- Khi xuất hiện phạm trù chi phí sản xuất thì giá trị hàng hóa c+ (v + m) sẽ
4.3.3.3. Xu hướng vận động của chủ nghĩa tư bản
Trong quá trình tồn tại và phát triển chủ nghĩa tư bản đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ của lịch sử nhân loại, nhưng cũng còn rất nhiều hạn chế, ngày nay chủ nghĩa tư bản tuy có sự điều chỉnh thích nghi để tiếp tục tồn tại và phát triển nhưng vẫn không tự vượt qua được những giới hạn vốn có của nó, mà trước hết và sâu xa nhất là mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa sự phát triển ngày càng cao về trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất với tính chất tư nhân của quan hệ sản xuất dựa trên sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đến một trình độ nhất định, lực lượng sản xuất tất yếu sẽ đòi hỏi sự thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng một quan hệ sản xuất mới dựa trên sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất, phù hợp hơn với trình độ xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất.
Trong chủ nghĩa tư bản, vì mục đích lợi nhuận, các nhà tư bản ra sức cải tiến kỹ thuật, ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại, những phương pháp sản xuất tiên tiến, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động để hạ giá trị cá biệt của hàng hóa. Do đó, chủ nghĩa tư bản càng phát triển, trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao, trong khi quan hệ sản xuất tuy có sự biến đổi để thích nghi nhưng vẫn dựa trên tính chất sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, không những thế tính chất tư nhân ngày càng được tập trung cao độ nhưng được che đậy dưới hình thức xã hội ở những mức độ khác nhau và ngày càng gia tăng.
Để thích ứng với trình độ xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không ngừng được điều chỉnh, mở rộng mang hình thức xã hội cả về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối.
Về quan hệ sở hữu trong chủ nghĩa tư bản có sự vận động về hình thức từ sở hữu tư nhân thuần túy của các nhà tư bản (chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh) đến sở hữu tập
thể của các nhà tư bản (chủ nghĩa tư bản độc quyền) và sở hữu của nhà nước tư sản với tư cách đại diện cho xã hội (chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước).
Về quan hệ quản lý, trong chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, các nhà tư bản là những người trực tiếp tổ chức quản lý sản xuất, nhưng đến giai đoạn độc quyền quản lý đã được chuyên môn hóa trở thành một nghề, tách rời khỏi chủ thể sở hữu và cũng là lao động làm thuê như lao động trong các nghề khác. Trong chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, nhà nước tư sản đã can thiệp trực tiếp vào tổ chức quản lý kinh tế cả ở tầm vi mô (các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước) và vĩ mô (toàn bộ nền kinh tế).
Về quan hệ phân phối, đã có nhiều thay đổi công nhân từ chỗ chỉ nhận được thu nhập là tiền công (giá cả của hàng hóa sức lao động), thì ngày nay, bên cạnh thu nhập là tiền công công nhân còn có thêm nhiều khoản thu nhập khác, như: lợi tức cổ phiếu khi công nhân mua cổ phiếu của các doanh nghiệp, tiền lãi gửi tiết kiệm, thu nhập từ các quỹ phúc lợi công cộng (các loại trợ cấp)… Đặc biệt đến giai đoạn độc quyền nhà nước, nhà nước tư sản can thiệp trực tiếp vào quan hệ phân phối thông qua thuế và các chính sách xã hội.
Sự điều chỉnh quan hệ sản xuất trong chủ nghĩa tư bản phần nào đã tạo ra sự phù hợp nhất định của quan hệ sản xuất với tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất, góp phần duy trì sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhưng những điều chỉnh đó không làm giảm mà còn làm tăng tính gay gắt trong mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuấtt và quan hệ sản xuất, do sự điều chỉnh đó chưa vượt ra khỏi giới hạn của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển càng chứng minh một sự tất yếu trong sự vận động của nó là nó phải bị thay thế bằng một xã hội mới tiến bộ hơn.
CHƯƠNG 5