5. Bố cục của khóa luận
3.1. Xây dựng kết cấu, cốt truyện phân mảnh
Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa “Cốt truyện là hệ thống sự kiện
cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự và kịch... có thể tìm thấy qua một cốt truyện hai phương diện gắn bó hữu cơ; Một mặt, cốt truyện là phương diện bộc lộ nhân vật, nhờ cốt truyện, nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật; Mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Cốt truyện vừa góp phần bộc lộ có hiệu quả đặc điểm mỗi tính cách, tổ chức tốt hệ thống tính cách, lại vừa trình bày một hệ thống sự kiện phản ánh chân thực xung đột xã hội, có sức mạnh lôi cuốn và hấp dẫn người đọc. Cốt truyện là một hiện tượng phức tạp. Trong thực tế văn học, cốt truyện các tác phẩm hết sức đa dạng, kết tinh truyền thống dân tộc, phản ánh những thành tựu văn học của mỗi thời kỳ lịch sử, thể hiện phong cách, tài năng nghệ thuật của nhà văn” [9,tr.99-100]. Cùng với nhiều nhà văn khác, Nhật Chiêu đã nỗ lực tìm
tòi, thay đổi kết cấu cốt truyện nhằm tạo sức sống mới cho dòng chảy của truyện ngắn đương đại.
Ông đã rất có ý thức trong việc sử dụng lại cốt truyện để tăng sức biểu đạt cho tác phẩm của mình. Ta thấy hầu như các truyện ngắn trong tập Người
ăn gió và quả chuông bay đi, cốt truyện dễ rơi vào lỏng lẻo, khó tóm tắt, cấu
trúc định hình bị phá vỡ, thay vào đó là cấu trúc lắp ghép rời rạc, lộn xộn và cốt truyện phân mảnh chính là một kiểu cốt truyện tiêu biểu cho xu hướng nới lỏng cốt truyện trong truyện ngắn Nhật Chiêu. Tiêu biểu cho kết cấu phân mảnh trong tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chông bay đi là các truyện ngắn Hạc vàng, Mất tích, Bụi hồng chiêm bao,Thời gian của giấc mơ, Hoàng
hôn hình tam giác.... Hạc vàng ở Nhật Chiêu đã cố ý tạo ra sự đứt gãy các
mạch tự sự. Bằng cách chia nó làm mười một phần nhỏ và được đánh dấu bằng những số tự nhiên từ số 1 đến số11. Ngay cách phân chia này đã tạo ra sự rời rạc trong cốt truyện. Nhật Chiêu không xây dựng một cốt truyện hoàn chỉnh có mở đầu và kết thúc mà chỉ tạo ra những phiến đoạn đặt cạnh nhau, không coi cái nào là trọng tâm, không có phiến đoạn nào là thứ yếu. Mười một phiến đoạn bình đẳng, ngang bằng nhau và cũng không hề xen lẫn một lời bình luận nào giữa chúng. Tính phiến đoạn là thủ pháp của nghệ thuật hậu hiện đại. Truyện ngắn Hạc vàng của Nhật Chiêu rất tự do, không bị gò bó
trong một thủ pháp khu định nào. Hình thức biểu hiện của truyện ngắn này là sự góp mặt của rất nhiều thể loại hát nói, văn xuôi, thơ tự do, lục bát, ca dao. Mười một phiến đoạn xếp ngang bằng nhau cho chúng ta mười một mảnh vỡ từ cuộc sống. Như vậy, có thể thấy bằng mỗi phiến đoạn nhỏ là một kết cấu riêng, một chủ đề khác nhau, các sự kiện chỉ là sự lắp ghép ngẫu nhiên của ý thức. Tạo dựng một cốt truyện phân mảnh trong tác phẩm của mình, Nhật Chiêu đã tạo ra một kết cấu mở. Tác giả không áp đặt người đọc phải suy nghĩ, triết lí về các, sự việc, hiện tượng trong tác phẩm theo một chiều. Ở đây
người đọc được thỏa sức tưởng tượng, ngẫm nghĩ, phán xét về những lời đề nghị của vị giáo sư bày tỏ tham vọng biến hạc vàng từ một “hiện tượng” thơ ca thành một hình ảnh để giải phẫu, kiếm tìm chân lý thơ ca. Lời đề nghị của chủ gánh xiếc biến hạc vàng thành trò mua vui cho thiên hạ. Nhà thiết kế thời trang muốn đổi lấy những chiếc lông vàng thần tiên, nhà sử gia muốn đưa hạc vàng vào chính sử. Cái trần gian chỉ là những lời đề nghị thực dụng và thô thiển đối với cánh hạc vàng thiêng liêng, cánh hạc của thi ca. Chỗ của hạc vàng không phải ở trong lồng, dù cái lồng bao la đến mấy. Chỗ của hạc vàng là bầu trời cao xanh tự do của thơ ca mà thiếu nó hạc vàng cũng chỉ là “một con chim”. Như vậy, Nhật Chiêu đã tạo ra một điểm nhấn đầy mới mẻ trong truyện ngắn của mình.
Thủ pháp này cũng hiện ra trong Hoàng hôn hình tam giác và Bạch dương. Ở đó, hệ thống sự kiện là yếu tố cốt lõi của cốt truyện. Sự kiện là
những biến đổi, những sự việc có ảnh hưởng nhất định đến nhân vật, tính cách và mối quan hệ của chúng trong tác phẩm. Người đọc có cảm giác bằng việc kết thúc hay kéo dài truyện đều nằm trong ngẫu hứng của tác giả. Sự trễ nải của mạch truyện nằm trong ý đồ của người viết. Với cách xây dựng cốt truyện như vậy, Nhật Chiêu đã tạo lên một thế giới vừa thực, vừa ảo trong truyện ngắn của mình.
Ngoài thủ pháp xây dựng cốt truyện phân mảnh, Nhật Chiêu còn sử dụng cách nhiều cách viết mới, Nhật Chiêu đã từng thổ lộ về quan niệm nghệ thuật “ nghệ thuật là ảo thực tương duyên”. Đối với ông truyện ngắn “nó có thể là văn xuôi, nhưng có thể chuyển thành thơ, chuyển thành một câu hỏi, một công án, một trích dẫn, một tùy bút, một kịch bản. Đó là nói về hình thức. Về cấu trúc truyện ngắn của tôi là tương duyên của những thể loại văn học khác nhau, chứ không có một biên độ, biên thùy nào cho chính nó. Đơn giản là không có một rào cản nào về mặt thể loại. Còn về nội dung, nó đi lại vô
ngại giữa ảo và thực, giữa cổ và kim, giữa bờ bên này và bờ bên kia, giữa sống và chết, giữa truyện cổ và đời thường, giữa ma và người, giữa thần và thú, giữa bóng tối và ánh sáng” [3,tr.173]. Với quan niệm nghệ thuật như vậy, Nhật Chiêu đã đưa vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên nhiều thể loại văn học, tạo nên những điểm nhấn riêng, thú vị và lôi cuốn độc giả vào những điều mới mẻ của thế giới kỳ ảo.
Hầu như trong tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi của Nhật Chiêu truyện nào cũng có thơ. Mai Sơn trong Chỉ có gió để ăn, chỉ có
chữ để hi vọng đã nhận xét: “Phải chăng sự kỳ ảo phi thực giăng đầy khắp
truyện lôi cuốn đánh bẫy thơ vào, hay đây là thủ pháp của tác giả?” [2,tr.216]. Trong truyện Động Từ Thức, tồn tại song song với cốt truyện chính là những đoạn thơ, những bài hát đồng giao có giá trị như những cốt truyện thu nhỏ. Đưa vào truyện ngắn của mình những đoạn thơ ngắn gọn, súc tích như những bài thơ Haiku thu nhỏ này, Nhật Chiêu cũng đồng thời đưa người đọc vào những tưởng tượng, được đắm chìm trong những sáng tạo nghệ thuật mới đầy tính hiện đại.
Bên cạnh việc đưa thơ, những câu danh ngôn, những câu Kinh dịch vào trong truyện của mình, Nhật Chiêu còn đưa vào truyện ngắn của mình những công án thiền. Công án nguyên nghĩa là cái lệ phán quyết chuyện phải trái, cáo bạch công khai trên bản yết thị của quan phủ ngày trước. Trong Thiền tông, thuật ngữ này chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt. Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc tác chiến. Nhưng chúng có chung một điều là đều đề cập đến thể tính của vạn vật. Công án không phải là câu đố thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận. Muốn hiểu được nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức. Trong truyện ngắn của mình, Nhật Chiêu đã đưa hai công án thiền vào hai truyện khác nhau: Khi hoa
sen chưa ra khỏi nước, nó là gì? ( Nàng đi đâu) và Khi tôi li hồn, tôi nào là
thật? (Chơi hay không chơi).
Tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi của Nhật Chiêu
không chỉ lôi cuốn người đọc với những thú vị trong cách xây dựng cốt truyện mà còn bởi các chi tiết, tình huống truyện. Trong thực tiễn sáng tác truyện ngắn thì thường nhà văn chú ý đến hai khâu quan trọng nhất khi xây dựng cốt truyện đó là chi tiết và đoạn kết. Truyện ngắn có thể không có một cốt truyện tiêu biểu nhưng sống được vào các chi tiết hay, vì nhờ chúng mà không khí, cảnh trí, tình huống, tính cách, hành động, tâm tư nhân vật được bộc lộ đầy đủ. Những chi tiết hay còn có khả năng nâng tác phẩm lên cấp độ tượng trưng, tạo sức ám ảnh.
Trong Người ăn gió, Nhật Chiêu đã rất tài tình khi để cho nhân vật của mình gặp cô gái vô danh trong đêm tối. Thông qua cô gái vô danh, nhân vật tôi đã biết thêm nhiều bí mật về người ăn chữ với việc “các dòng chữ biến mất khi ông nâng sách lên miệng. Các trang sách lần lượt bị ăn mất chữ, chỉ còn lại giấy trắng như chưa bao giờ được in” hay đó là người ăn cái bóng trong gương “Đó là một thanh niên gầy gò. Hễ đói là anh ta đến trước gương đứng. Rồi bẻ từng miếng bóng của mình trong gương mà ăn. Ăn ngon lành” hay đó là người ăn lửa “ông ta có một cái bật lửa màu máu, và khi đói, ông ta nuốt hết mảnh lửa này đến mảnh lửa khác”... Như vậy, Nhật Chiêu đã rất có dụng ý khi đưa vào truyện của mình chi tiết này, thông qua việc gặp gỡ người con gái vô danh này, nhân vật tôi nhận ra mỗi làn da đều có một sắc thái tình cảm và ngôn ngữ riêng: vui, buồn, giận, thương, ghét, nồng nàn, dửng dưng, mơ mộng và cả điên rồ nữa. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, trong các truyện ngắn Nhật Chiêu, cái kỳ ảo đóng vai trò như một tình huống quan trọng đối với sự chuyển biến của cốt truyện.
Nhà văn Nga hiện đại D. Phuốcmanốp nhận xét: “Sức mạnh của cú đấm nghệ thuật là thuộc về đoạn cuối”, như vậy có thể hiểu ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thường thể hện có thể đột ngột và chỉ trong mấy dòng cuối văn bản. Các truyện ngắn của Nhật Chiêu bất ngờ, ngỡ ngàng trước sự li kỳ mà tác giả kể trước đó. Kết thúc của Người ăn gió là một bất ngờ thú vị “Nếu bạn có nhận ra nàng đâu đó thì hãy làm ơn, xin hãy làm ơn báo cho tôi, người đã nhả ra nàng và để nàng lưu lạc trong cõi người ta” [2,tr.20].
Tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi còn thú vị ở lối kết thúc mở, tạo một khoảng trống cho người tiếp nhận tác phẩm. Trong truyện ngắn Hạc vàng, Nhật Chiêu đã tạo ra một thế giới vừa hư vừa thực, truyện là những lời đề nghị thực dụng của những con người có danh tiếng trong xã hội đối với một con hạc vàng bé nhỏ của thi ca. Từ khi mở đầu cho đến gần cuối truyện vẫn là những cuộc trao đổi đó nhưng bất ngờ kết thúc câu chuyện đó là “Trong đêm, không ai thấy, một nhà thơ bước đến, nhẹ nhàng mở cửa lồng...”[2,tr.47]. Như vậy, hạc vàng đã trở về đúng nghĩa với cuộc đời thực của nó, chỉ có thơ ca là môi trường tốt nhất để nó có thể dang đôi cánh tự do của mình.
Có thể khẳng định, Nhật Chiêu đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện, đó là cách xây dựng kết cấu phân mảnh, những kết thúc đầy bất ngờ với những nét kỳ ảo và có lối kết thúc mở. Tất cả tạo nên một sức hấp dẫn cho truyện ngắn của ông.