ năng quan sát [16]
Tác giả Võ Thị Tường Vy (2009) trong nghiên cứu “Một số kỹ năng tham vấn của tham vấn viên tâm lý trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” được đăng trên Tạp chí tâm lý học số 8 chỉ ra: Các tham vấn viên đã nhận định rằng mình nắm vững và sử dụng thành thạo phần lớn số kỹ năng bao gồm: lắng nghe, quan sát, đặt câu hỏi, trấn an và chia sẻ cá nhân, xâu chuỗi và làm sáng tỏ sự kiện, xây dựng quan hệ tin cậy, rõ ràng với thân chủ, phản hồi tích cực, làm sáng tỏ nhu cầu và sức mạnh thân chủ, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ, quản lý bản thân, tương tác bằng thách đố [21].
Trần Thị Minh Đức (2014) đã liệt kê một số kĩ năng sử dụng trong tham vấn: lắng nghe, quan tâm, đưa lời khuyên, thấu hiểu, thông đạt, phản hồi, khuyến khích và động viên, đặt câu hỏi, xử lý im lặng, khái quát... Không phải các kĩ năng đều được sử dụng như nhau trong các ca tham vấn mà sẽ tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Trong đó, các kĩ năng: lắng nghe, đặt câu hỏi, thấu hiểu, phản hồi, kĩ năng đối chất là những kỹ năng được các chuyên gia nghiên cứu nhiều và sâu [2].
Như vậy các kỹ năng tham vấn cá nhân quan trọng của người làm công tác tham vấn bao gồm các kỹ năng: Kỹ năng thiết lập mối quan hệ; Kỹ năng quan sát; Kỹ năng lắng nghe; Kỹ năng đặt câu hỏi; Kỹ năng phản hồi; Kỹ năng khuyến khích và động viên; Kỹ năng xử lý im lặng; Kỹ năng giữ gìn mối quan hệ.
1.3.2.2. Kỹ năng tham vấn tâm lý nhóm
Bên cạnh hoạt động tham vấn tâm lý cá nhân, một hoạt động khác có thể được triển khai trong học đường nhằm giúp đỡ học sinh có nhu cầu đó là tham vấn tâm lý nhóm.
Tham vấn tâm lý nhóm là một hình thức tham vấn trực tiếp mà theo đó vấn đề của các cá nhân được thể hiện trong phạm vi một nhóm gồm nhiều người có cùng
vấn đề giống nhau được giúp đỡ. Tham vấn tâm lý có một số mục đích sau: 1) Giúp các thành viên giải quyết các vấn đề và các mâu thuẫn trong cuộc sống của họ; 2) Giúp các thành viên phát triển sự tự nhận thức và có những thay đổi về nhận thức, cảm xúc; 3) Phát triển mối quan hệ hài hòa (trao, nhận những vấn đề tốt, xấu) giữa các thành viên trong nhóm hoặc giữa các thành viên với nhà tham vấn nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của họ trong nhóm; 4) Giáo dục các thành viên của nhóm để hoàn thiện bản thân.
So với tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm có những ưu điểm như: tạo điều kiện để thân chủ có những tình cảm gắn bó, chấp nhận và có thể hiểu người khác; cơ hội để quan sát, bắt chước và được cổ vũ về mặt xã hội, được trải nghiệm những vấn đề chung của mọi người. Những điều này cho phép mỗi thân chủ trong bối cảnh nhóm sống lại những quan hệ, những cảm xúc tiêu cực, nhận diện lại nó và điều chỉnh. Tham vấn nhóm cũng bồi dưỡng được ý thức hợp tác trong cộng đồng, tập thể ở thân chủ. Kế đến, tham vấn nhóm tạo ra những thay đổi về nhận thức, cách cư xử và sự phát triển tính cách của mỗi thân chủ.
Yêu cầu cho sự thành công của tham vấn nhóm là nhà tham vấn phải biết cách điều hành nhóm. Cụ thể:
- Nhà tham vấn phải nắm vững các giai đoạn phát triển của nhóm để có thể đưa ra những cách thức tác động phù hợp, hiệu quả với từng giai đoạn đó.
- Nhà tham vấn cần lên kế hoạch trước cho mỗi buổi sinh hoạt nhóm, phải tự trả lời được câu hỏi: Hôm nay nhóm sẽ làm gì? Làm như thế nào? Và hiệu quả sẽ đạt được là gì?
- Nhà tham vấn cần lưu ý bầu không khí tham vấn đề đánh giá mức độ vấn đề và lựa chọn cách thức tác động.
- Trước khi vào tham vấn nhóm, nhà tham vấn bắt buộc phải thảo luận những quy định sinh hoạt dựa trên ý kiến số đông để giúp họ cảm thấy họ thuộc về nhóm. - Cần phải duy trì kỉ luật, quy tắc chặt chẽ ngay từ đầu như đến đúng giờ, để đồ đạc đúng nơi quy định... để tiến hành tham vấn nghiêm túc và thuận lợi hơn. - Trong tham vấn nhóm, sinh hoạt vui chơi cũng là một hình thức trị liệu. Vui chơi trong sinh hoạt nhóm nhằm giải toả cảm xúc tiêu cực, tăng cảm xúc
tích cực, tạo mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm. Nhóm tham vấn thường có ký hiệu riêng khi bắt đầu sinh hoạt nhóm (tham vấn nhóm), những trò chơi hay những ký hiệu khác như tiếng vỗ tay, gõ bàn, hay một tiếng động nào đó cần được khởi động để các thành viên trong nhóm ngầm hiểu là buổi tham vấn bắt đầu.
Một số chỉ dẫn khi làm việc trong nhóm: - Cần thiết lập nội quy sinh hoạt của nhóm.
- Số người khoảng từ 6 đến 12 và cán bộ tham vấn.
- Thời gian khoảng từ 1,5 giờ đến 2 giờ/một tuần, tham vấn nhóm khoảng từ 12 đến 16 lần cho một vấn đề.
- Có thể chia nhóm theo giới tính.
- Phòng tham vấn yên tĩnh, rộng để có thể tồ chức trò chơi hoặc di chuyển dễ dàng. Sử dụng các sinh hoạt tập thể, trò chơi, hoạt động nghệ thuật để các thành viên cảm thấy thư giãn và thoải mái khi tham gia vào tham vấn nhóm. Khi tham vấn, các thành viên ngồi vòng tròn để tăng cường giao tiếp với nhau.
- Khi các thành viên chia sẻ vấn đề của mình có thể tạo nên không khí tâm lý nặng nề trong nhóm. Do đó, nhà tham vấn giúp các thành viên giữ bình tĩnh và tôn trọng ý kiến, xúc cảm của nhau. Nhà tham vấn tôn trọng ý kiến của từng người, tránh bình luận, phê bình ý kiến của ai đó. Nhà tham vấn tăng cường bầu không khí bạn bè và tạo sự cởi mở giữa các thành viên qua việc chấp nhận và không phán xét thái độ của các thành viên.
- Công nhận các xúc cảm và kinh nghiệm mà các thân chủ đang trải nghiệm. - Cán bộ tham vấn cần có những “thủ thuật” để đối phó với những tình huống gây gỗ, không tôn trọng người khác; dỗi, bỏ họp giữa chừng; làm việc riêng của một số thành viên. Không được ngắt quãng khi có người đang nói hoặc chia sẻ thông tin và không ép buộc ai đó phải nói khi họ chưa sẵn sàng.
- Cán bộ tham vấn phải nhận thức được các giai đoạn khác nhau của sự phát triển nhóm trong quá trình tham vấn (giai đoạn hình thành, xung đột, hòa giải, và kết thúc).
- Nhắc các thành viên giữ kín những thông tin được chia sẻ trong nhóm của mình.
- Lồng ghép các trò chơi trong quá trình tham vấn nhóm.
- Cần ghi chép lưu giữ hồ sơ các cuộc tham vấn: ghi các hoạt động, sự tham gia, cảm xúc của từng người.
Tham vấn theo quan điểm nhân văn - hiện sinh thường sử dụng bối cảnh nhóm để tạo điều kiện cho thân chủ có khả năng nhập vai, cảm nhận được sự ủng hộ của nhóm để họ thấy không đơn độc (vì nhiều người cùng hoàn cảnh như họ). Việc mỗi cá nhân cảm nhận được sự nâng đỡ của nhóm hình như làm họ dễ dàng trình bày những tình cảm hoặc những khó khăn của mình. Tham vấn nhóm có thể tạo nên giai đoạn đầu tiên để thân chủ tái hoà nhập vào cuộc sống thực tế, nó cho phép thân chủ đương đầu với những người khác và đòi hỏi các thân chủ phải có sự hiểu biết và kính trọng lẫn nhau. Chính vì vậy, tham vấn nhóm đã hỗ trợ rất đắc lực cho tham vấn cá nhân trong thực tiễn tham vấn trên thế giới.
Như vậy, để có thể làm tham vấn tâm lý nhóm, người làm công tác tham vấn tâm lý học đường cần có những kỹ năng cơ bản như sau: Kỹ năng xây dựng và tổ chức nhóm; Kỹ năng điều phối nhóm; Kỹ năng quản lý kỉ luật nhóm; Kỹ năng điều phối thảo luận; Kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong lúc tham vấn nhóm.
1.3.2.3. Kỹ năng thực hiện đánh giá và trắc nghiệm tâm lý
Phạm Ngọc Linh (2013) liệt kê các kỹ năng cần có khi thực hành công tác tham vấn tâm lý học đường, trong đó có đề cập đến kỹ năng sử dụng các trắc nghiệm tâm lý tổng quát, bảng kiểm, bảng tự đánh giá cá nhân [11]. Trắc nghiệm được xem như là những công cụ đắc lực cho hoạt động tham vấn tâm lý nói chung và tham vấn tâm lý học đường nói riêng. Việc sử dụng trắc nghiệm khách quan có thể giúp người được tham vấn hiểu rõ hơn các vấn đề của mình.
Một số trắc nghiệm được các chuyên gia khuyên dùng là IQ (chỉ số trí tuệ ), EQ (đo chỉ số cảm xúc), AQ (đo chỉ số vượt khó), CQ test (đo chỉ số sáng tạo) , trắc nghiệm nghiên cứu kiểu nhân cách của Eysenck, trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn của Raven, trắc nghiệm đánh giá trí tuệ tổng quát của Wechsler, trắc nghiệm giao tiếp Luscher. Ngoài ra trong một số hoạt động tham vấn tâm lý cụ
thể khác như tham vấn tâm lý hướng nghiệp thì người làm công tác tham vấn cần phải có kỹ năng sử dụng thêm một số trắc nghiệm như: trắc nghiệm hứng thú học sinh của Golomstoc, bản xác định kiểu nghề cần chọn trên cơ sở tự đánh giá của John Holland.
Như vậy kỹ năng thực hiện đánh giá và trắc nghiệm tâm lý của người làm công tác tham vấn tâm lý học đường phải bao gồm: Kỹ năng thực hiện trắc nghiệm nhân cách; Kỹ năng thực hiện trắc nghiệm lượng giá khó khăn tâm lý; Kỹ năng thực hiện trắc nghiệm trí tuệ; Kỹ năng thực hiện trắc nghiệm hướng nghiệp.
1.3.2.4. Kỹ năng tổ chức hoạt động tham vấn tâm lý
Nghiên cứu của tác giả Đặng Thị Bích Nga (2018) trên 248 cán bộ giáo dục và giáo viên tại các trường trung học trên địa bàn quận 11, thành phố Hồ Chí Minh đã liệt kê các kỹ năng tổ chức hoạt động tham vấn tâm lý bao gồm: xây dựng kế hoạch và chương trình hoạt động cụ thể; xây dựng kế hoạch sát với điều kiện của trường và đáp ứng nhiệm vụ của năm học; xây dựng nội dung, hình thức và phương pháp tham vấn học đường; xác định các nguồn lực để thực hiện hoạt động tham vấn học đường; xây dựng nội dung chi, định mức chi hoạt động tham vấn học đường; xây dựng lịch hoạt động tham vấn học đường [13].
Như vậy các kỹ năng cần thiết trong việc tổ chức hoạt động tham vấn tâm lý học đường cần phải có ở cán bộ làm công tác tham vấn tâm lý bao gồm: Kỹ năng xây dựng kế hoạch và chương trình hoạt động cụ thể; Kỹ năng xây dựng kế hoạch sát với điều kiện của trường và đáp ứng nhiệm vụ của năm học; Kỹ năng xây dựng nội dung, hình thức và phương pháp tham vấn học đường; Kỹ năng xác định các nguồn lực để thực hiện hoạt động tham vấn học đường; Kỹ năng xây dựng nội dung chi, định mức chi hoạt động tham vấn học đường; Kỹ năng xây dựng lịch hoạt động tham vấn học đường.