Nội dung quyền của người khuyết tật trong pháp luật ansinh xã hội

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 55 - 61)

7. Kết cấu của Luận án

2.2.2. Nội dung quyền của người khuyết tật trong pháp luật ansinh xã hội

Trong các văn bản của Liên hợp quốc như Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948, Công ước ICESCR, Công ước CEDAW, Công ước CRC đều khẳng định con người có quyền được hưởng ASXH nhưng không có văn bản giải thích về nội dung của ASXH cho đến khi ILO thông qua Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội vào ngày 28/06/1952. Có thể nói đây là công ước quan trọng nhất của ILO khi quy định về ASXH. Công ước gồm 87 điều chia là 14 phần và 9 chế độ. Bao gồm (1) chăm sóc y tế, (2) trợ cấp ốm đau, (3) trợ cấp thất nghiệp; (4) trợ cấp tuổi già (hưu bổng); (5) trợ cấp tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; (6) trợ cấp thai sản; (7) trợ cấp tàn tật; (8) trợ cấp tiền tuất; (9) trợ cấp gia đình.

Bên cạnh Công ước 102 về Quy phạm tối thiểu về ASXH , ILO còn ban hành một số công ước về ASXH với tiêu chuẩn cao hơn như Công ước số 103 bảo vệ thai sản (sửa năm 1952) (Sau này là công ước 183 năm 2000); Công ước số 121 về chế độ tai nạn lao động năm 1964; Công ước số 128 về chế độ mất sức lao động, tuổi già và tử tuất; Công ước số 130 về chế độ ốm đau và chăm sóc y tế năm 1969; Công ước số 168 về xúc tiến việc làm và chống thất nghiệp.

Trong Bình luận chung số 19 về Quyền được an sinh xã hội của Uỷ ban Kinh tế, xã hội và văn hoá, thông qua ngày 23/11/2007 xác định quyền được ASXH bao gồm quyền tiếp cận và duy trì các phúc lợi, bằng tiền hay hiện vật, không có sự phân biệt đối xử nhằm đảm bảo sự bảo vệ về giảm thu nhập liên quan đến công việc do ốm đau, khuyết tật, thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tuổi già hoặc thành viên trong gia đình bị chết; khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc khoẻ mà không chi trả được; không đủ hỗ trợ gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em và người lớn phụ thuộc (khoản 2 mục I Giới thiệu). Đồng thời, Bình luận chung số 19 cũng

xác định hệ thống ASXH gồm 9 nhánh: (1) Chăm sóc sức khoẻ; (2) trợ cấp ốm đau; (3) Trợ cấp tuổi già; (4) Trợ cấp thất nghiệp; (5) Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; (6) Trợ cấp gia đình; (7) Trợ cấp thai sản; (8) Trợ cấp khuyết tật; (9) Trợ cấp tiền tuất.

Ngày 30/05/2012, Đại hội đồng của Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua Khuyến nghị sàn An sinh xã hội (R202)39. Với mục đích đảm bảo cho mọi người có mức thu nhập tối thiểu và tiếp cận được các dịch vụ xã hội thiết yếu, bảo đảm các quyền cơ bản của con người nhằm ngăn ngừa hoặc giảm nghèo, giảm mức độ tổn thương và tăng cường hoà nhập xã hội.

Điều 5 Khuyến nghị sàn ASXH năm 2012 thì các dịch vụ ASXH cơ bản bao gồm: (1) Tiếp cận đến các hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc gia, gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, cả trong trường hợp thai sản; (2) Bảo đảm thu nhập tối thiểu cho trẻ em, ít nhất ở mức tối thiểu của quốc gia, thông qua đảm bảo trẻ em được tiếp cận với dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc và bất kỳ hàng hóa, dịch vụ cần thiết nào; (3) Bảo đảm thu nhập cơ bản, ít nhất ở mức tối thiểu của quốc gia, cho những người trong độ tuổi lao động nhưng không thể kiếm đủ thu nhập, kể cả trong trường hợp ốm đau, thất nghiệp, thai sản và khuyết tật; (4) Bảo đảm thu nhập cơ bản, ít nhất ở mức tối thiểu của quốc gia, cho người cao tuổi.

So với Công ước 102 về Quy phạm tối thiểu về ASXH và Bình luận chung số 19 về An sinh xã hội thì Khuyến nghị sàn ASXH đã đưa ra cách tiếp cận hiện đại hơn. Thứ nhất, sàn ASXH căn cứ vào từng nhóm độ tuổi để đưa ra những dịch vụ ASXH cơ bản phù hợp, bởi vì mỗi độ tuổi con người sẽ có nhu cầu khác nhau. Sàn ASXH đảm bảo quyền tiếp cận hiệu quả với dịch vụ ASXH cơ bản cho tất cả mọi người trong vòng đời, từ trẻ em, người trong độ tuổi lao động, người già và đặc biệt quan tâm đến những nhóm yếu thế như NKT, phụ nữ. Thứ hai, chế độ ASXH không chỉ bó hẹp trong 9 nhánh mà còn bao gồm các dịch vụ xã hội thiết yếu.

Dịch vụ xã hội thiết yếu gắn liền với nhu cầu thiết yếu của con người. Con người có một số nhu cầu thiết yếu như ăn, uống, mặc, ở, khoẻ mạnh, học tập, lao động, vui chơi, thể thao, giải trí... Nên các dịch vụ thiết yếu gồm chăm sóc y tế; nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhà ở; giáo dục; lương thực, thực phẩm; và các dịch vụ khác theo ưu tiên của từng quốc gia40.

39https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=NORMLEXPUB:12100:0::NO:12100:P12100_INSTRUMENT_I D:3065524:NO

40 Lê Thị Hoài Thu, Quyền An sinh xã hội và đảm bảo thực hiện trong pháp luật Việt Nam, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.44

NKT gặp nhiều khó khăn trong tạo thu nhập và đảm bảo cuộc sống nên NKT đặc biệt được quan tâm trong lĩnh vực ASXH. Trong Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về ASXH, Bình luận chung số 19 về quyền được ASXH đều đề cập đến “trợ cấp khuyết tật” và Khuyến nghị sàn ASXH cũng ghi nhận “bảo đảm thu nhập cơ bản... cho NKT”. Bên cạnh đó, NKT gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, học tập, vui chơi giải trí, tham gia giao thông... do đó, bên cạnh nhu cầu được đảm bảo mức sống, NKT còn có thêm nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Công ước CRPD ghi nhận các quyền cơ bản, quan trọng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của NKT như sau:

(1). Quyền có mức sống thoả đáng (Điều 28).

Mức sống thoả đáng bao gồm điều kiện ăn, mặc, ở thoả đáng và điều kiện sống liên tục được cải thiện. NKT được đảm bảo có thực phẩm đầy đủ, nhà ở dễ tiếp cận, quần áo đầy đủ phù hợp với nhu cầu của NKT. Bên cạnh đó, cần có các thiết bị hỗ trợ để NKT có thể độc lập tham gia vào cuộc sống hàng ngày.

(2). Quyền được phúc lợi xã hội thoả đáng (Điều 28).

NKT được hưởng phúc lợi xã hội; được tiếp cận dịch vụ nước sạch; NKT và gia đình họ sống trong tình trạng nghèo khổ được tiếp cận sự giúp đỡ từ quỹ hỗ trợ NKT; NKT được tiếp cận chương trình nhà ở công cộng và chương trình phúc lợi hưu trí.

(3). Quyền được giáo dục (Điều 24). (4).Quyền được chăm sóc y tế (Điều 25).

(5). Quyền được tập luyện và phục hồi (Điều 26).

(6). Quyền tham gia hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí và thể thao (Điều 30). Công ước về quyền của NKT đã bao quát hết các quyền NKT trong lĩnh vực ASXH, trên cơ sở đó, các quốc gia thành viên tiến hành nội luật hoá. Tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, các quốc gia ghi nhận tất cả hoặc một phần các quyền nói trên. Trong đó, quyền của NKT bao gồm bốn nhóm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, quyền được bảo vệ thu nhập.

Thu nhập được hiểu là nhận được tiền bạc, của cải vật chất từ một hoạt động nào đó41. NKT sẽ có thu nhập khi họ có việc làm, vấn đề việc làm được giải quyết cũng đồng nghĩa với việc NKT được bảo đảm nguồn thu nhập. Bên cạnh những

NKT tự tạo việc làm hoặc tự tìm cho mình một công việc thì còn nhiều NKT lại rất khó khăn khi tìm cho mình một công việc thích hợp. Do đó, nhu cầu được hỗ trợ, tạo việc làm để có nguồn thu nhập là nhu cầu thiết yếu đối với NKT.

Trong quá trình NKT lao động không tránh khỏi những lúc ốm đau, tai nạn, thai sản, thất nghiệp, tuổi già và chết. Vào những hoàn cảnh đó, nguồn thu nhập của NKT bị giảm sút hoặc bị mất. Tham gia BHXH sẽ là giải pháp bảo đảm thu nhập trong những hoàn cảnh này. Nếu như tiền lương là thu nhập từ lao động thì trợ cấp BHXH là khoản thu nhập thay thế tiền lương. Trong quá trình lao động, NKT tham gia BHXH (gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện), bảo hiểm thất nghiệp thì khi xảy ra những sự kiện rủi ro, NKT sẽ được hưởng một khoản tiền trợ cấp BHXH hay trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, khoản tiền này sẽ bù đắp, thay thế cho nguồn thu nhập bị giảm sút hoặc bị mất.

Như vậy, được bảo vệ thu nhập là quyền rất quan trọng đối với NKT. Để bảo vệ thu nhập cho NKT thì trước hết cần hỗ trợ tạo việc làm để NKT có nguồn thu nhập đồng thời bảo đảm cho NKT được bình đẳng tham gia và hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ hai, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ

Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ đơn thuần là không có bệnh hoặc tật (theo Điều lệ của Tổ chức Y tế thế giới bổ sung tháng 10 năm 2006). NKT có những đặc trưng về tình trạng bệnh, tật nên với họ khó có thể đạt được trạng thái thoải mái như người bình thường. Để bảo vệ sức khoẻ cho NKT thì cần thực hiện đồng thời các hoạt động đề phòng sự phát sinh bệnh tật, phát hiện sớm khuyết tật, điều trị kịp thời. Để chăm sóc sức khoẻ cho NKT cần thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng (PHCN), tổ chức cho NKT tham gia BHYT và hưởng BHYT giúp NKT ổn định sức khoẻ, vượt qua khó khăn của bệnh tật, vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Với tiêu chí “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên NKT có quyền được chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu được ghi nhận trong Tuyên ngôn Alma – Ata của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) năm 1978 về chăm sóc sức khoẻ ban đầu42. Theo tuyên bố Alma – Ata của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) năm 1978 về chăm sóc sức khoẻ ban đầu có 8 nội dung: Giáo dục liên quan đến các vấn đề sức khỏe hiện

42 Alma-Ata là thành phố lớn nhất của Kazakhstan, nơi đã diễn ra Hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu với sự tham dự của 134 nước trong đó có Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức vào ngày 6-12/09/1978.

hành và các phương pháp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật; cung cấp thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý; cung cấp đủ nước sạch và vệ sinh cơ bản; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bao gồm cả kế hoạch hóa gia đình; chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm chính; phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh tại địa phương; điều trị thích hợp các bệnh và thương tích phổ biến; và cung cấp thuốc thiết yếu.

Mục đích của quyền chăm sóc sức khoẻ ban đầu là nhằm hạn chế khuyết tật xuất hiện. Nên trong nhóm quyền chăm sóc sức khoẻ ban đầu của NKT có quyền được dự phòng khuyết tật. Dự phòng khuyết tật bao gồm 2 cấp độ là phòng ngừa sơ cấp (ngăn chặn sự xuất hiện các khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, tâm thần hoặc cảm giác) và phòng ngừa thứ cấp (ngăn ngừa sự suy giảm gây ra hạn chế chức năng vĩnh viễn hoặc khuyết tật). Dự phòng khuyết tật bao gồm nhiều loại hành động khác nhau, như chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc trước khi sinh và sau khi sinh, giáo dục về dinh dưỡng, chiến dịch tiêm chủng chống lại các bệnh truyền nhiễm, các biện pháp kiểm soát các bệnh dịch lưu hành, các quy định an toàn, các chương trình phòng ngừa tai nạn trong các môi trường khác nhau, bao gồm thích ứng với nơi làm việc để ngăn ngừa khuyết tật và bệnh nghề nghiệp, và ngăn ngừa tàn tật do ô nhiễm môi trường hoặc xung đột vũ trang43.

NKT có quyền khám bệnh, chữa bệnh và PHCN. Khám bệnh, chữa bệnh là được người có chuyên môn thực hiện các biện pháp y tế để chuẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. PHCN đề cập đến một quá trình giúp NKT đạt được và duy trì mức độ tối đa về thể chất, giác quan, trí tuệ, tâm thần và / hoặc chức năng xã hội, cung cấp cho NKT các công cụ để thay đổi cuộc sống theo hướng ngày càng độc lập. Quá trình PHCN không liên quan đến chăm sóc y tế ban đầu44. PHCN bao gồm PHCN y học và PHCN xã hội45.

NKT khám chữa bệnh, PHCN sẽ phát sinh các chi phí khám chữa bệnh, thuốc men... đôi khi chi phí vượt qua khả năng chi trả của NKT. Nên NKT có quyền được tham gia và hưởng BHYT, BHYT sẽ chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, thuốc men... cho NKT.

Như vậy, quyền chăm sóc sức khoẻ của NKT gồm bốn nhóm quyền là quyền được tham gia BHYT; quyền được chăm sóc sức khoẻ ban đầu; quyền được quản lý sức khoẻ; quyền được khám bệnh, chữa bệnh; quyền được PHCN.

43 Liên Hợp quốc, Các quy tắc chuẩn về bình đẳng cơ hội cho người khuyết tật năm 1993 44 Liên Hợp quốc, Các quy tắc chuẩn về bình đẳng cơ hội cho người khuyết tật năm 1993

Thứ ba, quyền được trợ giúp xã hội.

Trợ giúp xã hội là sự giúp đỡ của Nhà nước, của cộng đồng đối với các đối tượng đặc thù trong xã hội bằng việc hỗ trợ về vật chất, điều kiện sinh sống để đối tượng phát huy khả năng tự lo liệu cuộc sống, vượt qua hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng...

Phải khẳng định “đa số người khuyết tật sống trong nghèo khó” (điểm t lời nói đầu CRPD) nên cộng đồng xã hội cần trợ giúp NKT bảo đảm cuộc sống. Liên hợp quốc nhấn mạnh “đặc biệt là phụ nữ và bé gái khuyết tật, người già khuyết tật được hưởng các chương trình phúc lợi xã hội và chương trình xoá đói giảm nghèo”. NKT và gia đình NKT phải được bảo đảm nếu sống trong tình trạng nghèo khổ được tiếp cận sự giúp đỡ từ quỹ hỗ trợ NKT (điểm b, điểm c Khoản 2 Điều 28 CRPD).

Trợ giúp xã hội được thực hiện bằng nhiều hình thức như trợ cấp bằng tiền, chăm sóc nuôi dưỡng, trợ cấp bằng hiện vật (đồ ăn, đồ uống, quần áo, thuốc men...) nên quyền được trợ giúp xã hội của NKT bao gồm quyền được TCXH; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội; quyền được hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng.

Thứ tư, quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

NKT thường bị phân biệt đối xử, bị loại trừ trong các hoạt động cuộc sống do trong xã hội còn tồn tại nhiều rào cản. Nên một trong những quyền quan trọng của NKT trong pháp luật ASXH là quyền được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Dịch vụ xã hội cơ bản là những dịch vụ thiết yếu đối với đời sống của con người như nhà ở, công nghệ thông tin, thể thao, vui chơi giải trí, giáo dục, giao thông, du lịch... Quyền tiếp cận dịch vụ xã hội trong pháp luật ASXH được hiểu là quyền của con người trong việc ghi nhận và hưởng các lợi ích từ các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của con người 46.

Qua đó có thể hiểu, quyền được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là quyền của NKT trong việc được ghi nhận và được tạo cơ hội tham gia trọn vẹn vào các dịch vụ thiết yếu đối với đời sống của NKT như quyền tiếp cận giáo dục; quyền tiếp cận giao thông; quyền tiếp cận nhà, công trình công cộng; quyền được tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; quyền tiếp cận văn hoá, thể thao, giải trí và du lịch.

46 Phùng Thị Khánh Hằng (2017), Quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, Luận văn thạc sỹ, Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr.7.

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 55 - 61)