Cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa, dịch vụ, ĐKTMC xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy lĩnh vực tiêu dùng được coi là mảnh đất màu mỡ của việc hình thành các ĐKTMC lạm dụng, do sự thờ ơ của NTD cũng như những thuộc tính cố hữu của phương thức giao kết hợp đồng “take it or leave it” (lựa chọn hay không lựa chọn) tạo nên. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà pháp luật của phần lớn các nước trên thế giới đều chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của NTD trước các điều kiện hợp đồng, giao dịch bất công bằng.
So với các hợp đồng nói chung, hợp đồng tiêu dùng có đặc điểm nổi trội đó là phần lớn hợp đồng được hình thành trên phương thức giao kết phổ biến là “take it or leave it” của các hợp đồng gia nhập hay hợp đồng hàng loạt. Chủ thể tham gia các hợp đồng này luôn là số đông. Vì vậy, đòi hỏi phải có những quy định riêng để bảo vệ NTD trước phương thức giao kết rất đặc biệt này và đó là một yêu cầu khách quan, mang tính tất yếu. Hợp đồng gia nhập hay hợp đồng hàng loạt là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thông tin bất cân xứng. Trên thực tế, văn bản hợp đồng gia nhập rất ít được NTD đọc bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là các điều khoản dựng sẵn cũng không có ý nghĩa nhiều với NTD. Đây cũng là lý do khiến cho các điều khoản này ngày càng ít được đọc hoặc có thể bị bỏ qua ngay cả khi họ có đọc chúng và cũng là lý do để nhà kinh doanh không đưa ra các điều khoản hợp đồng có lợi và công bằng cho NTD, kể cả trong thị trường có sự cạnh tranh. Ngoài ra, việc độc quyền sản xuất hoặc cung cấp hàng hoá, dịch vụ cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu tước bỏ cơ hội được đàm phán các điều khoản hợp đồng của NTD. Đôi khi hợp đồng gia nhập còn được soạn thảo bởi một hiệp hội nghề nghiệp và được cung cấp cho các thành viên trong hiệp hội để tăng tính thống nhất của hợp đồng, làm giảm khả năng lựa chọn, đàm phán hợp đồng của NTD.
Xuất phát từ đặc thù về phương thức giao kết, NTD luôn ở thế mù mờ thông tin trong giao kết hợp đồng, đặc biệt là phương thức giao kết hợp đồng từ xa, mua hàng qua mạng và mua hàng tận cửa (door to door). Với các phương thức này, NTD có thể thiếu thông tin về tình hình thực tế hay pháp luật về hợp đồng. Dễ dàng thấy rằng khi mua một mặt hàng bất kỳ (quần áo chẳng hạn) thông qua trang web, NTD không có dịp kiểm tra màu sắc, chất liệu hay kích cỡ quần áo tại một trung tâm thương mại, có thể trực tiếp thử, sờ vào mặt hàng. Vì vậy sẽ có rủi ro khi ký kết hợp đồng, sự đồng ý của NTD sẽ không rõ ràng như khi ký kết hợp đồng có sự hiện diện của các bên. Ở một cấp độ thấp hơn, việc mua hàng thiếu cân nhắc cũng rất đáng ngại, khi đó NTD sẽ không có suy nghĩ chín chắn trước khi ký kết hợp đồng trong giao dịch truyền thống. Vị thế của các bên giao kết hợp đồng cũng là lý do khiến NTD từ xa ở thế yếu; đối với hợp đồng gia nhập, NTD không có quyền đưa ra ý kiến bình luận.
Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về ĐKTMC, ngoài việc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật hợp đồng cũng cần thiết phải cân nhắc đến những đặc thù trong việc bảo vệ NTD.
Tuy nhiên, song song với tiêu chí bảo vệ tối đa quyền lợi của NTD, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐKTMC còn phải hướng tới việc hài hòa lợi ích của các chủ thể chủ thể kinh doanh. Yêu cầu này cũng được thể hiện tại Tờ trình Luật BVQLNTD theo đó văn bản này đã xác định mục tiêu, quan điểm của việc ban hành Luật là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh [3]. Yêu cầu này cũng xuất phát từ hạn chế của các quy định của pháp luật, đòi hỏi phải được sửa đổi để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức kinh doanh với tư cách là bên ban hành các ĐKTMC và cả với tư cách là bên bị áp đặt các ĐKTMC. Như đã phân tích trong Chương 2, ngay trong Luật BVQLNTD, sự đối xử thiếu công bằng giữa các chủ thể kinh doanh được thể hiện ở các quy định về đăng ký các điều kiện giao dịch chung. Nhà làm luật đã ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không dựa trên bất kỳ tiêu chí cụ thể nào, thể hiện tính thiếu công bằng trong đánh giá các hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký, đã tạo nên sự phản ứng từ phía các doanh nghiệp cùng cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Những hạn chế này cần sớm được khắc phục để đảm bảo mục tiêu mà đạo luật này đã đề ra.
Bên cạnh đó pháp luật hiện hành đang tồn tại bất cập đó là việc thiếu các quy định điều chỉnh các giao dịch hợp đồng mẫu, sử dụng các ĐKTMC mà hai bên đều là các thương nhân hoặc giữa thương nhân với các chủ thể khác không phải là NTD. Bất cập này cũng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà hiện nay ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu EU cũng đang có rất nhiều sự chỉ trích về những khiếm khuyết trong việc điều chỉnh đối với các điều khoản hợp đồng soạn sẵn bất công bằng. Tại Hội thảo về việc nội luật hoá Chỉ thị 93/13/EEC vào pháp luật của các nước EU, các nước đã đưa ra báo cáo về những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật về bảo vệ NTD trước các điều khoản hợp đồng bất công bằng “unfair” và khuyến cáo về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị, nhấn mạnh sự cần thiết phải coi “unfair terms” không chỉ là vấn đề của hợp đồng với người tiêu dùng (B2C contracts) mà còn là vấn đề của các hợp đồng giữa các nhà kinh doanh với nhau (B2B contracts) [64].