PHẦN 3 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH HUYỆN THƯỜNG TÍN 1 Đặc điểm tự nhiên
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
Thường Tín là huyện ngoại thành ở cửa ngõ phía nam của thành phố Hà Nội, có diện tích 13.040,89 ha, trong đó đất nông nghiệp 7.942,99 ha (chiếm 60,9%), đất phi nông nghiệp 5.097,9 ha (chiếm 39,1%); dân số toàn huyện 257.019 người, tỷ lệ theo đạo thiên chúa chiếm 5%; huyện có 29 đơn vị hành chính cấp xã gồm 28 xã, 01 thị trấn Thường Tín là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện, cách trung tâm Thành phố 18 km.
Huyện Thường Tín là huyện đồng bằng sông Hồng, vị trí địa giới hành chính của huyện Thường Tín như sau:
Phía Đông giáp huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên. Phía Tây giáp huyện Thanh Oai. Phía Nam giáp huyện Phú Xuyên. Phía Bắc giáp huyện Thanh Trì.
Về đất đai đa phần được bồi đắp bởi 02 dòng sông là sông Hồng, sông Nhuệ chạy dọc phía đông và phía tây của huyện, ngoài ra có nhánh sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu chảy qua một số xã ở phía bắc của huyện.
Địa hình có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 5 - 8m. Huyện Thường Tín có ba con sông chảy qua là sông Hồng ở phía Đông và sông Nhuệ ở phía Tây, phía Bắc có sông Tô Lịch.
Huyện Thường Tín nằm trong vùng khí hậu đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng, Nhiệt độ bình quân hàng năm 23,50C, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trên địa bàn huyện có nhiều sông ngòi và hệ thống đầm tự nhiên, hồ, ao, vừa tạo cảnh quan, vừa là đường giao thông, vừa để tưới tiêu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Về dân số: Tính đến ngày 31/12/2018, toàn huyện có 239.641 người. Trong đó, nam chiếm 48%, nữ chiếm 52%; dân cư nông thôn chiếm 87%, dân cư đô thị 13%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm là 1,1%; lao động nông nghiệp chiếm 57,5% lao động xã hội. Huyện đã đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở; có 64/88 trường đạt chuẩn quốc gia, số phòng học kiên cố đạt 100%. Hàng năm có trên 1.000 em thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng. Việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên đáng kể.
Thường Tín là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề, với nhiều di tích lịch sử. Có 68 nhà khoa bảng được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và các tư liệu lịch sử; có 462 di tích, trong đó có 122 di tích được xếp hạng lịch sử văn hóa, 61 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp Thành phố; nổi bật là chùa Đậu - được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia - nơi có thi hài của 02 vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường là một hiện vật lịch sử quý hiếm; Đền thờ danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc - Nguyễn Trãi; khu Văn Từ Thượng Phúc - nơi ghi danh các nhà khoa bảng, truyền thống hiếu học của địa phương; các di tích đan xen trong các xã trên địa bàn huyện kết hợp các đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ công giáo với các kiến trúc cổ tạo thành các điểm du lịch tâm linh đáp ứng
nhu cầu của nhân dân và du khách.