5. Bố cục của khóa luận
2.4.1. Môtip giấc mơ
Tâm lí con người càng phát triển thì giấc mơ càng nhiều dạng, phức tạp, bởi giấc mơ là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm... Theo quan điểm của S. Freud thì tác phẩm văn học là một giấc mơ, một trò chơi, người nghệ sĩ kiến tạo một thế giới trong tưởng tượng, khác với hiện thực, mang tính ảo. Người đọc tác phẩm tức là đã tham gia vào cuộc
chơi do người nghệ sĩ tạo ra, chấp nhận tính ảo của nó. Trong tác phẩm nghệ thuật, giấc mơ giúp con người thể hiện quan niệm nhân sinh, nhân thế. Trình độ văn chương của nhà văn càng cao thì thủ pháp “giấc mơ” càng biến ảo linh hoạt.
Khi đi vào thế giới kỳ ảo của mộng mị, nhân vật đã thể hiện một cuộc chu du trong tâm tưởng để đến với một miền đất đầy bí ẩn, mới lạ nhưng cũng hết sức sinh động, bởi đó là một thế giới nơi cái thực được hư hóa, cái thực được thực hóa. Nhật Chiêu đã đóng góp nên sự thành công của tập truyện ngắn khi miêu tả giấc mơ của từng nhân vật. Khảo sát hai mươi sáu truyện ngắn với bốn phần: Bắt mộng - Hành trình - Trò chơi - Huyền ảo trong tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi, chúng tôi nhận thấy có mười ba truyện có sự xuất hiện của những giấc mơ kỳ ảo.
Có thể nói kỳ ảo trong mộng là môi trường lý tưởng để nhân vật trở về với cái tôi đích thực của mình. Bằng việc sử dụng môtip giấc mơ, Nhật Chiêu đã tạo dựng không khí huyền ảo, li kỳ cho từng tác phẩm. Những mộng triệu và điềm báo kết hợp tạo thành một thế giới giữa cõi người và cõi tiên, ma.
Giấc mơ thường xuất hiện ở đầu hoặc giữa của mỗi truyện. Nhật Chiêu đã rất dụng tâm trong việc xây dựng kiểu môtip này, bởi lẽ đối với ông văn chương là chơi”, “là giấc mơ”. Chính vì vậy xây dựng môtip này, Nhật Chiêu muốn khám phá tận cùng sự bí ẩn của cái tôi đích thực của nhân vật. Truyện ngắn Sương mù xanh là giấc mơ của đôi vợ chồng nọ về đứa con đẹp như
thiên thần đã mất. Nhật Chiêu đã giúp người đọc khám phá đến tận cùng bản ngã của họ qua những day dứt, nhớ mong về đứa bé thiên thần của họ.
Hay trong truyện ngắn Tiên, người đọc như lạc vào một thế giới lẫn lộn giữa người và cá. Giấc mơ vẽ lên một trang tuyệt thế giai ngư sẽ là cuộc sáng tạo linh diệu nhất của mình Ka nên nó luôn ám ảnh Ka. Còn giấc mơ của nhân vật tôi trong truyện ngắn Hòn đá ma lại là cái “Yoni xinh xắn như một cánh
hoa thắm hồng mát rượi giữa đám nhụy lông đen ánh rập rờn trong nước trong”. Chỉ có giấc mơ mới phản ánh hết những tiềm thức bên trong của con người. Bằng môtip giấc mơ, Nhật Chiêu không chỉ thể hiện được cá tính sáng tạo của mình trong việc miêu tả cái đẹp nhục thể của người phụ nữ mà còn bộc lộ một tầm kiến văn sâu rộng về văn hóa nhân loại và những khao khát rất người của con người.