4. Phương pháp nghiên cứu
3.2.2. Giá trị thẩm mĩ
Sự chuyển đổi cảm giác trong ẩn dụ bổ sung có khả năng xây dựng các hình tượng có ý nghĩa thẩm mỹ trong văn chương. Trong thơ Lưu Quang Vũ ta dễ dàng bắt gặp được những hình ảnh tu từ đẹp và độc đáo. Ý nghĩa cảm xúc, cảm hứng thẩm mĩ của ẩn dụ bổ sung được bộc lộ trực tiếp qua hình ảnh tu từ, tạo nên những rung động tinh tế, sâu sắc và phong phú, đem lại cảm xúc, cảm hứng mới mẻ.
Đối với ẩn dụ bổ sung, khả năng tạo ra trường nghĩa mới có tác dụng gợi cảm xúc, cảm hứng thẩm mỹ là giá trị đầu tiên có ý nghĩa quan trọng. Các ẩn dụ bổ sung phá vỡ mọi cấu trúc diễn đạt cảm xúc thông thường, bứt phá mọi giới hạn của miêu tả và biểu đạt cảm xúc. Sự kết hợp trong ẩn dụ bổ sung có thể diễn tả rõ nét những cảm xúc phức tạp nhất hay cả những hình ảnh mông lung mơ hồ nhất. Trong thực tế, sẽ có rất nhiều lúc chúng ta không thể diễn tả cho người khác hiểu những ý niệm, những cảm xúc và sự vật thông qua lối diễn đạt thông thường. Những điều tồn tại trong cuộc sống này không phải chỉ được cảm nhận bởi đơn nhất một giác quan, sẽ có những thứ mà để hiểu hết và thấy hết được nó chúng ta cần phải thực sự tinh tế, nhạy cảm, huy động mọi cảm nhận của toàn bộ giác quan và của cả tâm hồn . Đối với những con người bình thường, khi đối diện với những hình ảnh phức tạp ấy, đối diện với suy nghĩ trong tâm hồn mình,
họ thường gặp khó khăn trong việc diễn tả để những người xung quanh có thể hiểu. Nhưng đối với các nhà thơ, bằng khả năng sử dụng thuần thục từ ngữ, có thể viết nên những câu thơ, tạo nên các hình ảnh tu từ mà qua đó những hình ảnh mơ hồ mông lung nhất đều được hiện lên với đầy đủ đường nét màu sắc. Ẩn dụ bổ sung là một phương tiện đặc biệt và đắc lực giúp các nhà thơ, trong đó có Lưu Quang Vũ để có thể tái hiện cảm xúc và cái nhìn của mình đến với bạn đọc một cách tinh tế, ý nhị.
Đọc và nghiền ngẫm thơ Lưu Quang Vũ, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp được những câu thơ chứa những hình ảnh tu từ mang hiệu quả thẩm mĩ rất cao. Điều này chứng tỏ được rằng Lưu Quang Vũ là một nhà thơ vừa giàu cảm xúc vừa có khả năng biến hóa từ ngữ tài tình. Mỗi lựa chọn từ để tạo nên ẩn dụ bổ sung đa phần đều đem lại ấn tượng mạnh cho người đọc và khơi gợi nhiều miền cảm xúc và cảm hứng thẩm mĩ. Quả thực đúng như lời của Vũ Quần Phương khi nhận xét thơ Lưu Quang Vũ: “Tôi thấy trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh. Tôi cũng trộm nghĩ, về lâu dài, sự đóng góp của Lưu Quang Vũ về thơ còn lớn hơn về kịch.” [13, tr. 33]
Mỗi nhóm ẩn dụ bổ sung hầu như đều mang những cảm xúc và giá trị thẩm mĩ khác nhau; trong đó kiểu nhóm ẩn dụ chuyển đổi thị giác – thị giác (khác về chất) có lẽ là kiểu nhóm chứa nhiều hình ảnh tu từ mang giá trị thẩm mĩ cao hơn.
Như đã trình bày ở chương 2, nhóm ẩn dụ chuyển đổi thị giác chiếm số lượng nhiều nhất; trong đó phải kể đến sự có mặt của các ẩn dụ chuyển đổi thị giác – thị giác. Có thể hiểu kiểu ẩn dụ chuyển đổi thị giác – thị giác tức là dùng những từ để miêu tả đặc tính của đối tượng này để miêu tả đặc tính của đối tượng khác trong cùng một trường cảm nhận thị giác.
Ví dụ như:
Hải Phòng đón tôi bằng sừng sững khói cao
Tiếng búa tiếng choang tiếng goòng ken két Tiếng xô đá tiếng gò tôn tiếng bánh xe nghiến nát Than bay bụi bay nắng cuồng nhiệt khắp nơi
(Những bạn khuân vác,1971)
Ở đây chúng ta có thể thấy “sừng sững” là từ dùng để miêu tả một đối tượng có dáng hình cụ thể, cố định và thường là miêu tả các công trình xây dựng, trong khi đó “khói” lại là đối tượng không có hình dáng. Việc kết hợp từ như vậy tạo ra sự chuyển đổi cảm nhận trong nội bộ thị giác, tạo ra một hình ảnh tu từ rất lạ và mang giá trị thẩm mĩ cao. Hình ảnh “sừng sững khói cao” vừa miêu tả sự to lớn đồ sộ vừa tạo cảm giác lan tỏa ra khắp phía, xóa bỏ đặc tính cố định của từ
“sừng sững”, điều này một mặt để miêu tả các nhà máy mặt khác chính là nói
lên sự phát triển của công nghiệp lúc bấy giờ. Đây là bài thơ được viết trong khoảng thời gian sau khi đi bộ đội trở về, Lưu Quang Vũ gặp khó khăn trong đời sống kinh tế và phải bương chải bằng rất nhiều nghề trong đó có nghề khuân vác. Sự choáng ngợp của một người lính khi bắt đầu một cuộc sống lao động với máy móc, than bụi cùng với thời gian sống và làm việc trong nhà máy cùng nhiều công nhân khác đã tạo cảm hứng Lưu Quang Vũ viết nên bài thơ này.
Hay trong một ví dụ khác:
Khi em để tay lên chốt cửa, giọt ánh sáng
Chập chờn trong trí nhớ, anh thấy lại
Sự chuyển đổi cảm giác thị giác trong hình ảnh “giọt ánh sáng” hiện lên rất
rõ, “ánh sáng” là đối tượng vô hình, khi bước vào thơ Lưu Quang Vũ được miêu
tả thành “giọt” trở thành một hình ảnh hiện lên rất cụ thể khơi gợi cảm xúc thẩm mĩ.
Hình ảnh “giọt ánh sáng” là sự kết hợp giữa một yếu tố cảm nhận hữu hình với một yếu tố vô hình nhằm cụ thể hóa đối tượng miêu tả. Điều này bên cạnh việc tạo sự liên tưởng cho bạn đọc còn tạo ra các hình ảnh tu từ mới lạ, độc đáo, thể hiện cái nhìn tinh tế của nhà thơ trước cuộc đời. Và cũng không phải chỉ đến thơ Lưu Quang Vũ mới xuất hiện kiểu kết hợp từ như thế này. Trong phong trào Thơ Mới, đã có rất nhiều các nhà thơ sử dụng lối kết hợp này để tạo các hình ảnh lạ và độc đáo, trong đó phải kể đến ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Chúng ta bắt gặp trong bài Nguyệt cầm:
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm.
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
Tiếng đàn cũng là một yếu tố vô hình, thuộc cảm nhận của thính giác, được kết hợp với “giọt” tạo ra một hình ảnh tiếng đàn đặc lại, rơi xuống.
Hay với Chế Lan Viên:
Cỏ non biếc giãi mình chờ nắng rụng
Bên lau già theo gió uốn lưng cong
(Xuân về)
“Nắng” là đối tượng vô hình được kết hợp với “rụng” khiến nắng trở thành một đối tượng hình khối và có cả sự sống (Rụng: đã từng có sự sống).
Những ví dụ nêu trên đều có một đặc điểm chung đó là tạo ra các hình ảnh tu từ rất độc đáo, mới lạ, tạo rung cảm đối với người đọc. Tất cả những điều ấy chính là yếu tố để tạo ra giá trị thẩm mỹ trong thơ.
Như vậy có thể thấy rằng ý nghĩa gợi cảm xúc, cảm hứng thẩm mĩ trong thơ Lưu Quang Vũ nằm ngay trong sắc thái biểu cảm của hình ảnh tu từ. Người đọc có thể cảm nhận được một cách rõ ràng các giá trị thẩm mĩ mà Lưu Quang Vũ gửi gắm thông qua các ẩn dụ bổ sung. Những ẩn dụ bổ sung trong thơ ông mặc dù được kết hợp bởi rất ít các từ với nhau, nhưng mỗi lựa chọn từ để kết hợp đều gợi được cảm xúc sâu xa, những rung động vô cùng tinh tế và không kém phần phong phú.