4. Phương pháp nghiên cứu
3.2.3. Giá trị hình tượng
Sự chuyển đổi cảm giác trong ẩn dụ bổ sung có khả năng xây dựng các hình tượng có ý nghĩa thẩm mỹ trong văn chương. Và trong thơ ca, hình tượng nghệ thuật chính là yếu tố trực tiếp tác động đến trí tưởng tượng của con người. Trong thơ Lưu Quang Vũ, sự xuất hiện các ẩn dụ bổ sung đã tạo nên những hình ảnh không chỉ phản chiếu cuộc đời thực mà còn chứa đựng cả tâm hồn của người nghệ sĩ. Ẩn dụ bổ sung không chỉ đơn thuần tái hiện lại các hình ảnh thực tế mà còn tạo ra những điều mơ hồ, những điều mong manh và khó diễn tả trong nội tâm tác giả.
Nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Lưu Quang Vũ thông qua việc sáng tạo các ẩn dụ bổ sung bên cạnh giá trị biểu cảm, thẩm mĩ còn mang một giá trị hình tượng. Giá trị hình tượng biểu hiện qua những tác động đến thế giới tinh thần của người đọc, kích thích sự liên tưởng tưởng tượng của nhiều giác quan trong việc nhìn nhận và thấu hiểu các hình ảnh tu từ.
Như đã nói, những giá trị thẩm mĩ của thơ ca Lưu Quang Vũ thể hiện qua các hình ảnh tu từ, những hình ảnh tu từ mang một sức khái quát cao, thể hiện tư tưởng, sáng tạo của tác giả sẽ được nâng lên thành hình tượng nghệ thuật.
So với các loại hình nghệ thuật khác, thơ ca có lợi thế hơn cả khi có thể tái hiện không chỉ những âm thanh, màu sắc, đường nét, hình ảnh cụ thể mà còn có thể diễn tả những màu sắc hư ảo, những đường nét mờ nhòe, những âm thanh kì lạ hay những sự vật mong manh. Nếu nhà thơ thực sự tài năng, thơ ca không chỉ tái hiện giản đơn được những điều ấy mà còn có thể tái hiện một cách sinh động, trực quan và công cụ giúp thực hiện điều đó chính là ẩn dụ bổ sung. Các hình tượng nghệ thuật được xây dựng và mở rộng thông qua sự tương giao của các cảm giác.
Ai đã được tiếp xúc với “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ dù chỉ một lần đều không dễ quên. Đây là một bài thơ rất hay, thậm chí cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất đưa bài thơ vào chương trình học ngữ văn của bậc trung học. Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ là một bài thơ hấp dẫn, vừa đẹp, vừa hay, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Ai đã được tiếp xúc với "Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ thì không dễ quên. Bài thơ đã sử dụng rất nhiều các ẩn dụ bổ sung, đưa “tiếng Việt” trở thành một hình tượng nghệ thuật đẹp với những phát hiện mới mẻ về sức mạnh kì diệu của tiếng Việt.
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng... Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng... Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt... Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối...
Tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, như Hoài Thanh đã nhận xét: “Họ (các nhà thơ mới) yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt.” (Một thời đại trong thi ca – Hoài Thanh). Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, một người bạn thân thiết của Lưu Quang Vũ đánh giá: “Lưu Quang Vũ là một trong số rất ít người làm nghệ thuật thể hiện được cái tình đậm đà, thắm thiết, đắng cay mà hồn hậu, nhân ái của Mẹ Việt Nam. Người làm thơ viết về quê hương thì rất nhiều, nhưng viết hay, thân thiết và xúc động như Lưu Quang Vũ trong bài Tiếng Việt thì rất ít”. Viết về tiếng Việt, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã không bắt đầu bằng những khái niệm trừu tượng mà dẫn nhập bằng những câu thơ có sức gợi để cho người đọc thấy được đời sống sinh hoạt, lao động của người Việt - nơi thai nghén, hình thành và nuôi dưỡng tiếng nói dân tộc. Nhà thơ miêu tả tiếng Việt bằng những âm thanh, hình ảnh quen thuộc trong đời sống bình dị hằng ngày, thông qua các ẩn dụ bổ sung: “Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn”; “Tiếng lụa xé đau lòng”; “ Tiếng trong trẻo”; “Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng
suối”. Tiếng Việt vốn là một đối tượng trừu tượng, để miêu tả chúng, Lưu
Quang Vũ đã vận dụng hết thảy những giác quan khơi gợi trong cảm thức người đọc những điều bình dị nhưng sâu lắng vô cùng.
Lưu Quang Vũ cũng đã có một bài thơ khác nói về tiếng mẹ đẻ và cũng sử dụng rất nhiều các ẩn dụ bổ sung để tạo ra một hình tượng nghệ thuật hấp dẫn người đọc:
Từ bình minh, hạnh phúc, tình yêu
Những chữ ngọt ngào lộng lẫy gọi kêu
Còn lại trên trang giấy mênh mông những chữ trần truồng
Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn ...
Điều còn lại sau đường dài tôi vượt
Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật
Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi
(Những chữ...,1972)
Nói tóm lại, thông qua ẩn dụ bổ sung, Lưu Quang Vũ đã tạo ra được một thế giới nghệ thuật đầy mới mẻ và độc đáo. Xây dựng hình tượng nghệ thuật bằng ẩn dụ bổ sung giúp cho thơ Lưu Quang Vũ không chỉ giữ vững hồn thơ dân tộc Việt mà còn mang màu sắc sáng tạo, hiện đại của thơ ca phương Tây. Ẩn dụ bổ sung đã mang lại những hình tượng nghệ thuật mới, thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ cũ, thể hiện cái nhìn tinh tế và nhạy cảm với cuộc đời và giao cảm với vạn vật.