Khái niệm người khuyết tật

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 40 - 45)

7. Kết cấu của Luận án

2.1.1. Khái niệm người khuyết tật

Thuật ngữ NKT là một khái niệm dễ thay đổi, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội khác nhau mà có những cách hiểu khác nhau. Theo thời gian, thuật ngữ NKT không chỉ thay đổi về hình thức (nói cách khác là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng khuyết tật) mà còn thay đổi về nội hàm của thuật ngữ này. Công ước về quyền của NKT năm 2006 ghi nhận “thừa nhận rằng sự khuyết tật là một khái niệm luôn tiến triển”. Điều này được thể hiện rõ nét qua các văn bản của Liên hợp quốc, văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng như pháp luật của các quốc gia trên thế giới.

Thuật ngữ NKT trong pháp luật quốc tế có sự thay đổi trong cách gọi chủ thể này. Từ “handicapped”, “disabled person” (người tàn tật) được thay thế bởi “people with disability” (người khuyết tật). Trong Tuyên ngôn về quyền của NKT năm 1975 sử dụng thuật ngữ “handicapped”. Công ước Quyền trẻ em năm 1989 sử dụng thuật ngữ “disabled child”(trẻ em tàn tật). Trong một số văn bản của ILO (Khuyến nghị số 99 về phục hồi chức năng nghề nghiệp cho NKT năm 1955; Công ước số 159 về phục hồi chức năng nghề nghiệp và việc làm cho NKT năm 1983; Khuyến nghị số 168 về phục hồi chức năng nghề nghiệp và việc làm cho NKT năm 1983) đều sử dụng thuật ngữ “disabled person”. Đến ngày 13/12/2006 tại kỳ họp lần thứ 61 của Đại hội đồng Liên hợp quốc các đại biểu đã nhất trí thông qua Công ước về Quyền của người khuyết tật đã chính thức sử dụng thuật ngữ “people with disabitity”.

Pháp luật Việt Nam quy định về NKT cũng có sự thay đổi theo thời gian. Hiến pháp năm 1946; Hiến pháp năm 1959; Hiến pháp năm 1992 đều sử dụng thuật ngữ “người tàn tật”. Đến năm 2001, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/QH10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, trong đó sửa đổi Điều 59 dùng từ “khuyết tật” thay cho từ “tàn tật”. Sau này, trong Hiến pháp 2013 và nhiều luật chuyên ngành khác đã thống nhất sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật”.

Việc thay đổi cách sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật” thay thế “người tàn tật” có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi từ “khuyết tật” thường mang sắc thái tốt hơn từ “tàn tật”. Từ “tàn” trong cụm từ “tàn tật” thường gợi đến hình ảnh tiêu cực, tạo cảm giác không còn khả năng gì, không có tương lai và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng

đến nỗ lực phấn đấu vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Còn từ “khuyết” trong cụm từ “khuyết tật” mang ý nghĩa suy giảm chức năng nhưng vẫn còn khả năng phục hồi và còn hy vọng. Việc các quốc gia sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật” là phù hợp với xu hướng chung hiện nay.

Định nghĩa NKT ghi nhận trong pháp luật quốc tế và quốc gia không chỉ thay đổi về mặt từ ngữ mà còn có sự thay đổi về nội dung. Theo Tuyên ngôn về quyền của người khuyết tật năm 1975 thì người tàn tật là bất cứ người nào không có khả năng tự đảm bảo cho bản thân, toàn bộ hay từng phần, những sự cần thiết của một số cá nhân bình thường hay của cuộc sống xã hội do sự thiếu hụt bẩm sinh hay không bẩm sinh những khả năng về thể chất hay tâm thần của họ. Điều 1 CRPD quy định NKT bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Công ước số 159 về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho NKT năm 1983 của ILO ghi nhận thuật ngữ NKT dùng để chỉ một cá nhân có triển vọng bảo đảm, duy trì, thăng tiến trong công việc phù hợp bị giảm đáng kể do sự suy yếu về thể chất hoặc tinh thần được công nhận hợp lệ.

Khái niệm NKT được ghi nhận trong pháp luật một số quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Civil law như sau:

Luật Bảo vệ Người khuyết tật Trung Quốc năm 1990, được sửa đổi vào năm 2008 và năm 2018. Điều 2 quy định“Người khuyết tật là những người bị mất hoặc bất thường một số cơ quan hoặc chức năng về tâm lý, thể chất hoặc cấu trúc con người, và mất hoàn toàn hoặc một phần khả năng tham gia vào các hoạt động nhất định một cách bình thường”12.

Ở Nhật Bản, Luật cơ bản về các biện pháp cho người khuyết tật được ban hành năm 1970. Đến năm 1993 đổi tên thành Luật Cơ bản về người khuyết tật. Luật Cơ bản về người khuyết tật năm 1993 được sửa đổi vào năm 2004 và 201113. Điều 2 Luật Cơ bản về Người khuyết tật Nhật Bản năm 1993 sửa đổi năm 2011 thì người khuyết tật bao gồm người khuyết tật thể chất, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật tâm thần (kể cả khuyết tật phát triển) và các khuyết tật khác về thể chất và tinh thần tiếp tục do khuyết tật và các rào cản xã hội dẫn đến tình trạng bị hạn chế đáng kể trong cuộc

12 http://www.npc.gov.cn/zgrdw/npc/xinwen/2018-11/05/content_2065632.htm, truy cập ngày 25/03/2021 13 https://www.dinf.ne.jp/doc/japanese/law/archives.html, truy cập ngày 25/03/2021

sống hàng ngày hoặc đời sống xã hội của họ. Rào cản xã hội đề cập đến những thứ, hệ thống, thực hành, ý tưởng và tất cả những thứ khác trong xã hội là rào cản đối với cuộc sống hàng ngày hoặc cuộc sống xã hội của người khuyết tật14.

Đạo luật Thúc đẩy và phát triển chất lượng cuộc sống của người khuyết tật Thái Lan năm 2007 định nghĩa người khuyết tật là người bị hạn chế trong việc thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày hoặc tham gia vào xã hội. Bởi vì có những suy giảm thị giác, thính giác, vận động, giao tiếp, tâm trí, cảm xúc, hành vi, trí thông minh, học tập hoặc bất kỳ khiếm khuyết nào khác kết hợp với những trở ngại trong các lĩnh vực khác nhau, và có nhu cầu đặc biệt để nhận được sự trợ giúp để có thể thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày hoặc tham gia vào xã hội với tư cách là công dân phù hợp với các loại hình và tiêu chí do Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người tuyên bố15.

Tại Điều 3 Luật về cơ hội bình đẳng của Người khuyết tật (Đạo luật bình đẳng cho người khuyết tật – BGG) năm 2002 sửa đổi năm 2018 quy định: Người khuyết tật là những người bị suy giảm lâu dài về thể chất, tâm lý, tinh thần hoặc giác quan, tương tác với các rào cản về thái độ và môi trường, có thể cản trở họ tham gia vào xã hội một cách bình đẳng. Thời gian dài hạn có khả năng kéo dài hơn sáu tháng16.

Điều 2 Bộ luật An sinh xã hội, quyển số 9 Bộ Luật xã hội Đức về phục hồi chức năng và sự tham gia của NKT (SGB) năm 2001 (sửa đổi năm 2016) định nghĩa người khuyết tật là những người bị khiếm khuyết về thể chất, tâm lý, tinh thần hoặc giác quan, tương tác với các rào cản về thái độ và môi trường, rất có thể ngăn cản họ tham gia vào xã hội một cách bình đẳng trong hơn sáu tháng17.

Điểm g Điều 1 Luật Bảo đảm thực hiện quyền của người khuyết tật nhằm mục đích hòa nhập xã hội, nghề nghiệp và giáo dục của Pháp năm 2004 quy định người khuyết tật là bất kỳ người nào bị khuyết tật gây mất khả năng lao động đáng kể và dai dẳng và đang gặp trở ngại trong việc thực hiện các hoạt động hiện tại18.

Trong pháp luật Việt Nam khái niệm NKT được ghi nhận Khoản 1 Điều 2 Luật NKT 2010 quy định NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao đô ̣ng, sinh hoạt, ho ̣c tâ ̣p gă ̣p khó khăn.

14 https://www.dinf.ne.jp/doc/japanese/law/6laws/kaiseikihon_2011.html, truy cập ngày 25/03/2021 15 http://web1.dep.go.th/sites/default/files/files/law/178.pdf, truy cập ngày 21/03/2021

16 https://www.gesetze-im-internet.de/bgg/__3.html, truy cập ngày 25/03/2021

17 https://www.gesetze-im-internet.de/sgb_9_2018/BJNR323410016.html, truy cập ngày 25/03/2021 18 http://legisquebec.gouv.qc.ca/fr/ShowDoc/cs/E-20 truy cập ngày 25/03/2021

Pháp luật một số quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Common Law ghi nhận khái niệm NKT như sau:

Luật về Người khuyết tật Hoa Kỳ năm 1990 (sửa đổi năm 2008) thì cho rằng khuyết tật có nghĩa là đối với cá nhân có khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần giới hạn đáng kể một hoặc nhiều hoạt động sinh hoạt chính của cá nhân đó, có hồ sơ về sự suy giảm đó hoặc được coi là có khuyết tật. Sẽ không áp dụng cho những khiếm khuyết chỉ là tạm thời và nhỏ. Suy giảm khả năng tạm thời là tình trạng suy giảm có thời gian thực tế hoặc dự kiến kéo dài từ 6 tháng trở xuống19.

Điểm s Mục 2 Phần 1 Luật Quyền của Người khuyết tật năm 2016 của Ấn độ quy định người khuyết tật bao gồm những người bị suy yếu lâu dài về thể chất, tinh thần, trí tuệ hoặc giác quan, tương tác với các rào cản khác nhau có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác20.

Theo Đạo luật Bình đẳng Anh năm 2010 khuyết tật có nghĩa là một tình trạng thể chất hoặc tinh thần có ảnh hưởng đáng kể và lâu dài đến khả năng của bạn để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đạo luật bình đẳng Anh bảo vệ cả NKT trong quá khứ nếu một người có tình trạng sức khoẻ tâm thần trong quá khứ kéo dài hơn 12 tháng nhưng bây giờ đã hồi phục thì vẫn được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử21.

Khái niệm NKT được đề cập trong pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia nói trên có một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, có hai góc độ tiếp cận khái niệm NKT là góc độ y tế và góc độ xã hội. Tiếp cận khuyết tật dưới góc độ y tế cho rằng khuyết tật là tình trạng suy giảm thể chất, tinh thần của cá nhân, từ đó đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Do cơ thể có những khiếm khuyết đã khiến họ bị khuyết tật, và để không khuyết tật phải thay đổi chính con người họ. Tuyên bố về quyền NKT năm 1975 ; Công ước số 159 về phục hồi chức năng nghề nghiệp và việc làm cho NKT năm 1983; pháp luật Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ, Anh... hiện nay đang tiếp cận dưới góc độ y tế. Điều này cũng dễ hiểu bởi biểu hiện đầu tiên để xác định khuyết tật là do sự khiếm khuyết của cơ thể, nên nhiều quốc gia vẫn nhấn mạnh đến yếu tố y học để xác định tình trạng khuyết tật.

19 https://www.ada.gov/pubs/adastatute08.htm#12102, truy cập ngày 20/02/2021

20 https://www.indiacode.nic.in/bitstream/123456789/2155/1/A2016_49.pdf, truy cập ngày 25/03/2021 21 https://www.legislation.gov.uk/ukpga/2010/15/contents, ngày truy cập 26/03/2021

Tiếp cận khuyết tật dưới góc độ xã hội cho rằng người bị khiếm khuyết về thể chất, tinh thần nhưng do những rào cản xã hội đã biến họ thành khuyết tật. Với quan điểm này, coi xã hội là vấn đề và giải pháp là phải thay đổi xã hội. Một số văn bản pháp luật tiếp cận khái niệm NKT theo quan điểm này như Quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng cơ hội cho NKT năm 1993, Công ước quốc tế về quyền NKT năm 2006, pháp luật của Đức, Ấn độ, Thái Lan...

Hai là, về thời gian bị khuyết tật.

Thời gian bị khuyết tật là khoảng thời gian tối thiểu NKT bị ngăn cản tham gia đầy đủ và trọn vẹn vào mọi hoạt động của cuộc sống. Một số quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Ấn độ, Đức... quy định thời gian bị khuyết tật là căn cứ xác định NKT và các quốc gia này đều quy định khoảng thời gian bị khuyết tật là hơn 6 tháng. Liên hợp quốc, ILO và một số quốc gia như Pháp, Trung quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam... đều không coi thời gian bị khuyết tật là cơ sở để xác định NKT.

Ba là, về việc NKT không được tham gia vào các hoạt động xã hội một cách bình đẳng.

NKT không được tham gia vào các hoạt động xã hội một cách bình đẳng là việc NKT bị loại trừ, bị phân biệt đối xử. Trong CRPD, pháp luật Trung Quốc, Đức, Ấn độ đều coi việc NKT không được tham gia bình đẳng với những chủ thể khác là cơ sở để xác định NKT.

Qua phân tích cho thấy, khái niệm NKT là một khái niệm dễ thay đổi và phụ thuộc vào việc các quốc gia tiếp cận dưới góc độ nào. Tuy nhiên, để phù hợp với văn bản của các tổ chức quốc tế cũng như xu thế chung hiện nay có thể hiểu về NKT như sau: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần được biểu hiện dưới dạng tật khi tương tác với các rào cản xã hội khiến cho họ bị mất hoặc hạn chế cơ hội tham gia bình đẳng trong cuộc sống.

Khái niệm NKT trên được tiếp cận kết hợp hai góc độ y tế và xã hội. Dưới góc độ y tế thì NKT là người có khiếm khuyết cơ thể. Sự khiếm khuyết này được biểu hiện như không có hoặc mất một hoặc một số bộ phận cơ thể; một hoặc một số chức năng của cơ thể bị suy giảm; không có hoặc hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi... Dưới góc độ xã hội thì NKT mất hoặc hạn chế cơ hội được bình đẳng tham gia vào các hoạt động xã hội là do các rào cản xã hội. Để NKT có thể bình đẳng tham gia vào mọi hoạt động của cuộc sống thì cần tìm cách chữa trị cho NKT để họ khắc phục tốt hơn về tình trạng sức khoẻ và giúp họ điều chỉnh bản thân

để chung sống cũng những bất lợi một cách tự lập22. Bên cạnh đó, cần loại bỏ các rào cản xã hội (như thay đổi nhận thức, cơ sở vật chất, thể chế) để người khuyết tật có thể hoà nhập cộng đồng.

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)