Tiêu chí thống kê phân loại

Một phần của tài liệu ẨN DỤ BỔ SUNG TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ 10600823 (Trang 25 - 27)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.1.1 Tiêu chí thống kê phân loại

Để có cái nhìn bao quát về ẩn dụ bổ sung trong thơ Lưu Quang Vũ, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thống kê và phân loại các kiểu ẩn dụ bổ sung theo tiêu chí cấu trúc – ngữ nghĩa trong các tập thơ sau:

+ Mây trắng của đời tôi (1989) + Bầy ong trong đêm sâu (1993) + Lưu Quang Vũ – Di cảo (2008)

Theo tiêu chí cấu trúc – ngữ nghĩa, các nét nghĩa cơ bản thuộc trường nghĩa cảm giác bao gồm:

Nhìn: Là hoạt động tiếp nhận và phân tích màu sắc, ánh sáng, hình ảnh, đường nét bằng cơ quan thị giác (mắt)

Nghe: Là hoạt động tiếp nhận và phân tích âm thanh bằng cơ quan thính giác (tai)

Ngửi: Là hoạt động tiếp nhận và phân tích mùi hương bằng cơ quan khứu giác (mũi)

Nếm: Là hoạt động tiếp nhận và phân tích vị bằng cơ quan vị giác (lưỡi) Sờ: Là hoạt động tiếp nhận và phân tích các đặc điểm, tính chất của sự vật và tác động của ngoại cảnh đến cơ thể như nóng, lạnh...bằng bàn tay và làn da.

Khi lựa chọn kết hợp các nét nghĩa trên lại với nhau thì sẽ có hai kiểu lựa chọn kết hợp. Thứ nhất là kết hợp bình thường theo đúng cách diễn đạt thông thường và đúng quy tắc ngữ nghĩa, ví dụ: Ngửi + mùi thơm + hoa hồng. Thứ hai là kết hợp không bình thường, vi phạm quy tắc kết hợp các nét nghĩa cơ bản, gây nên sự chuyển đổi ý nghĩa, ví dụ: Nghe + mát lịm ở đầu môi (Nghe + hiệu quả xúc giác).

Chính điều này, bên cạnh việc tạo ra những vi phạm trong lời nói tự nhiên hằng ngày, còn tạo ra những sáng tạo nghệ thuật bằng cách tạo ra những nét nghĩa mới, có màu sắc nghệ thuật xuất phát từ sự kết hợp nghĩa bất thường đặt trong ngữ cảnh tu từ.

Để nhận diện ẩn dụ bổ sung, chúng tôi không đi sâu vào phân tích ngữ pháp mà chỉ chú trọng xem xét cấu trúc ngữ nghĩa trong ngữ cảnh của ẩn dụ bổ sung. Cụ thể, đối với trường hợp có chứa động từ cảm giác thì xem xét khả năng kết hợp của động từ cảm giác với các thành tố còn lại, trường hợp không có động từ cảm giác nhưng vẫn có cảm nhận do động từ cảm giác ẩn đưa lại thì xem xét các thành phần trong kết hợp ẩn dụ bổ sung.

Ví dụ:

Trường hợp có động từ cảm giác:

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối.

(Nghe: động từ cảm giác thính giác, kết hợp với mát lịm: từ tạo hiệu quả cảm giác vị giác và xúc giác)

Trường hợp không có động từ cảm giác:

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

(Tiếng: Từ tạo cảm nhận thính giác do động từ cảm giác ẩn (nghe) đem lại, kết hợp với trong trẻo: từ tạo hiệu quả cảm giác thị giác)

Một phần của tài liệu ẨN DỤ BỔ SUNG TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ 10600823 (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)