Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt để nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị cho hạ sỹ quan binh

Một phần của tài liệu ĐỀ tài KHOA học CHƯƠNG 3 PHƯƠNG HƯỚNG và GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO dục CHÍNH TRỊ (Trang 119 - 129)

cốt để nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị cho hạ sỹ quan- binh sỹ ở đơn vị cơ Binh đoàn Quyết thắng

Đội ngũ cán bộ chính trị các đại đội ở đơn vị cơ sở là chủ thể trực tiếp, giữ vai trò chi phối, quyết định đến hiệu quả giáo dục chính trị cho HSQ-BS ở đơn vị cơ sở. Với tư cách là người cán bộ, người giáo viên kiêm chức, họ không những là người định hướng quá trình nhận thức mà thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ đội họ còn thể hiện là người thầy trong thực tiễn cuộc sống. Nói về vai trò của người giáo viên, V.I.Lênin chỉ rõ: “Trong bất kỳ một trường hợp nào điều quan trọng nhất là phương hướng chính trị và tư tưởng của bài giảng. Cái gì quyết định phương hướng đó ? Hoàn toàn và chỉ là các giảng viên thôi” [29-248]. Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục”

[20-28]. Điều đó nói lên vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức ở đơn vị cơ sở Binh đoàn Quyết thắng là hết sức quan trọng, quyết định phần lớn đến hiệu quả giáo dục chính trị cho HSQ-BS.

Thực trạng đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên chính trị kiêm chức ở các đơn vị cơ sở thuộc Binh đoàn Quyết thắng cho thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ chính trị cấp tiểu đoàn, đại đội hạn chế, non kém về kiến thức và năng lực sư phạm, tính thuyết phục, cuốn hút và hiệu quả giáo dục trong mỗi bài giảng chưa cao. Do vậy, muốn nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị cho HSQ-BS ở đơn vị, nhất thiết phải tập trung biện pháp lãnh đạo, thực hiện tạo bước chuyển biến tiến bộ cơ bản, rõ rệt cả về phẩm chất và năng lực của cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức. Bác Hồ đã dạy: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình.... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất” [33-46]. Theo lời dạy của Bác, để trở thành người cán bộ chính trị tốt thì phải luôn phấn đấu, trau dồi, rèn luyện, nâng cao không ngừng các mặt: phẩm chất chính trị; đạo đức cách mạng; năng lực sư phạm; năng lực chuyên môn; năng lực nắm bắt và xử lý thông tin.

Phẩm chất chính trị đòi hỏi phải có ở cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức là phải luôn giữ vững lập trường giai cấp vô sản. Rất mực trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Đảng; trung thành với sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Phải giáo dục, truyền đạt trung thực, chính xác lý luận khoa học chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng cho HSQ-BS; cung cấp cho người học không chỉ về kiến thức chính trị mà cả về phương pháp nhận thức chân lý khoa học, để quân nhân có thể vận dụng sáng tạo lý luận vào đời sống thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Phải thể hiện sự nhạy cảm về tình hình chính trị, sắc sảo trong phân tích khoa học, đánh giá đúng bản chất những hiện tượng chính trị-xã hội mới xuất hiện của đời sống hàng ngày ở trong và ngoài nước, từ đó có sự định hướng cho bản thân mình trong cuộc đấu tranh gay go và phức tạp chống kẻ thù trên mặt trận tư tưởng hiện nay.

Đạo đức của người cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức phải được thể hiện trong mọi hoạt động huấn luyện, công tác, sinh hoạt hàng ngày, đó là niềm say mê nghề nghiệp quân sự, say mê nghiên cứu, học tập, rèn luyện; là lấy tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ; là sự gương mẫu về lối sống, sự khiêm tốn thật thà, trung thực, giản dị nhưng thể

hiện đầy đủ phong cách mô phạm của người dạy; là sự tôn trọng, gần gũi quý mến HSQ-BS.

Năng lực của người giáo viên kiêm chức bao gồm: năng lực sư phạm, năng lực chuyên môn; năng lực nắm bắt và xử lý thông tin. Ba nhân tố cơ bản trên có mối quan hệ biện chứng với nhau, thiếu một trong ba nhân tố đó thì bài giảng của giáo viên không thể đạt được hiệu quả cao và chất lượng tốt được.

Năng lực sư phạm là phẩm chất đầu tiên cần có của mỗi giáo viên. Nó thể hiện tính chất đặc trưng của hoạt động dạy học chính trị. Năng lực sư phạm trước hết được thể hiện ở tính rõ ràng, trong sáng, phong phú, giầu hình ảnh của ngôn ngữ diễn đạt; ở tính khúc chiết, hấp dẫn, sinh động của những lập luận; ở tính dễ hiểu sâu sắc, đầy đủ của những nội dung cần truyền đạt đến người học. Có phương pháp sư phạm tốt thì không thể có bài giảng chính trị khô khan, buồn tẻ, khó hiểu. Năng lực sư phạm của giáo viên còn bao hàm việc thiết kế, xây dựng bài giảng có tính hệ thống cao, mỗi bài giảng là một chỉnh thể, một hệ thống gồm nhiều bộ phận liên hệ, tác động, kết dính với nhau. Một bài giảng có tính hệ thống cao là một bài giảng cần phải xác định rõ ràng vị trí, ý nghĩa của bài giảng đó trong hệ thống toàn bộ chương trình giáo dục chính trị cho HSQ- BS. Kết cấu bài giảng có bao nhiêu luận điểm, quan điểm, chủ trương, chính sách, mối liên hệ giữa các luận điểm, quan điểm, chủ trương, chính sách đó, tất cả tạo thành một hệ thống thống nhất không thể tách rời. Một luận điểm cần làm rõ thì phải cần bao nhiêu

luận cứ, thông tin bổ trợ và cùng với lượng thời gian thích hợp. Ở đây luận cứ, thông tin càng nhiều càng xác đáng, chân thực, khoa học thì luận điểm nêu ra càng có sức thuyết phục cao. Nêu cao tính hệ thống của bài giảng không đồng nhất với tính dàn đều, đơn điệu của bài giảng, cũng không tước đi tính độc lập suy nghĩ của người học. Tính hệ thống sẽ đảm bảo được tính vừa sức với đối tượng HSQ- BS và nó còn loại trừ tính phiến diện, tuỳ tiện, không triệt để trong việc nêu ra và giải quyết các vấn đề trong giờ giảng của giáo viên.

Năng lực chuyên môn của cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức đòi hỏi phải nắm vững kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, trong đó phải giỏi về năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị và thật sự chuyên sâu về nghiệp vụ công tác tư tưởng-văn hoá tại đơn vị. Người giáo viên phải có tri thức, trình độ hiểu biết sâu sắc, toàn diện về những nội dung trong chương trình học tập chính trị của từng đối tượng HSQ-BS đồng thời biết liên hệ, hướng dẫn người học vận dụng thực hiện những vấn đề đó trong thực tiễn đời sống quân sự và sinh hoạt quân nhân.

Năng lực nắm bắt và xử lý thông tin đòi hỏi giáo viên kiêm chức phải nắm bắt kịp thời các đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học công nghệ... trong nước và trên thế giới, hoạt động quân đội, Binh đoàn trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể. Nghĩa là phải cập nhật hoá thông tin vào trong mỗi bài giảng chính trị, sao cho từng buổi

lên lớp thể hiện được chất trí tuệ và phản ảnh được hơi thở, nhịp đập cuộc sống của thời đại, của đất nước; hoạt động của quân đội và đơn vị. Như vậy, bài giảng, giờ giảng mới có sức lôi cuốn, gợi mở, cảm hoá người học, giúp ngừời học thấy được lý luận chính trị, quan điểm, đường lối chính trị không phải là những lý thuyết khô xác mà là tinh hoa của đời sống sinh động thường nhật họ đang sống, đang công tác, huấn luyện, sinh hoạt. Để nâng cao hiệu quả nắm bắt, xử lý thông tin cần khắc phục khuynh hướng đang nổi lên hiện nay là: thiếu thông tin. Khuynh hướng này có thể do giáo viên thiếu phương tiện thông tin, hoặc không có thời gian nắm bắt thông tin... Do vậy, chắc chắn dẫn tới sự lạc hậu, nghèo nàn, sự kém phong phú của bài giảng; khuynh hướng lạm phát thông tin, do sự hạn chế về năng lực nắm bắt, lựa chọn, xử lý thông tin, dẫn tới tình trạng trong giờ giảng, có giáo viên nêu ra rất nhiều ví dụ, kể ra rất nhiều chuyện đông-tây, kim cổ, rốt cuộc là biến giờ giảng thành giờ điểm tin báo chí, thời sự, không đi đúng mục đích, yêu cầu,trọng tâm, trọng điểm của bài giảng.

Để đạt được những yêu cầu trên, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

- Đối với đảng ủy, chi bộ, chỉ huy các cấp và cơ quan chính trị các trung đoàn và tương đương phải thường xuyên đánh giá đúng

và sát trình độ mọi mặt của những cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức, chỉ rõ những điểm mạnh, điểm hạn chế nguyên nhân, cần khắc phục. Căn cứ vào Quy chế giáo dục chính trị của Tổng cục

Chính trị để sắp xếp, kiện toàn đội ngũ giáo viên kiêm chức cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và biên chế tổ chức ở đơn vị. Chú ý bảo đảm tính đồng đều, tương đối về số lượng và chất lượng, có ưu tiên cho các đại đội, tiểu đoàn chiến đấu, những đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng, hoặc đối tượng HSQ-BS, có những đặc thù riêng (người dân tộc thiểu số, tôn giáo, trình độ văn hoá thấp...). Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tập huấn, học tập, bồi dưỡng theo giai đoạn huấn luyện và thường xuyên cho giáo viên kiêm chức; kết hợp chặt chẽ giữa tập huấn bồi dưỡng chung về nội dung chương trình với bồi dưỡng chuyên sâu, chuyên đề và bồi dưỡng riêng theo phân nhóm chất lượng giáo viên, đặc biệt chú ý số giáo viên năng lực hạn chế. Thực hiện tốt phương châm: cơ quan bồi dưỡng đơn vị, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; yếu ở khâu nào bồi dưỡng, nâng cao khâu đó. Đối với đội ngũ giáo viên kiêm chức ở các đơn vị cơ sở Binh đoàn Quyết thắng hiện nay cần chú trọng tập huấn bồi dưỡng về thực hiện chu trình biên soạn giáo án, kết cấu bài giảng; về phương pháp sư phạm; cách thức tổ chức, điều hành lớp học và tổ thảo luận; cách nắm bắt, thu thập xử lý thông tin phục vụ bài giảng; cách hướng dẫn liên hệ vận dụng lý luận vào thực tiễn, phát động và tổ chức phong trào hành động sau bài học chính trị, công tác kiểm tra đánh giá kết quả, hiệu quả giáo dục chính trị...

Cần chấn chỉnh đưa vào nền nếp thường xuyên, nâng cao chất lượng chế độ giảng mẫu, giảng thử, thục luyện giáo án, thi bí thư chi bộ, cán bộ chính trị, giáo viên chính trị dạy giỏi ở các tổ giáo viên

chính trị cấp tiểu đoàn. Trong tổ chức thi giáo viên kiêm chức chính trị có thể thi tròn khâu từ soạn giáo án đến thực hành giảng, hoặc tùy theo thực tế chất lượng đội ngũ giáo viên, tập trung thi theo từng nội dung như: thi soạn giáo án, thi thông qua giáo án, thi thực hành giảng bài, thi tổ thảo luận, thi thông báo thời sự, phát động chương trình hành động sau học tập chính trị... để kịp thời khắc phục khâu yếu, mặt yếu, nâng cao hiệu quả bài giảng và chất lượng giáo viên. Nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức ở đơn vị cơ sở, đây là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ và xây dựng cơ quan chính trị, cán bộ chính trị của thường vụ, đảng ủy các trung đoàn và tương đương ở Binh đoàn Quyết thắng. Do vậy, hàng năm cấp ủy, chỉ huy các cấp trong trung đoàn phải coi trọng việc phát hiện tạo nguồn, đưa quân nhân đi đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Phải lựa chọn những đồng chí có đầy đủ tiêu chuẩn chính trị, văn hoá, sức khoẻ theo quy định, đồng thời hết sức coi trọng chọn các đồng chí phải có năng khiếu sư phạm, đã thể hiện ban đầu những tố chất của người làm CTĐ, CTCT, có khả năng tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tốt để đưa đi đào tạo. Kiên quyết khắc phục tình trạng coi nhẹ chất lượng cán bộ, hoặc chạy theo số lượng, chỉ tiêu đào tạo, khi học xong về đơn vị không có khả năng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời để đội ngũ cán bộ chính trị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cho họ, đảng ủy các trung đoàn và cấp ủy, chi bộ các tiểu đoàn, đại đội phải thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện phẩm

chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ này. Tạo mọi điều kiện thuận lợi về thời gian, cơ sở vật chất, môi trường công tác để động viên tinh thần say sưa nghiên cứu học tập, chuẩn bị và thực hành tốt các bài giảng chính trị cho HSQ-BS. Kiên quyết không để những cán bộ yếu kém về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống làm công tác giáo dục chính trị.

- Đối với từng cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức phải tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt, trang bị cho mình có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Phải luôn biết tự làm giàu tri thức của mình thông qua nhiều con đường khác nhau; trong đó cần tích cực tự giác học tập, rèn luyện trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp quân sự, khổ công rèn luyện kỹ năng sư phạm để tạo cho mình một năng khiếu giáo dục chính trị. Người giáo viên cần có trình độ nhận thức, kiến thức lý luận cơ bản nhất là về quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, đường lối quan điểm, nghệ thuật quân sự Việt Nam; về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về nhiệm vụ quân đội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội, của đơn vị. Những kiến thức về tâm lý học, giáo dục học, CTĐ, CTCT, những kinh nghiệm hay, những bài học bổ ích đã được đúc kết trong công tác giáo dục chính trị... Phải thường xuyên gắn mình với thực tiễn cuộc sống của đất nước và của thời đại, mọi hoạt động, nhiệm vụ của quân đội và đơn vị. phải thật sự có nhu cầu tự thân và

có thói quen quan sát và cả sự nhạy cảm chính trị trước sự vận động và phát triển của đời sống xã hội, đời sống, sinh hoạt quân nhân. Phải biết nắm bắt, phân tích xử lý thông tin sao cho trúng và đúng với nội dung của bài giảng. Cán bộ chính trị, giáo viên kiêm chức phải luôn thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ "Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình" [32-46], và phải thấm nhuần quan điểm: "Lười học tập, lười suy nghĩ không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới cũng là biểu hiện của sự thoái hoá" [17-141].

Để nâng cao năng lực giáo dục chính trị, người giáo viên phải hết sức coi trọng hoạt động thực hành bài giảng, phải bảo đảm tính logic chặt chẽ của nội dung trình bày, các nội dung, vấn đề đưa ra phải đạt tính chuẩn xác cao, lập luận, lý giải có căn cứ, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn có như vậy mới củng cố được niềm tin, định hướng được tư tưởng, nhận thức, hướng dẫn hành động cho bộ đội tạo ra hứng thú cho người học và hiệu quả của bài học chính trị.

Một phần của tài liệu ĐỀ tài KHOA học CHƯƠNG 3 PHƯƠNG HƯỚNG và GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO dục CHÍNH TRỊ (Trang 119 - 129)