Quan điểm của Đảng về Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố huế, tỉnh thừa thiên huế (Trang 83 - 85)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.1. Quan điểm của Đảng về Bảo hiểm xã hội tự nguyện

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm sâu sắc và không ngừng hoàn thiện, đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ; điều này thể hiện rất rõ tại các văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng và với từng chủ trương, chính sách cụ thể của Nhà nước. Đặc biệt, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”. Trong đó, đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, trên 80% dân số tham gia BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” [10].

Ngày 23-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Nghị quyết đã đặt ra các mục tiêu quan trọng, cụ thể trong lĩnh vực BHXH giai đoạn 2021 – 2030, ghi dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách này ở nước ta. Hội nghị đã đưa ra quan điểm chỉ đạo cụ thể: “Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.

Từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng thành công tốt đẹp, trong đó Nghị quyết đã nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm an sinh xã hội: “Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại”.

Kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, trước những đòi hỏi mới từ thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những định hướng phù hợp về chính sách ASXH trong tổng thể hệ thống chính sách xã hội, hướng vào mục tiêu phát triển con người. Những quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp trong bảo đảm ASXH mà trụ cột là thực hiện chính sách BHXH đã thể hiện trong nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Đây chính là những định hướng, nền tảng quan trọng để hệ thống chính sách xã hội nói chung, chính sách BHXH nói riêng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, thực hiện các chính sách này cũng được tăng cường, đẩy mạnh với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đưa chính sách ngày càng lan tỏa, diện bao phủ ngày càng được mở rộng và phát huy tác động tích cực trong cuộc sống của mỗi người dân, người lao động.

Kế thừa kết quả đã đạt được, những định hướng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện trình Đại hội sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam” để nâng cao hơn nữa mức độ hoàn thiện của chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH - trụ cột ASXH của quốc gia - trong giai đoạn mới, góp phần vào sự tiến bộ và công bằng xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.

Phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.

Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân” [35].

Với nội dung cải cách là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng: “Bảo hiểm xã hội tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ” [35].

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố huế, tỉnh thừa thiên huế (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)