Từ những kinh nghiệm của các huyện trên có thể rút ra một số bài học về nâng cao chất lượng cán bộ Hội Nông dân đối với huyện Thường Tín như sau:
Một là, cán bộ Hội Nông dân phải là người được đào tạo cơ bản trong nhà trường và được đào tạo, bồi dưỡng sau khi được tuyển dụng, được bầu cử; được rèn luyện trong thực tiễn, ưu tú về năng lực và hội tụ những tố chất đạo đức cần thiết của một cán bộ Hội cần phải có.
Hai là, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cụ thể cho từng vị trí. Tiêu chuẩn chức danh cũng là cơ sở cho việc tuyển chọn, sử dụng, đánh giá thực hiện công việc của cán bộ Hội và là chuẩn mực để cán bộ Hội phấn đấu rèn luyện.
Ba là, thi tuyển, bầu cử công khai, công bằng là biện pháp lựa chọn cán bộ Hội có chất lượng.
Bốn là, có chế độ đãi ngộ xứng đáng đảm bảo đời sống của cán bộ ngày càng được cải thiện; quan tâm tới chế độ tiền lương, hưu trí và các bảo hiểm khác.
Năm là, cần bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ. Phải biết ´´Tùy tài mà dùng người”, bố trí đúng người, đúng việc nhằm phát huy hết khả năng làm việc, tạo điêu kiện cho cán bộ phát huy sở trường của mình.
Sáu là, duy trì chặt chẽ chế độ quản lý, giám sát, thưởng phạt nghiêm minh đối với cán bộ; kiểm tra, đánh giá cán bộ hàng năm một cách nghiêm túc, theo tiêu chuẩn cụ thể nhằm phát hiện nhân tài để đề bạt, trọng dụng. Qua đó giúp cán bộ Hội Nông dân phát huy những điểm mạnh, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.
Bảy là, cần quan tâm, chú ý đến xu thế trẻ hóa, tri thức hóa, chuyên môn hóa cán bộ quản lý vì đây là xu thế phù hợp với thời đại ngày nay.
Như vậy, muốn xã hội ổn định, phát triển không thể không chăm lo xây dựng và tăng cường nâng cao chất lượng cán bộ Hội Nông dân. Công tác cán bộ phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Huyện ủy, Thường trực huyện ủy, của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các khâu trong công tác cán bộ, từ khâu đánh giá đến Quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, quản lý, sử dụng; chế độ, chính sách đối với cán bộ Hội.