Biện pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật trong pháp luật ansinh xã hội

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 61 - 62)

7. Kết cấu của Luận án

2.3.Biện pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật trong pháp luật ansinh xã hội

Quyền của NKT trong pháp luật ASXH được ghi nhận đầy đủ trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Để những quyền đó trở thành quyền thực tế thì cần có biện pháp thích hợp để thực hiện quyền.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học - NXB Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học năm 2003 thì “biện pháp” là cách làm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể; “bảo đảm” làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết. Qua đó, có thể hiểu biện pháp bảo đảm là cách làm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể được thực hiện một cách chắc chắn.

Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia thành viên phải cam kết bảo đảm và thúc đẩy việc biến các quyền và tự do cơ bản của con người thành hiện thực đối với NKT mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào47. Khoản 1 Điều 4 CRPD ghi nhận nhiều biện pháp để hiện thực hoá quyền của NKT. Bao gồm việc thông qua biện pháp lập pháp và biện pháp hành pháp hoặc các biện pháp khác để thi hành các quyền của NKT. Biện pháp lập pháp, cần sửa đổi hoặc hủy bỏ các luật, quy định, tập quán và thông lệ hiện hành có tính chất phân biệt đối xử đối với NKT. Trong tất cả các chính sách và chương trình cần cân nhắc việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của NKT. Biện pháp hành pháp, phải bảo đảm mọi thể chế và cơ quan công quyền hành xử phù hợp với Công ước. Để thực thi hiệu quả quyền của NKT, các quốc gia có thể thực hiện những biện pháp khác. Các quốc gia phải sử dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật; tiến hành hoặc khuyến khích nghiên cứu và phát triển hàng hoá, dịch vụ trang bị và tiện ích thiết kế phổ dụng; khuyến khích nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, thúc đẩy việc phổ biến và sử dụng công nghệ này trong đó có công nghệ thông tin liên lạc, phương tiện và thiết bị hỗ trợ di chuyển, các công nghệ trợ giúp phù hợp với NKT, ưu tiên các công nghệ có giá thành vừa phải; Cung cấp thông tin dễ tiếp cận cho NKT; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn làm việc trong lĩnh vực NKT.

Từ cách hiểu về biện pháp bảo đảm và quan điểm của Liên hợp quốc về trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền của NKT thì biện pháp bảo đảm quyền của NKT được hiểu là cách thức thích hợp, hiệu quả được thực hiện bởi nhà nước và xã hội để quyền của NKT được thực hiện trên thực tế.

Các rào cản và thách thức mà NKT phải đối mặt rất đa dạng nên để quyền của NKT được thực hiện trên thực tế thì các biện pháp bảo đảm quyền của NKT cũng phải đa dạng hoá với sự tham gia của nhiều chủ thể. Liên hợp quốc không đặt ra những biện pháp cứng nhắc để buộc các quốc gia phải thực hiện mà để các quốc gia tự đưa ra những biện pháp sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước mình. Trong đó, nhà nước có trách nhiệm chính bảo đảm quyền của NKT, bên cạnh sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.

Biện pháp bảo đảm quyền của NKT được phân loại như sau:

Thứ nhất, căn cứ vào cách thức bảo đảm quyền của NKT có biện pháp lập pháp và biện pháp hành pháp. Biện pháp lập pháp là việc ghi nhận quyền, bảo đảm quyền trong pháp luật quốc gia; biện pháp hành pháp là việc thực thi, bảo đảm quyền của NKT thông qua các chủ thể có thẩm quyền.

Thứ hai, căn cứ vào cách thức thực hiện quyền của NKT có biện pháp bảo vệ quyền và biện pháp thúc đẩy quyền của NKT. Biện pháp bảo vệ quyền là việc áp dụng chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền của NKT; biện pháp thúc đẩy quyền của NKT rất đa dạng bao gồm tất cả những biện pháp nhằm xoá bỏ phân biệt đối xử với NKT, tạo môi trường tiếp cận đối với NKT nhằm mục đích NKT được hoà nhập cộng đồng.

Thứ ba, căn cứ vào nội dung của các biện pháp bảo đảm quyền của NKT có biện pháp xã hội, biện pháp kinh tế và biện pháp pháp lý. Biện pháp xã hội, biện pháp kinh tế và biện pháp pháp lý bao quát cả biện pháp lập pháp, biện pháp hành pháp và biện pháp bảo vệ quyền, biện pháp thúc đẩy quyền của NKT. Chính vì vậy, đây là những biện pháp bảo đảm quyền của NKT phổ biến nhất và được nhiều học giả tán thành48.

Một phần của tài liệu Quyền của người khuyết tật trong luật an sinh xã hội ở Việt Nam (Trang 61 - 62)