+ Mô hình công nghiệp hóa cổ điển: được gắn liền với cuộc cách mạng 1.0, tiêu
biểu ở nước Anh từ giữa thế kỷ XVIII. Bắt đầu từ sự phát triển của ngành công nghiệp nhẹ (ngành dệt), nông nghiệp, rồi cuối cùng là ngành công nghiệp nặng (cơ khí chế tạo máy). Quá trình công nghiệp hóa diễn ra trong thời gian tương đối dài, trung bình từ 60 – 80 năm.
Nguồn vốn để công nghiệp hóa do bóc lột lao động làm thuê, làm phá sản người sản xuất nhỏ, xâm chiếm và cướp bóc thuộc địa. Vì thế, quá trình công nghiệp hóa cổ điển dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa tư bản và lao động, giữa các nước tư bản với nhau, giữa các nước tư bản và các nước thuộc địa.
+ Mô hình công nghiệp hóa kiểu Liên Xô (cũ) : (Liên Xô: 1930; các nước XHCN ở
Đông Âu: 1945; Việt Nam: 1960) là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, vai trò của nhà nước có tính quyết định, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, mệnh lệnh, huy động và phân bổ vốn ưu tiên cho công nghiệp nặng, trong đó trực tiếp là ngành cơ khí chế tạo máy. Với mô hình này cho phép các nước xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật nhanh chóng. Tuy nhiên, khi tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ở trình độ cơ khí hóa cùng với cơ chế kế hoạch hóa tập trung mệnh lệnh không thích ứng được, làm kìm hãm việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới.
+ Mô hình công nghiệp hóa của Nhật Bản và các nước công nghiệp mới (NICs):
Chiến lược công nghiệp hóa rút ngắn, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu, thông qua việc tận dụng lợi thế về khoa học, công nghệ của các nước đi trước, cùng với việc phát huy nguồn lực và lợi thế trong nước thu hút nguồn lực ngoài để tiến hành công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa. Kết quả chỉ sau 20 – 30 năm đã thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mô hình công nghiệp hóa của Nhật Bản và các nước công nghiệp mới cho thấy, trong thời đại ngày nay các nước đi sau nếu biết khai thác tốt lợi thế trong nước và tận dụng, tiếp thu những nguồn lực, đặc biệt là những thành tựu khoa học, công nghệ mới, hiện đại của các nước đi trước, thì sẽ rút ngắn được quá trình phát triển. Việc tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ mới hiện đại có thể thực hiện bằng các con đường cơ bản sau:
Một là, thông qua đầu tư nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện dần dần trình độ công nghệ từ thấp đến cao (thời gian dài và nhiều tổn thất).
Hai là, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển hơn. (đòi hỏi nhiều vốn và ngoại tệ, bị phụ thuộc vào nước ngoài)
Ba là, xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ nhiều tầng, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại. Kết hợp vừa nghiên cứu chế tạo vừa tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển hơn (cơ bản, lâu dài, vững chắc, đi tắt và bám đuổi).
6.1.2. Tính tất yếu khách quan và nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa ởViệt Nam Việt Nam
6.1.2.1. Tính tất yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam