Ống dẫn trứng (Oviductus)

Một phần của tài liệu FILE 20200821 085552 thu hương tình hình bệnh viêm tử cung ở lợn nái sinh sản tại trại xuân lộc 11 (Trang 38 - 39)

Theo Phan Vũ Hải (2013) cho rằng ống dẫn trứng còn gọi là vòi Fallop, có đường kính rất nhỏ 0,2 - 0,4 mm, nó chỉ to lên về kích thước vào thời kỳ con cái động dục và đón nhận trứng. phần đầu của nó loe ra như cái phễu nên được gọi là loa kèn có chức năng hứng trứng khi trứng rụng và hướng trứng vào trong ống dẫn trứng. Ống dẫn trứng tiết ra dịch tiết và nhu động của lông mao thành ống dẫn trứng giúp tinh trùng và trứng tiến gần nhau và nó giúp hoạt hóa 2 tế bào ở đó. Ống dẫn trứng là nơi thụ tinh (1/3 phần trên ống dẫn trứng). Khả năng nhu động của cơ thành ống dẫn trứng giúp trứng đã thụ tinh di chuyển đến tử cung và làm tổ ở đó.

Theo Trần Tiến Dũng và cs. (2002) cho rằng một đầu của ống dẫn trứng thông với xoang bụng, gần sát buồng trứng có hình loa kèn, trên loa kèn hình thành một cái tán rộng và lô nhô không đều. Đầu còn lại của ống dẫn trứng thông với mút sừng tử cung, là một cái ống nhỏ ngoằn ngoèo. Cấu tạo ống dẫn trứng chia thành ba lớp: Lớp ngoài là lớp sợi liên kết, lớp giữa là lớp cơ, lớp trong là lớp niêm mạc.

2.2.1.3. Tử cung (Uterus)

Tử cung nằm trong xoang chậu, dưới trực tràng, trên bàng quang và niệu đạo trong xoang chậu. Lợn thuộc loại tử cung sừng kép, có hai sừng tử cung và một thân tử cung.

Theo Phan Vũ Hải (2013) cho rằng tử cung có cấu tạo rất phù hợp với chức năng phát triển và dinh dưỡng bào thai. Trứng được thụ tinh ở ống dẫn trứng rồi trở về tử cung làm tổ, ở đây hợp tử phát triển là nhờ chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ thông qua lớp niêm mạc tử cung cung cấp cho. Tử cung còn có nhiệm vụ đẩy thai ra ngoài trong quá trình sinh đẻ nhờ lớp cơ trơn của tử cung. Tử cung bao gồm cổ tử cung, thân tử cung và sừng tử cung với kích thước như sau: Sừng tử cung 50 cm - 1 m, thân tử cung 6 - 10 cm, cổ tử cung 10 - 18 cm.

Theo Trần Thị Dân (2004) cho rằng vách tử cung có cấu tạo gồm 3 lớp: Lớp tương mạc, lớp cơ trơn, lớp nội mạc tử cung. Lớp tương mạc là lớp màng sợi, dai, chắc, phủ mặt ngoài tử cung và nội tiếp vào các dây chằng. Lớp cơ trơn ở thành tử cung có đặc tính co thắt. Trương lực cơ càng cao (tử cung trở nên cứng) khi có nhiều Estrogen trong máu và trương lực cơ giảm (tử cung mềm) khi có nhiều Progesterone trong máu. Vai trò của cơ tử cung là góp phần cho sự di chuyển của tinh trùng và chất

nhầy trong tử cung đồng thời đẩy thai ra ngoài khi sinh đẻ, sự co thắt của cơ tử cung giảm dưới tác dụng của Progesterone, nhờ vậy phôi có thể bám chắc vào tử cung. Lớp nội mạc tử cung có nhiệm vụ tiết các chất vào lòng tử cung để giúp phôi phát triển và duy trì sự sống của tinh. Dưới ảnh hưởng của Estrogen, các tuyến tử cung phát triển từ lớp màng nhầy, xâm nhập vào lớp dưới màng nhầy và cuộn tròn lại. Tuy nhiên các tuyến chỉ đạt khả năng phân tiết tối đa khi có tác dụng của Progesterone. Sự phân tiết của tuyến tử cung thay đổi theo giai đoạn của chu kỳ lên giống.

2.2.1.4. Âm đạo (Vagina)

Theo Phan Vũ Hải (2013) cho rằng âm đạo có nhiệm vụ tiếp nhận dương vật khi giao phối và lối ra của thai nhi khi sinh sản. Cũng là nơi bài tiết nước tiểu. Kích thước của âm đạo 10 - 12 cm.

Theo tác giả Cù Xuân Dần (1985) cho rằng âm đạo nối sau tử cung, trước âm hộ, âm hộ đầu trước giáp cổ tử cung, đầu sau thông ra tiền đình, giữa âm đạo và tiền đình có nếp gấp niêm mạc gọi là màng trinh che lỗ âm đạo. Cấu tạo của âm đạo chia làm ba lớp. Lớp liên kết ở ngoài. Lớp cơ trơn: Cơ dọc ở ngoài, cơ vòng ở trong, các lớp cơ âm đạo liên kết với các cơ ở cổ tử cung. Lớp niêm mạc: Có nhiều tế bào thượng bì, gấp nếp dọc hai bên nhiều hơn ở giữa.

Một phần của tài liệu FILE 20200821 085552 thu hương tình hình bệnh viêm tử cung ở lợn nái sinh sản tại trại xuân lộc 11 (Trang 38 - 39)