7. Kết cấu của luận văn
3.2.2. Giải pháp về mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố
phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức. Nhằm khuyến khích, vận động đối tượng tích cực tham gia vào BHXH tự nguyện, hướng đến mục đích “tất cả mọi người dân đều có lương hưu”, đảm bảo ASXH và giảm gánh nặng cho ngân sách trong tương lai.
3.2.3. Giải pháp về tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến về Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Có thể nói truyền thông là một trong những điều kiện tồn tại tất yếu của bất kỳ xã hội và hình thái lịch sử nào. Để NLĐ tích cực, tự giác hơn trong việc tham gia BHXH tự nguyện không chỉ cần cung cấp những thông tin về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện mà trước hết phải giúp họ hiểu được những ý nghĩa, tính nhân văn sâu sắc, tầm quan trọng và vai trò của BHXH tự nguyện đối với cuộc sống của họ khi đang trong độ tuổi lao động cho đến khi hết tuổi lao động.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền vận động người dân, người lao động tham gia BHXH, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng, kết hợp quản lý chặt chẽ đại lý thu BHXH, BHYT và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa về vai trò của BHXH đối với việc đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi về hưu hoặc khi về già, cùng với việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để người dân chủ động tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời, hạn chế người dân đã tham gia BHXH rút BHXH một lần.
Thay đổi nội dung tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện: Nội dung tuyên truyền phải nhắm trực tiếp vào lợi ích mà người tham gia bảo hiểm sẽ nhận được và những rủi ro mà NLĐ sẽ gặp phải nếu không tham gia BHXH tự nguyện. Để làm được việc này, đội ngũ làm công tác tuyên truyền phải thật sự năng động và tâm huyết vì họ là cầu nối giữa chính sách với người dân. Có như vậy, người dân mới có thể quan tâm, lắng nghe, nhận thức và tin cậy rằng chính sách BHXH tự nguyện chỗ dựa vững chắc khi họ không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống hay hết tuổi lao động. Từ đó có thể làm cho họ chuyển biến phần nào tâm lý, cách nghĩ như trước đây là chỉ lo trang trải cho những việc trước mắt hoặc chỉ tích lũy bằng hình thức phổ thông hiện nay.
Nội dung tuyên truyền không chỉ nhắm tới những người chưa tham gia hoặc có ý định tham gia BHXH tự nguyện, nội dung tuyên truyền còn phải nâng cao nhận thức về BHXH của người thân của NLĐ. Khi bạn bè, đồng nghiệp,
người thân trong gia đình hoặc những người đã và đang hưởng chế độ BHXH hiểu và nhận thức đầy đủ vấn đề cũng như tính thiết yếu của chính sách BHXH tự nguyện mà Nhà nước ban hành thì họ sẽ trở thành một kênh tuyên truyền hiệu quả đến tận NLĐ. Bởi chính họ là người biết cách truyền đạt và diễn giải vấn đề gần gũi nhất đến những người thân của họ. Do vậy, theo tác giả việc tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện không chỉ tập trung tuyên truyền cho NLĐ mà cần thiết phải tuyên truyền vào đến tận các đơn vị có sử dụng lao động để NLĐ biết và nhận thức vấn đề, từ đó họ có sự đồng thuận về BHXH tự nguyện, rồi từ chính họ lại tuyên truyền cho những người thân của mình.
Tuyên truyền cần nhấn mạnh tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện để NLĐ hiểu, dễ cân nhắc và so sánh. Ngoài ra, đối với truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường thời lượng phát sóng các chuyên đề về BHXH tự nguyện trên truyền hình, truyền thanh, đồng thời nâng cao chất lượng các chuyên đề để phổ biến đến người dân. Tăng cường đưa những thông tin, điểm tin, giải đáp thắc mắc các thông tin BHXH tự nguyện để NLĐ có thể tìm hiểu. Ðặc biệt những nội dung này nên phát hoặc trình chiếu vào những thời gian mà NLĐ có thể thu nhận dễ dàng nhất, có thể phát tin lặp đi lặp lại và có những thay đổi hình thức sao cho phù hợp với dân cư tại địa bàn của mình.
Phối hợp chương trình BHXH tự nguyện với các chương trình mục tiêu khác (Chương trình việc làm, Chương trình giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội). Điều kiện cơ bản nhất để người lao động tham gia BHXH tự nguyện là phải có việc làm với giá trị cao và thu nhập cao, có tích lũy để có khả năng đóng BHXH tự nguyện. Do vậy, chiến lược mở rộng độ bao phủ của BHXH tự nguyện phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược việc làm, xóa đói giảm nghèo và nhất là phối hợp với chương trình việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia. Các chương trình này tập trung vào hỗ trợ người lao động học nghề, vay vốn tự tạo việc làm hoặc hỗ trợ tìm việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Chủ động đổi mới hình thức truyền thông bằng việc đẩy mạnh hình thức truyền thông đối thoại trực tiếp với NLĐ là hội viên các đoàn thể, đối thoại chuyên đề về BHXH tại các xã, phường, nhằm cung cấp thông tin BHXH tự nguyện trực tiếp cho đối tượng tiềm năng, đồng thời cơ quan BHXH cũng nhận được thông tin phản hồi nhanh chóng từ NLĐ, thông tin tác động hai chiều hiệu quả hơn đồng thời thực hiện làm thủ tục đóng nộp ngay tại nơi đối thoại khi NLĐ có như cầu tham gia nhằm tránh những tác động trái chiều từ nhiều phía làm ảnh hưởng đến ý định tham gia của NLĐ.
Phân loại nhóm đối tượng cụ thể để lựa chọn hình thức và nội dung truyền thông phù hợp, hiệu quả, tránh việc truyền thông rập khuôn, máy móc, thiếu thực tế với NLĐ. Mỗi nhóm đối tượng có những đặc điểm khác nhau về nghề nghiệp, trình độ, nhận thức, điều kiện làm việc, dẫn đến việc nắm bắt thông tin là khác nhau ở từng nhóm. Do đó, hình thức và nội dung truyền thông phù hợp NLĐ sẽ tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện một cách dễ dàng, dễ hiểu và đơn giản nhất. Thực hiện hiện phối kết hợp truyền thông theo nhóm và truyền thông cá nhân đến NLĐ để tăng cường hiệu quả công tác phát triển đối tượng.
Đối với các tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, nội dung thông tin phải được biên soạn theo hướng cô đọng, chắt lọc và thật sự bổ ích giúp NLĐ dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ, phù hợp với nhiều đối tượng. Tổ chức truyền thông lưu động về chính sách BHXH tự nguyện đến từng khu phố, đến NLĐ ở các hội nghề nghiệp để họ có cơ hội tiếp cận được các chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện thông qua đó để tuyên truyền, vận động tham gia.
Thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các tổ chức đoàn thể, nhân viên các đại lý thu BHXH, BHYT tại các huyện, thị xã, thành phố. Tại các hội nghị tập huấn, ngoài việc lĩnh hội toàn bộ các nội dung cơ bản về nghiệp vụ BHXH tự nguyện, cần tập trung đi sâu vào những vấn đề cụ thể
như đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng, quy trình, thủ tục tham gia và hưởng, quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia. Nhân viên đại lý cần được cung cấp một lượng thông tin cần thiết để có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về nghề đại lý bảo hiểm phi thương mại, một nghề mang tính ổn định, chuyên nghiệp và nhân văn. Điểm nổi bật ở các hội nghị tập huấn này là sự nhen nhóm lòng đam mê nghề nghiệp, nâng cao chất lượng tư vấn một cách bài bản cho các đại lý tiềm năng, khơi dậy sự chủ động đầu tư thời gian và lòng quyết tâm, thực sự là nhịp cầu trung gian dẫn dắt người dân đến với chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước để được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng năm cho từng đại lý; xây dựng cơ chế chính sách và mức hoa hồng hỗ trợ phù hợp nhằm động viên, khuyến khích các đại lý bảo hiểm xã hội tự nguyện hoạt động một cách có hiệu quả.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Người tham gia BHXH tự nguyện là người nông dân và lao động PCT cho nên việc di chuyển lao động giữa các vùng miền, các địa phương diễn ra rất thường xuyên và phổ biến. Vì vậy, hệ thống BHXH tự nguyện phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm nối mạng cập nhật thông tin về nhân thân của người tham gia kịp thời nhằm tạo điều kiện cho họ trong việc đóng và thụ hưởng quyền lợi khi phát sinh.
Khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử BHXH, thường xuyên cập nhật tin, bài, văn bản chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện, kết quả hoạt động của BHXH, nhận và giải đáp đầy đủ, kịp thời những thắc mắc của đối tượng, đồng thời thông báo đến độc giả và đối tượng những chính sách mới, thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu để đối tượng dễ theo dõi, tra cứu khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan BHXH.
Xây dựng địa chỉ truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tin cậy và quản trị tốt, hiệu quả trên các trang mạng xã hội như facebook, fanpage facebook, zalo hoặc hệ thống tin nhắn qua tổng đài của các mạng di động để truyền thông tương tác trực tiếp với người lao động qua máy tính, điện thoại thông minh.