Lý thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 34 - 38)

7. Kết cấu của Luận án

1.3.1. Lý thuyết nghiên cứu

Quyền của NKT là quyền con người, NKT có quyền được hưởng đầy đủ quyền con người như tất cả những người khác. NKT là đối tượng yếu thế nhất trong những đối tượng yếu thế, nhiều quyền của NKT chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Các chính sách, pháp luật của quốc tế và quốc gia đều hướng đến mục đích tạo cơ hội cho NKT được bình đẳng trong việc thụ hưởng quyền con người. Do đó, Luận án được nghiên cứu dựa trên ba lý thuyết cơ bản: Lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền, lý thuyết về đối tượng yếu thế và lý thuyết bình đẳng về cơ hội.

Thứ nhất, lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền.

Tiếp cận dựa trên quyền (right based approach - RBA) hay tiếp cận dựa trên quyền con người (human rights based approach – HRBA) được sử dụng phổ biến bởi các tổ chức quốc tế đặc biệt là Liên hợp quốc. Hiện nay, lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền được nhiều khu vực và quốc gia tiếp nhận.

Có hai lý do chính cho cách tiếp cận dựa trên quyền con người: một là, lý do nội tại, thừa nhận rằng cách tiếp cận dựa trên quyền con người là việc làm đúng đắn, về mặt đạo đức hoặc pháp lý; và hai là, trên cơ sở lý luận, cách tiếp cận dựa trên quyền con người dẫn đến các kết quả phát triển con người tốt hơn và bền vững hơn. Trên thực tế, lý do để theo đuổi cách tiếp cận dựa trên quyền con người thường là sự kết hợp của hai điều này5.

Tiếp cận dựa trên quyền con người được hiểu là một khuôn khổ khái niệm cho quá trình phát triển con người dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người một cách chuẩn mực và được định hướng hoạt động nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người6. Tiếp cận dựa trên quyền là lấy con người làm trung tâm để phát triển dựa trên các chuẩn mực và tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế.

Mặc dù không có công thức chung cho cách tiếp cận dựa trên quyền con người, nhưng các cơ quan của Liên hợp quốc nhất trí lý thuyết tiếp cận dựa trên quyền có một số thuộc tính thiết yếu sau7:

Một là, các chính sách và chương trình phát triển được xây dựng với mục tiêu chính là thực hiện quyền con người.

5 Unted Nations (2006), Frequently asked questions on a human righs – based approach to development cooperation, New York and Geneva, tr.15

6https://sites.unicef.org/policyanalysis/rights/index_62012.html, ngày truy cập 15/07/2021.

7 Unted Nations (2006), Frequently asked questions on a human righs – based approach to development cooperation, New York and Geneva, tr.15

Các quy định pháp luật, kế hoạch, chính sách của nhà nước được xây dựng vì mục tiêu thực hiện quyền con người. Tiếp cận dựa trên quyền không chỉ quan tâm tới việc đạt được những mục tiêu đề ra, mà còn chú trọng tới những quy trình, thủ tục thực hiện để đạt được những mục tiêu đó8. Để đạt được mục tiêu thực hiện quyền con người thì chính sách, pháp luật của nhà nước không chỉ ghi nhận quyền mà cần tập trung xây dựng cách thức để hiện thực hoá quyền con người.

Hai là,cách tiếp cận dựa trên quyền con người xác định các chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ tương ứng.

Chủ thể chính của quyền con người là các cá nhân và các nhóm xã hội tương ứng có quyền cá nhân và quyền của nhóm9. Chủ thể có nghĩa vụ bao gồm nhà nước (chủ thể có nghĩa vụ cơ bản) và các tổ chức, cộng đồng xã hội, gia đình và cá nhân. Các chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người10. Tôn trọng quyền là kiềm chế không can thiệp vào việc hưởng thụ quyền con người, bảo vệ quyền là nhà nước ngăn chặn sự vi phạm quyền của bên thứ ba; thúc đẩy quyền là nhà nước tạo ra những điều kiện hợp lý để chủ thể quyền thực hiện quyền.

Ba là,các nguyên tắc và tiêu chuẩn xuất phát từ các điều ước nhân quyền quốc tế phải hướng dẫn mọi hoạt động hợp tác phát triển và soạn thảo trong tất cả các lĩnh vực và trong tất cả các giai đoạn của quá trình soạn thảo.

Văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người là kim chỉ nam cho các quốc gia thành viên hoàn thiện pháp luật quốc gia về quyền con người. Các quốc gia có nghĩa vụ nội luật hoá các Công ước quốc tế mà mình là thành viên bằng cách sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia để phù hợp với tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền con người.

Thứ hai, lý thuyết về đối tượng yếu thế.

Đối tượng yếu thế là những người có vị thế thiệt thòi hơn nhiều nhóm đối tượng xã hội khác trên nhiều phương diện như kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự, chính trị. Trong luật quốc tế ghi nhận phụ nữ, trẻ em, NKT, người sống chung với HIV, người di trú, người thiểu số, người cao tuổi... là người yếu thế.

Đối tượng yếu thế được hưởng các quyền con người như những người khác. Quyền của đối tượng yếu thế được ghi nhận đầy đủ trong tuyên ngôn Quốc tế nhân

8 Vũ Công Giao (2019), “Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, Nghiên cứu lập pháp, (18), tr.3-12.

9 Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), (2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.65.

10 Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.75

quyền năm 1948 (UDHR), Công ước quốc tế về quyền kinh tế, chính trị và văn hoá năm 1966 (ICESCR) và Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) không có bất kỳ sự phân biệt hay loại trừ nào.

Tuỳ đối tượng yếu thế lại có những quyền được nhấn mạnh, có những quyền riêng mà chỉ họ mới được hưởng. Đối tượng yếu thế có những hạn chế hơn so với người khác về độ tuổi, sức khoẻ, tâm lý, nhận thức, kinh tế... Mỗi yếu tố lại có những ảnh hưởng khác nhau đến việc hưởng thụ quyền của từng đối tượng nên tiếp cận quyền của đối tượng yếu thế trên cơ sở cào bằng với những đối tượng khác là không phù hợp. Theo đó, tuỳ từng đối tượng yếu thế có những quyền cần được tạo những điều kiện riêng để thực hiện, thậm chí có những quyền riêng mà chỉ họ mới được hưởng. Như trong Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ của Liên hợp quốc được thông qua ngày 18/12/1979 (CEDAW) đã đề ra cách thức và biện pháp nhằm loại trừ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong việc hưởng thụ quyền con người; Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc được thông qua ngày 21/11/1989 (CRC) ghi nhận các quyền đặc thù của trẻ em như quyền được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, quyền không bị tách ra khỏi cha mẹ một cách trái ý muốn...; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc được thông qua ngày 13/12/2006 (CRPD) ghi nhận NKT có một số quyền đặc thù như quyền được hòa nhập và hỗ trợ để hoà nhập vào cộng đồng, quyền được hỗ trợ trong việc đi lại, quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng...

Thậm chí có những đối tượng yếu thế “kép”lại càng cần sự bảo vệ và bảo đảm hơn hẳn đối tượng yếu thế khác. Các đối tượng yếu thế kép phải kể đến như “trẻ em khuyết tật”;“phụ nữ khuyết tật”;“trẻ em gái khuyết tật”... Điều đó được thể hiện qua Khoản 2 Điều 23 CRC “Các Quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em khuyết tật được chăm sóc đặc biệt”; Trong CRPD đã dành riêng Điều 6 quy định về phụ nữ khuyết tật và Điều 7 quy định về trẻ em khuyết tật.

Thứ ba, lý thuyết bình đẳng về cơ hội.

Quyền bình đẳng là quyền được đối xử công bằng, là quyền cơ bản của con người và ai cũng được hưởng. Tuyên ngôn Quốc tế quyền con người năm 1948 của Liên hợp quốc: “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác” (Điều 2); ngoài ra cụm từ “ai cũng

có quyền”; “không ai có thể bị”; “không ai bị”; “mọi người” được lặp đi lặp lại trong các quyền cụ thể trong Tuyên ngôn.

Trong một số công ước của Liên hợp quốc về quyền con người cũng ghi nhận quyền bình đẳng. Trong lời nói đầu của ICESCR và ICCPR khẳng định “Theo Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người thì chỉ có thể đạt được lý tưởng về con người tự do, không phải chịu nỗi sợ hãi và thiếu thốn, nếu tạo được những điều kiện để mọi người đều có thể hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cũng như các quyền dân sự, chính trị của mình”. Tương tự như UDHR, các cụ từ “mọi người”, “mọi trẻ em”; “mọi công dân”, “bất cứ ai”, “bất cứ người nào” đều có quyền

“bình đẳng”,“không phân biệt”, “không có bất kỳ sự phân biệt”, “không ai bị”

được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong cả hai công ước. Bên cạnh đó, quyền bình đẳng cũng được đề cập xuyên suốt các quyền con người trong các lĩnh vực được ghi nhận trong CEDAW, CRC, CRPD.

Một số công ước của ILO cũng đề cập đến quyền bình đẳng của con người như Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho những công việc có giá trị ngang nhau (Công ước 100); Công ước chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước số 111).

Bình đẳng gồm có bình đẳng trên danh nghĩa, bình đẳng về kết quả và bình đẳng về cơ hội11. Bình đẳng trên danh nghĩa là đối xử giống nhau giữa người với người; bình đẳng về kết quả là sự bảo đảm các kết quả là như nhau đối với tất cả mọi người; cả hai hình thức bình đẳng này đều không tính đến sự khác biệt và bất lợi của từng chủ thể. Bình đẳng về cơ hội là thừa nhận vai trò quan trọng của những khác biệt và bất lợi giữa các chủ thể, từ đó đưa ra những biện pháp để đạt được bình đẳng thực chất. Bình đẳng về cơ hội sẽ bao quát được cả bình đẳng trên danh nghĩa và bình đẳng về kết quả. Trên cơ sở ghi nhận mọi người có quyền bình đẳng như nhau trong mọi lĩnh vực, đối với những người có những bất lợi hơn những người khác thì cần có những biện pháp cụ thể để khắc phục những bất lợi đó để cuối cùng tất cả mọi người đều được thụ hưởng quyền như nhau.

Bình đẳng về cơ hội được ghi nhận trong một số công ước của Liên hợp quốc như CRC (Điều 28); CEDAW (Điều 4, Điều 14) và đặc biệt trong CRPD thì bình đẳng về cơ hội được ghi nhận là nguyên tắc chung (Điểm e Điều 3).

11 Văn phòng tổ chức lao động quốc tế (2004), Hướng tới cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật thông qua hệ thống pháp luật, Cơ quan Hợp tác phát triển Ailen, Thuỵ Sỹ, tr.21.

Lý thuyết bình đẳng về cơ hội là hệ lý thuyết được sử dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu luận án. Vấn đề quyền của NKT được nghiên cứu trên cơ sở bình đẳng với các chủ thể khác và nhấn mạnh vào những biện pháp giải quyết những rào cản mà NKT gặp phải trong cuộc sống để hướng đến mục tiêu NKT được tham gia trọn vẹn vào mọi hoạt động trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)