5. Bố cục của khóa luận
2.4.2. Môtip đài gương
Trong văn hóa Nhật, chiếc gương đại diện cho trí tuệ và tâm hồn, là một trong ba báu vật hoàng gia, nhất là cái gương trong huyền thoại Nhật Bản Amaterasu. Cái gương đưa ánh sáng thần linh ra khỏi hang và phản chiếu nó xuống trần gian. Với tư cách là bề mặt phản chiếu, gương đã trở thành giá đỡ cho một hệ biểu tượng hết sức phong phú trong nhận thức không chỉ ở đất nước Nhật Bản mà cả thế giới.
Trong thế giới tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi của Nhật Chiêu, đài gương có đời sống riêng của nó, được Nhật Chiêu sử dụng thường xuyên, phổ biến, và linh động trong sáng tác như là để bất tử hóa cái đẹp phù ảo trong tiết tấu của thời gian hay ảo hóa thực tại. Nhịp thở phập phồng của vũ trụ, tính bất xứng của con người và thiên nhiên gọn gẽ được phản chiếu trong vòng tròn của chiếc gương. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Nhật Bản, Nhật Chiêu đã có sự tiếp thu và vận dụng linh hoạt môtip đài gương vào trong sáng tác của mình. Qua tấm gương, với nhiều hình dạng khác nhau ta có thể cảm nhận sâu sắc triết lý về con người, cuộc sống.
Nhật Chiêu sử dụng thành công môtip gương soi. Nhiều dạng của chiếc gương được sử dụng trong tập truyện ngắn của Nhật Chiêu như: Chiếc gương thật, chiếc gương là mặt nước của biển, hay đôi khi chỉ là một bờ nước, ánh nắng chiếu lên phương đình làm phản chiếc bóng của nhân vật... Thông qua những đài gương này, Nhật Chiêu đã vẽ lên một thế giới đa sắc màu. Qua đó,
người đọc cùng hòa vào cảm nhận những triết lý sâu xa về cuộc sống, về con người.
Cái đẹp hiện diện quanh ta, nó không hẳn là phù du để người đời đuổi bắt. Nó chỉ là khoảnh khắc. Cái đẹp hiển lộ trong gương soi không phải chính trong bản thân nó. Đó là cuộc trình diễn của hình và bóng. Đó là sự hiển lộ của đài gương thật trong truyện Trầm tư trong gương và Cái mà gương không
biết. Truyện ngắn Trầm tư trong gương là câu chuyện trở về với bản ngã của
bà lão, ở trong ngôi nhà đó dường như bà gặp lại chính mình, cái bản ngã thanh xuân ngày xưa. Trở về lại trong căn buồng cũ, tìm thấy hộp gương xinh xắn của bạn trai tặng ngày xưa bà thấy “ như hương thơm đến từ dĩ vãng”. Quá khứ hiện về - Bà lão được đối diện với chính mình trong gương. Cái đẹp là hư ảo, cho nên thế giới gương soi lung linh, huyền ảo, xa xôi, hài hòa cả vũ trụ là một bản thể của cái đẹp. Cái đẹp trong truyện ngắn Trầm tư trong gương cũng vậy, quá khứ vàng son của cái đẹp được tiếng nói của cái bóng
trong gương lên tiếng: “Dung nhan ta đọng lại như một khối băng lấp lánh trôi giữa biển chiều, đọng lại trong tuổi hai mươi, khi dường như ta là cô gái đẹp nhất làng” [2,tr.78]. Chiếc bóng trong gương là một nhân vật có yếu tố kỳ ảo bởi đài gương luôn phản ánh đúng với sự vật hiển diện trước nó. Nhưng trong truyện ngắn này, chiếc bóng của bà lão còn được chồng hiện bởi một chiếc bóng khác với những lời trách móc thân chủ mình không biết lưu giữ cái đẹp. Hay trong truyện ngắn Cái mà gương không biết, đài gương hiện ra với cuộc trao đổi giữa nhân vật tôi và cái bóng của mình. Khi cuộc trao đổi diễn ra thành công thì cái bóng của anh ta nhởn nhơ bên ngoài cuộc sống còn anh ta biến thành cái bóng bị giam hãm trong gương. Thế giới trong gương ấy là “ một thế giới rỗng không”. Cái bóng khao khát được nói chuyện và chàng nói chuyện với con chim sẻ nhưng kì lạ thay, chim sẻ không hề thấy anh ta ở đâu, anh ta chợt nhận ra rằng mình chỉ là cái bóng, là ma. Chỉ khi nào y quay
về thì lúc đó cái bóng mới hiện ra, còn bây giờ cái bóng chỉ là hư vô. Ngồi trong chiếc gương soi, cái bóng cô độc một mình và tưởng tượng nhưng không hề biết rằng anh ta và cái bóng đã trao đổi sinh mệnh cho nhau bao nhiêu lần. Đối diện với chính mình trong gương, trong thế giới hư vô, cô độc, con người nhận ra mình cần gì. Cuộc sống đầy bộn bề bên ngoài thực tại cuốn người ta lao vào vòng luẩn quẩn của công việc, con người muốn thoát ra khỏi thực tại, muốn thay đổi mình trong một thế giới khá lạ hơn để thử nghiệm.
Cái mà gương không biết phần nào đã thể hiện khát vọng của Nhật Chiêu
“Nghệ thuật là ảo thực tương duyên”. Cái đẹp luôn hiện hữu, sử dụng đài gương là một trong những cách mà Nhật Chiêu đưa cái đẹp, cái đẹp tinh khôi đến với bạn đọc. Con người thường hay có những nhầm tưởng giữa cái có thật và cái không thật, cái hiện hữu và cái phù du. Nhưng dù thế nào đi nữa, với đài gương cái đẹp vẫn luôn hiện hữu.
Chiếc gương trên biển là một trong những phát hiện mới của Nhật Chiêu trong việc phản chiếu cái đẹp siêu thực của thiên nhiên, tiêu biểu là các truyện ngắn như Người ăn gió, Trần trụi ban mai. Với truyện ngắn Người ăn
gió, những hình ảnh được phản chiếu một cách sống động, ngời sáng vẻ đẹp
hơn chính bản thân nó. Tạo hóa luôn có những cuộc hành trình thơ mộng, bất ngờ của cái đẹp. Trong Trần rụi ban mai, chiếc gương khổng lồ của mặt biển đã soi chiếu lên tấm thân tuyệt mỹ của nàng tiên cá, vẻ đẹp của nàng trở lên long lanh hơn, huyền diệu hơn, kỳ ảo hơn khi có sự phản chiếu của nước biển. Không như Marquer đưa huyền ảo thành một thứ tôn chỉ sáng tác, Nhật Chiêu chọn huyền ảo như một ách thức để chuyển tải cái đẹp, tạo thành một đặc trưng phong cách.
Môtip gương soi đó còn hiện lên trong truyện H, Bạch dương, Hòn đá
ma, Chơi hay không chơi... Ở những truyện ngắn này, đài gương không chỉ
không chỉ là một trong những thành công về mặt nghệ thuật của Nhật Chiêu mà nó còn thể hiện quan niệm của ông về cái đẹp cuộc đời.
Như vậy, bằng việc sử dụng môtip đài gương Nhật Chiêu đã vẽ lên những thế giới hư ảo, ly kỳ. Ở trong thế giới của những đài gương đó, cái đẹp luôn hiện hữu, vẻ đẹp của nó luôn vĩnh hằng. Chiếc gương là phương tiện hữu hiệu giúp Nhật Chiêu ảo hóa thế giới, nhân bội phần cái đẹp thực tế. Những mối liên hệ ngẫu nhiên giữa trần thế và con người qua gương soi toát lên tận cùng của cái đẹp, hướng con người về thế giới toàn bích của cảm xúc bằng những khoảng trống lưng chừng, tuyệt mỹ.