Điều kiện khí hậu

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng đa dạng san hô và đề xuất giải pháp bảo vệ tại khu vực Sơn Trà - Hải Vân Đà Nẵng (Trang 28 - 29)

5. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Điều kiện khí hậu

Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao và ít biển động. Chế độ ánh sáng, mưa ẩm phong phú, nhiệt độ trung bình hằng năm 25-26,9ºC; mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 20ºC, mùa hè có thể trên 30ºC. Độ ẩm trung bình khoảng 83,4-84%.. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 và vào thời kỳ này thường chịu sự uy hiếp của lũ lụt gây nên hiện tượng ngập úng. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Lượng bức xạ tổng cộng trong năm khá lớn, khoảng 147,8 kcal/cm2/năm. Số giờ nắng trung bình khoảng 2.156 giờ/năm [10].

- Chế độ mưa: Sự khác biệt về chế độ mưa không chỉ thể hiện ở lượng mưa mà còn cả ở sự phân bố lượng mưa trong năm. Mưa chỉ tăng bắt đầu từ tháng 8 và đạt mức cực đại vào đầu mùa đông tức là vào các tháng 10-11 kéo dài đến tháng 12 có khi đến tháng 1 năm sau. Lượng mưa phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9-12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão. Đặc điểm nổi bật của khí hậu ở đây là sự chuyển dịch mưa lớn sang cuối Thu, đầu mùa Đông. Lượng mưa trung bình năm khoảng 2800-3000 mm/năm; lượng mưa cao nhất vào các tháng 10, 11 trung bình 550- 1000 mm/tháng; thấp nhất vào các tháng 1, 2, 3, 4 trung bình từ 20-40 mm/tháng.

- Chế độ gió: Chế độ gió vùng ven biển Việt Nam không nằm ngoài chế độ gió mùa Đông Nam Á và chịu ảnh hưởng mạnh của yếu tố địa hình khu vực. Nhìn chung, gió mùa đông bắc chiếm ưu thế hơn gió mùa tây nam cả về cường độ và hướng. Gió cũng có sự biến động cả hướng và tốc độ đối với vùng ngoài biển và vùng bờ. Thống kê chuỗi số liệu gió tại trạm khí tượng thủy văn Đà Nẵng (1977-1997) cho thấy đặc điểm chế độ gió tại khu vực ven bờ Quảng Nam-Đà Nẵng như sau: Vùng biển Đà Nẵng- Quảng Nam chịu sự chi phối của 2 hệ thống gió mùa đông bắc (NE) và gió mùa tây nam (SW). Gió mùa NE hoạt động trong khu vực này từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, gió mùa SW chỉ hoạt động trong khoảng tháng 7, tháng 8. Chế độ gió tại khu vực Quảng Nam biến đổi cả về hướng và tốc độ theo thời gian. Mùa gió NE, tốc độ gió lớn hơn đáng kể so với mùa gió SW. Thời gian thịnh hành của gió mùa NE trong khu vực dài hơn nhiều so với thời gian thịnh hành của gió mùa SW. Gió mùa NE mạnh nhất từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau [25].

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng đa dạng san hô và đề xuất giải pháp bảo vệ tại khu vực Sơn Trà - Hải Vân Đà Nẵng (Trang 28 - 29)