Tinh dầu là một hỗn hợp gồm nhiều thành phần, thường có mùi thơm, không tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ, bay hơi được ở nhiệt độ thường và có thể thu được từ thực vật, bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng dung môi hữu cơ chưng ninh hoặc chiết sohxlet, ép, trích ly, chưng cất lôi cuốn hơi nước… [5].
Cần phân biệt rõ tinh dầu với dầu béo (hỗn hợp các triglycerid) và dầu mỏ (hỗn hợp các hydrocarbon). Khi ta nhỏ một giọt tinh dầu lên giấy thì mặt giấy có vết trong như giấy bóng (giống như nhỏ chất dầu mỡ lên giấy), nhưng chỉ một thời gian ngắn tinh dầu bay đi hết thì vết trong đó cũng mất đi, đây là dấu hiệu phân biệt tinh dầu với dầu mỡ.
1.2.3.2. Hoạt tính sinh hoc của tinh dầu đối với thực vật, nông nghiệp và y dựơc
Đối với thực vật, tinh dầu có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây chống lại các loài ăn cỏ, góp phần vào quá trình thụ phấn do tinh dầu tỏa hương và dụ côn trùng đến, ngoài ra tinh dầu còn hỗ trợ thực vật phát triển nghĩa là khả năng đặc biệt
của cây cối nhằm tạo ra những hóa chất để ngăn chặn hoặc giúp ích cho những cây chung quanh. Những hóa chất này ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển bao gồm ngăn chặn sự nẩy mầm của hạt, làm biến dạng rễ cây, làm chậm sự phát triển cây, nếu ở trong đất, nó đóng vai trò như chất độc cho thực vật (phytotoxicity) thông qua việc ngăn chặn hoặc kéo dài thời gian nảy mầm hạt giống của những cây khác để hỗ trợ sự phát triển của cây chủ… Một hoạt tính đặc biệt nữa là hoạt tính kháng sinh, khi các động vật ăn cỏ hoặc một nguyên nhân cơ học nào đó làm tổn hại các cơ quan của cây, tinh dầu từ các mô thoát ra bảo vệ vết thương không cho cây bị nhiễm trùng thứ cấp.
Đối với y học: tính chất được ứng dụng rộng rãi của tinh dầu là kháng khuẩn, cơ chế kháng khuẩn của các cấu tử trong tinh dầu vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tinh dầu còn có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư hoặc có hoạt tính kháng HIV trong điều kiện in vitro [14].