Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và kết nối vận tải đa phương thức. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực triển khai vận chuyển đa phương thức và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí logistics.
Ngoài những chính sách về đầu tư hạ tầng giao thông như đã trình bày ở trên, sau đây là một số giải pháp về tái cơ cấu ngành vận tải Việt Nam trong giai đoạn tới, theo hướng tăng cường vận tải thủy, đường sắt nhất là vận tải liên vận.
Trước khi có thể tính toán chia tải hàng hóa từ đường bộ sang các phương thức vận tải khác, đầu tiên phải tính đến việc giảm chi phí vận tải đường bộ. Vì cho đến nay, phương thức vận tải này vẫn là phương thức xương sống của hoạt động vận tải ở nước ta và cần tối ưu hóa chi phí để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương phối hợp chặt chẽ đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế ách tắc giao thông trong giờ cao điểm trên các tuyến đường ra vào cảng biển khu vực nội đô để giảm thời gian và tốc độ giao nhận hàng hóa. Giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực xung quanh cảng bằng cách xây dựng các vịnh đỗ xe tập trung và các trung tâm tập kết hàng hóa gần các cảng (ngắn hạn). Bên cạnh đó, nâng cấp đường dành cho xe tải nặng, phân làn và có làn dành riêng cho xe tải (trung hạn).
Đồng thời, có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn về chất lượng dịch vụ. Để thay đổi đội xe hoạt động hiệu quả hơn, Nhà nước và các ngân hàng tổ chức những chương trình hiện đại hóa đội xe với những ưu đãi dành cho chủ xe nhằm loại bỏ xe cũ (miễn thuế đăng ký, khuyến khích giảm giá khi mua xe qua các nhà sản xuất thiết bị gốc), thay mức phí đường bộ đối với xe cũ nhằm hạn chế người dùng xe cũ. Các ngân hàng
giải ngân ưu đãi đối với các đề án cho vay mua xe tải trọng lớn, tiết kiệm nhiên liệu. Hay thành lập các hợp tác xã các chủ doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ tập hợp nguồn lực và hoạt động hiệu quả hơn.
Mặt khác phải liên kết các trung tâm logistics với các trung tâm tập kết hàng hóa đô thị trong quy hoạch các cảng cạn. Trong đó, các trung tâm logistics được ưu tiên ở các khu vực cảng cạn gần khu công nghiệp, gần các trung tâm hàng hóa lớn.
Để kết nối và dồn tải sang dần các phương thức vận tải khác, đề xuất tăng cường các sà lan container trên container để tăng cường sử dụng vận tải đường thủy nội địa. Áp dụng các thiết kế, tuyến đường thủy phù hợp cho việc đóng container, cải thiện thiết bị bốc xếp container tại các cảng sông. Bên cạnh đó là thúc đẩy vận chuyển trên tuyến phía Bắc bằng các hãng tàu ven biển, trung tâm vận chuyển nội địa, giảm chi phí bốc xếp tại cảng cho hàng hóa nội địa và tăng cường các tàu ra - vào thúc đẩy hành trình vận tải ven biển.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp căn cơ để phát triển vận tải đường sắt nhằm tăng thị phần vận chuyển hàng hóa bằng phương thức này
Đồng thời, áp dụng một số giải pháp cơ bản nhằm giảm chi phí vận tải biểnnhư sau: + Giảm chi phí nhiên liệu: Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được mua nhiêu liệu với mức giá ưu đãi tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
+ Giảm thuế thu nhập thuyền viên: Để thu hút được đội ngũ sỹ quan, thuyền viên có năng lực gắn bó lâu dài với nghề, đồng thời cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nhà nước xem xét khả năng ban hành chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương (bao gồm cả tiền công và phụ cấp) của sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển.
+ Giảm thuế, phí:
Giảm thuế đối với hàng hóa là vật tư, thiết bị phục vụ cho sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển; đối với hoạt động vận tải nội địa của tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% trong vòng 3 năm; đối với nguồn thu từ vận tải hàng hóa trên tuyến vận tải biển, được giảm 15% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 10 năm. Đối với dự án đầu tư tàu biển tham gia vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam; doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được ưu tiên mua nhiên liệu phục vụ nhu cầu vận tải nội địa với mức giá ưu đãi tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đối với hàng hóa nhập khẩu dùng tàu biển Việt Nam vận chuyển, được giảm 10% mức thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành của văn bản pháp luật liên quan.
+ Giảm cảng phí: Hiện nay cảng phí được áp dụng theo Quyết định số 98/2008/QĐ-BTC ban hành phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và Thông tư 41/2012/TT-BTC hướng dẫn mức thu phí hàng hải đối với tàu có trọng tải lớn cập cảng Cái Mép-Thị Vải. Cục
Hàng hải Việt Nam đang dự thảo thông tư thay thế Quyết định số 98/2008/QĐ-BTC, đồng thời để khuyến khích tàu ra vào hoạt động tải khu vực Cái Mép-Thị Vải và giảm cảng phí cho tàu ra vào khu vực này, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị với Bộ Tài chính cho phép áp dụng giảm phí, lệ phí hàng hải 40-50% cho các tàu trọng tải dưới 50.000 DWT.
+ Giảm chi phí bốc dỡ: Việc đầu tư hệ thống cảng biển phải được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, có thể kết nối trực tiếp với vận tải đường biển, đường sắt, đường sông, đường bộ nhằm giúp giảm bớt chi phí về vận tải do có sự kết hợp tốt giữa các phương thức vận tải khác nhau (tập trung vào 3 khu vực cảng cửa ngõ trọng điểm: Lạch Huyện, Tiên Sa, Cái Mép-Thị Vải) và lập kế hoạch di dời các cảng biển nằm sâu trong sông để giảm chi phí hoa tiêu và phí luồng lạch.
Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ bốc dỡ, nâng cao năng lực bốc dỡ để giảm thời gian quay vòng của tàu, tiết kiệm chi phí lưu kho bãi và cảng phí.
Tăng cường năng lực các tuyến luồng hàng hải tại các khu vực trọng điểm, đầu tư mở rộng nâng cấp tuyến luồng đảm bảo chuẩn tắc, lắp đặt hệ thống VTS, AIS, bố trí kinh phí nạo vét duy tu hàng năm để đảm bảo an toàn cho tàu trọng tải lớn ra vào cảng biển.
Các thành phần chi phí như nhiên liệu, tiền lương, khấu hao và chi phí mờ đối với phương thức vận tải đường bộ và đường sắt cần tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp giảm xuống, từ đó giảm tổng chi phí vận hành phương tiện.
Xây dựng và vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử về vận tải hàng hóa. Qua đó giúp thị trường vận tải trở nên minh bạch và có tính kết nối cao giữa khách hàng với doanh nghiệp vận tải và giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau, tăng hiệu quả sử dụng phương tiện thông qua kết hợp vận tải giữa chiều đi và chiều về nhằm giảm thiểu tỷ lệ các chuyến hàng về bị rỗng. Ngoài ra, việc giảm chi phí “mờ” trong vận tải đường dài cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tổng chi phí vận tải. Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng thế giới thì nếu cắt giảm được chi phí này thì tổng chi phí vận tải (cho chuyến đi trên 100 km) có thể giảm xuống 13%. Việc đề ra các sách lược giảm mãi lộ và thực hiện nghiêm túc sách lược này, kết hợp với giáo dục tuyên truyền đội ngũ lái xe tải là cần thiết. Bên cạnh đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, ví dụ nâng cao tải trọng cầu, đường cũng sẽ giúp doanh nghiệp vận tải giảm tải các khoản “chi phí bôi trơn” cho lượng hàng vận chuyển của mình.
Các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục xử lý các vấn đề còn tồn tại trong việc thu phí hạ tầng (BOT), phí, phụ phí tại các cảng đầu mối nhằm cắt giảm các chi phí bất hợp lý. Rà soát để sớm giảm giá phí và xóa bỏ các trạm BOT không hợp lý để đảm bảo sự lựa chọn của người tham gia giao thông.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp logistics trong nước có cơ hội nhiều hơn trong việc giành các quyền vận tải, bảo hiểm và thực hiện nhiều dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng logistics.