Phát triển cầu dịch vụ logistics

Một phần của tài liệu Báo-cáo-Logistics-Việt-Nam-2020 (Trang 65 - 67)

Phát triển số lượng và loại hình dịch vụ logistics

3.6.2. Phát triển cầu dịch vụ logistics

Năm 2020, nhu cầu dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu giảm đáng kể

Trong Báo cáo Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nội dung đánh giá tác động của dịch bệnh tới lĩnh vực vận tải. Theo kịch bản tăng trưởng, trong trường hợp dịch Covid-19 kết thúc trong quý II/2020 thì giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi chỉ đạt 5,1% trong quý I và 6% trong quý II/2020. Vận tải hàng không chắc chắn đã bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Covid-19 gây ra. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn so với bình thường.

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách. Từ tháng 4/2020, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một đội tàu khách SE3/SE4 hoạt động, ngành đường sắt chuyển sang vận chuyển bằng các đoàn tàu hàng và hình thức đặt hàng trực tuyến. Trong lúc lượng hàng giảm dẫn đến nhu cầu về vận tải đường bộ giảm khoảng 30%, các tuyến vận chuyển đường bộ qua biên giới đều khó để tìm được nhà cung cấp vận chuyển.

Tại một số cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn thường xuyên đã bị quá tải, nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên phát sinh lưu xe, dịch vụ thông quan bị cản trở, thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp và mất thời gian hơn.

Về tình hình hoạt động hàng hải tại khu vực cảng biển, quý I/2020, sản lượng hàng thông qua cảng của nhóm cảng chi phối ước đạt hơn 16,6 triệu tấn, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, so với cùng kỳ 2019, một số cảng trọng yếu có sản lượng sụt giảm mạnh như Hải Phòng chỉ đạt 75%, Sài Gòn đạt 85%. Sản lượng vận tải biển của Vinalines cũng sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt gần 4,7 triệu tấn, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng container nội địa Bắc - Nam của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) giảm mạnh với mức giảm từ 20% - 30% chiều từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Trong quý II/2020, hoạt động dịch vụ của hàng hải bị tác động mạnh khi những mặt hàng chủ lực là may mặc, giày da, đồ gỗ hiện đang đóng góp khoảng 60% - 70% sản lượng xuất khẩu chuyên chở tuyến xa sẽ bị sụt giảm mạnh từ 30% - 50% do giảm nhu cầu tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Hàng gom từ các cảng khác về cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu đang giảm khoảng 30% - 40%. Các hãng tàu như ONE, HMM và một số hãng tàu khác trên các tuyến chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm tàu nối tất cả các tuyến.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu 2020 vẫn là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 388,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 202,5 tỷ USD, tăng 4,7%; nhập khẩu đạt 186,05 tỷ USD, giảm 0,7%. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu đạt mức 16,5 tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân căn bản duy trì tăng trưởng cầu về dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, nửa cuối năm 2020, một số yếu tố được cho là hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, cụ thể là các chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19, nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, các nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ tạo ra cơ hội bứt phá cả về cung và cầu đối với dịch vụ logistics. Đặc biệt sẽ tăng mạnh nhu cầu về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu như vận chuyển hàng hóa quốc tế đa phương thức, vận tải container; vận tải đường bộ nội địa; hệ thống kho, bãi, kho ngoại quan; thủ tục hải quan. Nhu cầu dịch vụ logistics phục vụbán lẻ tiếp tục tăng trưởng khá cao

Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đông, dân số trẻ, mức độ đô thị hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng và tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các thiết bị di động cao và dành thời gian tiêu dùng trực tuyến nhiều hơn các nước lân cận, có khả năng tiếp cận và mua sắm trực tuyến. Đây là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển về phía cầu đối với dịch vụ logistics. Nhu cầu lưu chuyển hàng hóa phục vụ người tiêu dùng ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó,trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh làm gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến và đẩy nhanh hình thức bán lẻ đa kênh, từ đó phát sinh nhu cầu bổ sung nguồn cung nhà kho ở trong và xung quanh các khu vực đô thị lớn nhằm đáp ứng sự gia tăng đột biến về giao hàng chặng cuối.

Tâm lý, hành vi người mua hàng cũng đã thay đổi rõ rệt khi phải cách ly tại nhà. Xu hướng mua hàng đang chuyển dần từ trực tiếp sang trực tuyến. Đó là động lực để doanh nghiệp Việt tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử và đặc biệt là nhu cầu dịch vụ chuyển, giao hàng tăng mạnh mẽ.

Cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đến Việt Nam đang và sẽ tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ logistics ở Việt Nam

Các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tạo cơ hội lớn cho phát triển mạng lưới giao nhận kho vận hiệu quả, đồng thời cũng đặt ra áp lực từ những đòi hỏi ngày càng tăng cả về chất lượng và chất lượng từ khách hàng, đặc biệt là yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với xu hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ trong nước và khu vực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, thị trường dịch vụ logistics đang có nhiều thay đổi. Đặc biệt, Mạng lưới Thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) đang được Hoa Kỳ xem xét thiết lập, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và Việt Nam. Các yêu cầu của thị trường mới này bao gồm chuỗi cung ứng đáng tin cậy, sản phẩm liên tục đổi mới sáng tạo và yêu cầu minh bạch về xuất xứ hàng hóa, góp phần tăng thêm nhu cầu về dịch vụ logistics trên thị trường.

Thành quả và nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau dịch Covid-19. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét

dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ cũng yêu cầu các công ty của Hoa Kỳ sớm di dời nhà máy tại Trung Quốc. Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Cụ thể như, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những sự thay đổi và dịch chuyển này đang gia tăng nhu cầu về dịch vụ logistics trên thị trường.

Một phần của tài liệu Báo-cáo-Logistics-Việt-Nam-2020 (Trang 65 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)