IV. TIỀM NĂNG ĐẤT ĐA
4.1. Đánh giá tiềm năng đất đai cho lĩnh vực nông nghiệp.
* Đất sản xuất nông nghiệp.
Quá trình sản xuất nông nghiệp liên quan chặt chẽ với các yếu tố tự nhiên như đặc điểm thổ nhưỡng, tính chất nông hoá của đất. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn phụ thuộc vào việc bố trí hợp lý các cây trồng, vật nuôi, mặt khác những tác động của thị trường ảnh hưởng không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay, tiềm năng khai thác theo 2 hình thức là đầu tư thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
- Đất trồng cây hàng năm: Đây là loại hình sử dụng đất rất đa dạng, có thể thích nghi trên diện rộng. Diện tích đất trồng cây hàng năm ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó: Đất trồng lúa phân bố nhiều trên địa bàn các xã: Nga My (458,80 ha), Tân Đức (479,93 ha), Tân Hòa (587,19 ha), Tân Khánh (478,05 ha)…; đất trồng cây hàng năm khác phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã: Bảo Lý (176,86 ha), Nga My (176,86 ha), Tân Khánh (181,80 ha), Tân Thành (217,60 ha), Thượng Đình (222,12 ha)…. Sản phẩm của đất trồng cây hàng năm ngoài phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân trong huyện, còn được phân bố ra bên ngoài địa bàn huyện.
- Đất trồng cây lâu năm: cây lâu năm trên địa bàn huyện được phân bố ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện với diện tích 4.521,74 ha, chiếm 18,73% diện tích tự nhiên. Trong những năm tới, đất trồng cây lâu năm của huyện có tiềm năng khá lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất do được chuyển sang từ đất rừng sản xuất và trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi theo mô hình trang trại.
Tiềm năng đất đai cho sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Bình còn là việc khai thác có hiệu quả theo hướng đầu tư thâm canh nâng cao hiệu quả diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
* Đất lâm nghiệp
Diện tích đất lâm nghiệp của huyện hiện có 5.530,34 ha, chiếm 22,91% diện tích tự nhiên và chiếm 27,95% diện tích đất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả sư dụng đất lâm nghiệp cần tập trung giao đất, giao rừng cho hộ gia đình cá nhân, tổ chức xã hội quản lý chăm sóc, bảo vệ. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ và nhân dân, trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, khai thác có hiệu quả diện tích đất rừng sản xuất.
* Đất nuôi trồng thủy sản.
Toàn huyện hiện có 508,67 ha đất nuôi trồng thủy sản. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nuôi trồng thủy sản cần tập trung khai thác triệt để diện tích nước mặt để nuôi trồng theo hướng thâm canh, bán thâm canh (cá trắm, rô phi
đơn tính, chép lai…). Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có thể kết hợp nuôi trồng
thủy sản trên mặt nước các hồ, đập thủy lợi.