8. Cấu tạo của đề tài
1.4.1.2 Chùa Thánh Duyên
Chùa Thánh Duyên là một danh lam cổ tự ở vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế; thuộc phường Đông Am, tổng Diên Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Nay là làng Hiền An, xã Vinh Hiền, thuộc huyện Phú Lộc. Cùng với Thiên Mụ và Diệu Đế, Thánh Duyên là một trong 3 ngôi Quốc tự của xứ Thần kinh còn tồn tại cho đến ngày nay.
Quá trình hình thành và phát triển của nó gắn bó chặt chẽ với các vua chúa nhà Nguyễn trong suốt mấy trăm năm. Với các giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật vốn có của nó, chùa Thánh Duyên vẫn tồn tại đến ngày nay như một di tích tôn giáo quan trọng, một cảnh đẹp nổi tiếng và đã được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1996.
Ngôi chùa được xây dựng ở hòn núi mà thời các chúa Nguyễn gọi là Mỹ Am (sau này được đổi tên thành núi Thúy Vân- ngọn núi được vua Thiệu Trị xếp thứ chín trong 20 cảnh đẹp của xứ Huế) nằm ở một địa điểm sơn thủy hữu tình: trước mặt là đầm phá, sau lưng là biển cả, bên trái là cửa biển Tư Hiền nằm cạnh mũi Chân Mây Tây đâm ngang ra biển từ dãy núi Trường Sơn, bên phải là ruộng đồng và làng mạc xanh tươi nối tiếp nhau chạy dài từ đó theo miền duyên hải lên đến cửa biển Thuận An.
Chùa nằm cách Kinh thành Huế khoảng 60km đường bộ về phía Đông Nam. Ngày xưa, để đến được chùa, từ Kinh thành, các vua thường “ngự” về đó bằng thuyền Rồng qua sông Hương về Thuận An, rồi từ Thuận An theo đường ven biển phá Tam Giang để tới chùa. Ngày nay, người ta đã có thể về chùa Thánh Duyên bằng đường bộ qua cầu Thuận An hoặc cầu Trường Hà bắc qua phá Tam Giang, nên việc đi lại đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Sử sách ghi rằng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chúa đã cho xây dựng một ngôi chùa ở đó để “vị dân cầu phước”. Tuy nhiên, dường như vào trước thời chúa Nguyễn ấy, ở đây đã có một ngôi chùa rồi. Đến thời Tây Sơn (1788-1801), vùng cửa biển này cũng đã trở thành bãi chiến trường giữa quân Tây Sơn và thủy binh của Nguyễn Phúc Ánh, cho nên chùa bị lâm vào cảnh hoang tàn trong một thời gian.
Vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 6, tức là tháng 4-1825, nhân chuyến về thăm cửa biển Tư Dung, nhà vua có “ngự” lên hòn núi ấy, “thấy có cái miếu cổ bỏ hoang, cho dân (nơi) ấy 100 quan tiền sai sửa lợp lại”. Đến tháng 4 năm Minh Mạng thứ 17, tức là tháng 5-1836, cũng nhân một chuyến tuần du cửa biển nói trên, nhà vua lại dừng chân ở núi Thúy Hoa và hạ lệnh cho xây dựng ở đây một loạt công trình kiến trúc, bao gồm điện thờ chính, đặt tên là “Thánh Duyên Tự”, một cái gác đặt tên là “Đại Từ Các” và một cái tháp 3 tầng trên đỉnh núi, mang tên là “Điều Ngự Tháp”. Ngoài ra, sau đó một năm, vua Minh Mạng còn cho xây đình Tiến Sảng ở phía sau tháp Điều Ngự, đưa mẹ là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu về thăm chùa này và cho xây hành cung ở gần chân núi để thỉnh thoảng khi về tuần du thì có chỗ để trú tất. Đây là một tòa nhà 3 gian 2 chái, sườn gỗ, lợp ngói, xung quanh xây tường gạch. Đó là chưa kể đến nhiều đồ pháp tượng và pháp khí mà nhà vua đã cho chế tạo để trang hoàng và trang trí ở nội thất các công trình kiến trúc trong chùa. Nhìn chung, dưới thời Minh Mạng, chùa Thánh Duyên là một ngôi chùa được xây dựng thật quy mô và rất tráng lệ. Và chính vua Minh Mạng là người đã làm thay đổi và biến nơi đây thành chốn thần tiên.
Bởi thế, qua đến thời Thiệu Trị (1841-1847), vị vua này đã xếp tổng thể kiến trúc cảnh quan chùa Thánh Duyên và núi Thúy Vân vào một trong 20 thắng cảnh của Kinh đô Huế (Thần kinh nhị thập cảnh) và làm bài “Vân Sơn thắng tích” để ca ngợi. Bài thơ ngự chế này đã được khắc vào bia đá, dựng trong một bi đình, nay vẫn còn ở chân núi.
Dưới triều Nguyễn, chùa Thánh Duyên là một “quốc tự” (chùa Nhà nước). Triều đình đã rất quan tâm đến việc trùng tu, bảo tồn và từng cử một số danh tăng về đây làm Tăng cang và Trú trì. Nhưng, kể từ khi triều đại ấy cáo chung vào năm 1945, chùa xuống cấp dần và ngày càng trở nên hoang phế. Mãi đến sau khi Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1996, chùa mới được trùng tu dần và cho tới ngày nay thì hầu hết công trình kiến trúc của chùa đã được phục hồi diện mạo, và bối cảnh thiên nhiên của chùa là núi Thúy Vân đã trở nên phong quang.
Kiến trúc chùa Thánh Duyên hài hòa với địa thế của ngọn núi nơi ngôi chùa tọa lạc. Bia đề tên núi “Thúy Vân Sơn” bắt đầu những bậc tam cấp lên chùa.
Bước qua hệ thống tam cấp là đến với tam quan chùa. Cổng tam quan dạng cổ lâu đặc trưng chùa Huế có thiết trí thờ Hộ pháp Vi Đà.
Chính điện là tòa nhà được xây theo lối truyền thống ba gian hai chái, cao rộng và thoáng đãng. Phần mái được lợp ngói liệt theo kiểu trùng thiềm điệp ốc đặc trưng của Huế trang trí bằng cù giao, lưỡng long, vân hoa long tinh xảo.
Nội điện thờ Phật cùng nhiều vị hiền thánh thiên thần khác. Gian chính ở giữa thờ Tam Thế Phật: Quá khứ, hiện tại và vị lai; phía trước thấp hơn bàn thờ Phật là bàn thờ bài vị vua Minh Mạng bằng đồng kê trên một cái đế cũng bằng đồng, giữa lòng long vị đúc dòng chữ “Đương kim Minh Mạng Hoàng đế vạn thọ vô cương”. Hai gian tả hữu lại có những bàn thờ ở trong cùng và ở bên trước.
Hai bên có hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh Vương, mỗi bên gần sát vách thờ 5 tượng; tiếp đến vào phía trong thờ 2 dãy tượng Thập Bát La Hán, mỗi bên 9 tượng. Dãy bên trái có tượng Bồ Đề đạt ma tọa thiền, đối qua bên phải là tượng Địa Tạng ngồi trên con sư tử xanh. Cách thờ này không theo truyền thống.
Dãy bên trái có tượng Bồ Đề Đạt Ma tọa thiền, đối diện bên phải là tượng Địa Tạng ngồi trên con sư tử xanh. Phía sau chính điện là nhà tổ, thờ các thế tăng cang và thập phương thiện tín của chùa. Nằm giữa lưng chừng núi, cách chính điện khoảng chừng mét là Đại Từ Các. Đây cũng là ngôi nhà rường nằm trong tổng thể kiến trúc theo hình thế núi: Chùa, gác, tháp. Sau khi trùng tu, các Đại Từ được chia làm 3 gian: Gian giữa phía trước thờ Phật (A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni và Di Lặc), phía sau là pho tượng Chuẩn Đề Bồ Tát, gian bên phải thờ đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí.
Công trình cao nhất nằm trong tổng thể kiến trúc chùa Thánh Duyên là tháp Điều Ngự hình khối tứ giác có 3 tầng, cao khoảng 13 mét. Điều Ngự là một trong mười danh xưng của Đức Phật nhưng Điều Ngự cũng có ý nghĩa là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm. Khi tâm đã được chế ngự thì không có việc gì không làm được. Đây chính là ý nghĩa của việc vua Minh Mạng cho dựng đình Tiến Sảng phía đằng sau tháp. Trên đỉnh tháp ngày xưa có dựng trụ đồng đặt pháp luân chuyển động theo gió, kèm theo hệ thống chuông lắc. Khi gió thổi pháp luân xoay, âm thanh của tiếng chuông sẽ vang vọng gần xa.
Một điều đặc biệt ở chùa Thánh Duyên, đó là cách xây dựng không theo nguyên tắc chung mà theo quy tắc chùa – gác – tháo được xây dần lên cao trên đỉnh núi. Kết thúc tham quan khu điện chính ta đi dần lên cao theo con đường nhỏ sau chính điện. Gác Đại Từ dần hiện ra với 2 tầng xây theo mô tuýp truyền thống, lợp ngói âm dương, gác nằm hài hòa với phong cảnh xung quanh và làm tôn thêm vẻ đẹp của cảnh chùa. Qua khỏi gác Đại Từ là đến tháp Điều Ngự, ngôi tháp nổi tiếng xưa nay, đứng trên tháp ta có thể quan sát cả một vùng trời biển bao la, non nước hữu tình.
Là Quốc tự nên sau khi được trùng tu dưới triều Minh Mạng, nhiều vị cao tăng đã được sắc cử làm tăng cang và trụ trì ở đây để lo Phật sự như Hòa thượng Liễu Đạo Chí Tâm, Hòa thượng Tánh Khoát Huệ Cảnh, Tánh Thông Nhất Trí, Hòa thượng Vĩnh Thừa, Hòa thượng Giác Nhiên, Hòa thượng Mật Hiển. Hiện nay, Hòa thượng Hải Ấn giữ nhiệm vụ làm trụ trid chùa nhưng người đang sống và coi sóc công việc của ngôi tự lại là Đại đức Thích Minh Chính.
Sau một thời gian dài bị đồi phế, Thánh Duyên đã được Nhà nước và Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế trùng tu năm 2003 để trả lại vẻ đẹp vốn có cho ngôi chùa. Nhiều văn vật, pháp tự, pháp khí có giá trị như chuông đồng, bia đá và các bài thơ của các vị vua triều Nguyễn chạm trên vách đố bằng gỗ theo lối nhất thi nhất họa vẫn được bảo tồn và lưu giữ cẩn thận, đặc biệt là những pho tượng bằng tre hay bằng đồng rất có giá trị.
Trong số gần 70 pho tượng tại chùa, đáng chú ý hơn cả là bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre thếp vàng và bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất Việt Nam được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam năm 2008. Ngoài ra còn có một quả
chuông được đúc vào triều Minh Mạng. Trên chuông khắc 4 chữ Hán lớn “Thánh Duyên tự chung”, lạc khoản chú tạo là năm Minh Mạng thứ 17.
Vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, Quốc tự Thánh Duyên đã từng là đạo tràng lớn của Giáo hội Chùa một thời được Chư tôn đức trong sơn môn Tăng già Thừa Thiên dùng làm nơi tu học cho chư tăng vào các mùa An cư kiết hạ. Đến thời kỳ hội An Nam Phật học ra đời, khuôn hội Tịnh độ cũng đã được thành lập tại đây. Bỏ lại đằng sau sự huy hoàng của quá khứ, chùa Thánh Duyên ngày nay đang hòa mình vào đời sống dân dã của làng quê. Chùa vẫn là nơi du khách thập phương vãn cảnh dù đông hay hè, là nơi Phật tử lui tới cúng dường đức Phật và cũng là nơi nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ, giúp thế hệ tương lai của đất nước hướng thiện.
Với lịch sử hình thành và phế hưng qua 3 thế kỷ, với tổng thể kiến trúc cảnh quan chứa chan thiền vị, và với những pháp tượng pháp khí quí hiếm còn tồn tại đến ngày nay, chùa Thánh Duyên chứng tỏ có được một giá trị bền vững với thời gian. Bỏ qua sự tĩnh lặng và uy nghiêm của một ngôi quốc tự, Thánh Duyên giờ đây gần gũi với người dân hơn bao giờ hết. Nó không xuất phát bởi vị trí nằm giữa xóm thôn hay là chốn viếng thăm quen thuộc của du khách thập phương mà bởi sự mở lòng vốn có của nhà Phật.