Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng 1 Trồng rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đánh giá thực trạng vấn đề trồng keo lai và đề xuất giải pháp phát triển loài cây này tại huyện thanh chương, tỉnh nghệ an​ (Trang 55 - 57)

II Rừng trồng

4.2.3. Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng 1 Trồng rừng

4.2.3.1. Trồng rừng

- Rừng Keo lai tại huyện Thanh Chương được trồng hoàn toàn theo hình thức độc canh. Trồng rừng bằng cả 3 dòng, trồng hỗn hợp với tỷ lệ 1:1:1.

- Xử lý thực bì, làm đất, đào hố, bón phân: Đối với trồng rừng thì đây là khâu rất quan trọng. Đây cũng là bước quan trọng với các hộ dân, nó là hoạt động cần sự đầu tư về nhân lực và tài chính nhiều nhất trong năm đầu của chu kỳ sản xuất Keo lai. Nó cần được đầu tư nhiều bằng lao động và thậm chí cả tiền thuê mướn lao động. Công việc này chiếm tới 40,68% tổng chi phí trong năm trồng rừng thứ nhất (chi tiết ở mục 4.3.1). Có tới 33,33% các hộ dân ở đây thuộc diện nghèo, không đủ nguồn lực về nhân công và tài chính để tự tiến hành các công việc này. Họ có thể thực hiện được là nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình dự án đã hỗ trợ hoàn toàn cây con, phân bón và cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi là 5,4%/năm. Nhưng các cán bộ phụ trách kỹ thuật ở đây cho biết có khoảng 50 – 60% số hố trồng rừng được đào chưa đạt tiêu chuẩn, thường nhỏ hơn kích thước qui định. Bón phân cho gốc cũng là một trong các yếu tố quyết

định đến năng suất của các lâm phần Keo lai, phân chuồng và NPK thường được sử dụng, nhưng trên thực tế thì không phải hộ gia đình nào khi trồng rừng cũng thực hiện nghiêm túc công việc này. Có hộ gia đình thì thực hiện nghiêm túc nhưng đa phần là chỉ bón một phần (ước tính khoảng từ 1/2 đến 2/3 số phân được phát) còn lại đem sử dụng cho diện tích đất nông nghiệp (bón cho hoa màu) của gia đình. Cũng cần phải nói thêm rằng hệ thống giao thông ở đây khá tốt, địa hình chủ yếu là núi thấp thuận lợi cho việc vận chuyển cây con, phân bón, các vật tư phục vụ cho việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và tiêu thụ sản phẩm. - Kỹ thuật trồng và tỷ lệ sống của cây con: Qua điều tra phỏng vấn thì thấy rằng 30/30 hộ gia đình chưa được tham gia vào bất kỳ một lớp tập huấn nào về kỹ thuật trồng. Kết quả phỏng vấn cho thấy rằng kỹ thuật trồng rừng ở của các hộ dân ở đây chủ yếu là dựa trên kiến thức bản địa hoặc tự học hỏi lẫn nhau. Trong tổng số 30 hộ được phỏng vấn, có 22 hộ gia đình không biết kỹ thuật trồng, việc trồng cây chỉ dựa vào kinh nghiệm tự học hỏi, còn 8 hộ trả lời là có biết nhờ đi hỏi các cán bộ lâm nghiệp. Đây là một nguyên nhân làm cho tỷ lệ sống của cây con giảm đi. Hệ thống giao thông thuận tiện, địa hình không quá phức tạp là những thuận lợi rất lớn cho việc vận chuyển cây con phục vụ cho trồng rừng. Tuy thế thì tỷ lệ sống của cây con tại khu vực nghiên cứu chỉ khoảng 80 – 90%, bình quân là 83%, trung bình mỗi ha cần trồng dặm 282 cây, cao hơn thiết kế ban đầu. Chính tỷ lệ trồng dặm cao cũng làm cho chất lượng của các lâm phần Keo lai không đồng đều nhau. Nhưng kỹ thuật trồng không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng tới tỷ lệ sống của cây con. Còn phải kể đến các nguyên nhân khác như là do gia súc phá hoại (chủ yếu là trâu, bò bởi tất cả 100% các hộ dân ở đây đều có nuôi, hộ nào cũng nuôi ít nhất một con trâu hoặc bò), trồng vào thời tiết không phù hợp… Ở đây mùa trồng rừng được đảm bảo phù hợp, thường được trồng vào tháng 9 – 10, tránh được các đợt gió Lào nhưng việc lựa chọn thời tiết trồng vào thời điểm trời có mưa nhỏ hoặc trời râm mát chưa được tuân thủ nghiêm ngặt, có những hộ do không đủ nhân lực nên việc trồng rừng kéo dài

sang cả những ngày trời nắng nóng, điều đó có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sống của cây con.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đánh giá thực trạng vấn đề trồng keo lai và đề xuất giải pháp phát triển loài cây này tại huyện thanh chương, tỉnh nghệ an​ (Trang 55 - 57)