Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển và số lượng NLĐ làm việc trong các KCN, KCX đang gia tăng nhanh chóng trong khi các nghiên cứu về chế độ ăn của công nhân vẫn chưa có nhiều. Thu nhập của người lao động ngày càng tăng cao vì thế khẩu phần ăn của của họ hiện nay cũng có nhiều thay đổi và được nâng cao hơn so với trước. Bữa ăn giữa ca đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nóng” đối với người lao động.
Về hình thức tổ chức bữa ăn ca:
Có 46,9% số doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn cho người lao động. Hình thức này có ưu điểm là tận dụng được mặt bằng sẵn có của đơn vị, chi phí phục vụ, điện nước, lương nhân công được doanh nghiệp hỗ trợ và rất chủ động trong việc kiểm tra giám sát chế độ và vệ sinh ăn uống. Người lao động có thể được hưởng lợi tối đa giá trị bữa ăn công nghiệp mà doanh nghiệp cung cấp, chất lượng bữa ăn cũng được đảm bảo [8],[45].
Có 25,6% số doanh nghiệp thuê dịch vụ bên ngoài cung cấp bữa ăn giữa ca. Hình thức này, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhân công, không phải chịu trách nhiệm về tổ chức bữa ăn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh. Song, chất lượng, số lượng và công tác kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm của bữa ăn giữa ca không kiểm soát được, vì vậy, số vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra ở các doanh nghiệp này [8],[45]..
Có 27,5% số doanh nghiệp do điều kiện khó khăn về mặt bằng và kinh phí nên để người lao động tự lo bữa ăn giữa ca cho mình, trên cơ sở doanh nghiệp hỗ trợ một phần tiền ăn hàng tháng. Hình thức này, có thể tạo sự chủ động cho người lao động, doanh nghiệp giảm được chi phí phục vụ, mặt bằng, nhưng thời gian, khẩu phần ăn không được thống nhất, một bộ phận người lao động do tiết kiệm quá mức dẫn đến bữa ăn ca không đảm bảo [8],[45].
Đa số các doanh nghiệp khác hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động, với mức bình quân 13.900 đồng/suất (khoảng 368.000 đồng/tháng). Trong đó: có 25,0% số doanh nghiệp hỗ
trợ mức ăn giữa ca là 9.000 đồng/suất; 46,5% hỗ trợ mức 13.000 đồng/suất và 28,5% mức 20.000 đồng/suất. Có 10,4% người lao động chỉ được doanh nghiệp hỗ trợ một nửa tiền ăn ca, mức trung bình là 8.000 đồng/suất, thậm chí có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ ở mức 5.000 đồng/suất còn lại người lao động tự đóng góp. Tuy nhiên, cũng qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ tiền ăn ca tính thẳng vào lương với mức 20 - 25 ngàn đồng/ngày thực làm, để người lao động tự lo [8],[45]..
Muốn đảm bảo chất lượng bữa ăn ca phù hợp với nhu cầu năng lượng cho từng đối tượng NLĐ theo tuổi, giới, loại hình lao động thì phương án tốt nhất đó chính là việc cung cấp suất ăn định mức theo suất cho từng công nhân thay vì để công nhân tự lo hoặc ăn theo mâm như một số doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện.
Về giá thành bữa ăn ca:
Giá thành suất ăn của công nhân còn khá thấp (7.000 - 20.000 đồng/suất ăn). Nguồn kinh phí bảo đảm thường do đơn vị hỗ trợ 100% cho người lao động (người lao động không chi phí thêm). Cuối Tháng 6/2012, Viện Công nhân Công đoàn đã khảo sát bữa ăn ca của người lao động tại (10 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đại diện 4 vùng lương trong cả nước). Trong đó có: 11 doanh nghiệp nhà nước; 12 doanh nghiệp cổ phần; 13 doanh nghiệp FDI; 12 công ty trách nhiệm hữu hạn vốn tư nhân; 12 doanh nghiệp tư nhân tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước là: Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh [8].
Theo kết quả khảo sát về thực trạng bữa ăn ca của người lao động trong doanh nghiệp, có 95% doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ, hoặc một phần bữa ăn ca cho người lao động. Trong đó có 85% số doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ, hầu hết các doanh nghiệp ở vùng I và doanh nghiệp FDI đều hỗ trợ toàn bộ bữa ăn ca cho người lao động; có 10% doanh nghiệp hỗ trợ một nửa; và 5% số doanh nghiệp khảo sát không hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động [8],[45]..
Theo thống kê tính đến thời điểm tháng 5/2016, thì trong KCX – KCN và khu công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh có 724 DN có Công đoàn cơ sở tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ với giá trị bữa ăn từ 15.000 trở lên, có 27 đơn vị tổ chức bữa ăn dưới 15.000 đồng. Trong
các đơn vị có tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ, có đến 545 DN thuê nhà cung cấp bữa ăn từ bên ngoài, chỉ 38 DN tổ chức bữa ăn ca tại chỗ, một số còn lại phát tiền cho NLĐ. Trong số 438 đơn vị có thỏa ước lao động tập thể thì có 411 đơn vị đưa nội dung bữa ăn ca của NLĐ vào trong thỏa ước [24].
Về chất lượng bữa ăn ca:
Nhìn chung, các doanh nghiệp có mức hỗ trợ tiền ăn cao thì lượng cơm và thức ăn đủ no: ở doanh nghiệp nhà nước có 83,3% người lao động cho biết là thức ăn đủ; 37,5% người lao động cho biết lượng cơm nhiều và 10% lượng thức ăn nhiều. Người lao động trong doanh nghiệp FDI và công ty cổ phần phải ăn uống kham khổ hơn, có 24,3% số người lao động ở công ty cổ phần; 37,5% người lao động ở doanh nghiệp FDI nói bữa ăn thường thiếu thức ăn [45].
Theo khảo sát được công bố của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có 25.545 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động (chiếm 58,7% tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn). Trong đó, 18.248 doanh nghiệp có mức ăn giữa ca từ 15.000 đồng trở lên. Đặc biệt, có 1.085 công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn giữa ca của 311.631 người lao động từ 15.000 đồng trở lên. Những nỗ lực của công đoàn các cấp đã góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho nhiều người lao động, góp phần bảo đảm sức khỏe, duy trì năng suất 1ao động [5],[22].
Tại Việt Nam, chủ doanh nghiệp hiểu rất rõ số đông công nhân thường ăn sáng qua loa, chủ yếu là lót dạ để tiết kiệm chi phí. Người lao động mong muốn có được bữa ăn trưa vừa no vừa đủ chất. Song để giảm gánh nặng chi phí, chủ doanh nghiệp thường hợp đồng khoán trắng cho công ty cung cấp suất ăn công nghiệp. Với mức chi cho mỗi suất ăn dành cho người lao động quá thấp nên không ít nhà thầu và cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp đã tìm mọi cách hạ thấp giá trị bữa ăn. Không hiếm cơ sở sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngộ độc tập thể hàng loạt. Điều này đã gây hại trực tiếp đến sức khỏe người lao động [46].
Đa số lao động khi được phỏng vấn cho biết, doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn cho người lao động hoặc thuê dịch vụ bên ngoài đáp ứng, tuy nhiên, chất lượng bữa ăn còn đáng ngại. Bữa ăn giữa ca trong công ty không ngon, không đủ chất nhưng công nhân phải
chấp nhận ăn cho qua bữa. Công ty không cho công nhân mang cơm vào nên người lao động chỉ còn cách ăn bữa cơm giữa ca do công ty tự nấu. Khẩu phần mỗi suất ăn gồm một món chính (thịt, cá, gà, heo luân phiên), một món rau và một món canh. Cơm thì đủ ăn nhưng đồ ăn rất ít, các món được chế biến hầu như cùng một cách giống nhau và lặp đi lặp lại [8].
Theo số liệu được Bộ Lao động Thượng binh và Xã hội công bố sau kết quả khảo sát về bữa ăn của công nhân, lao động tại các xí nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể dành cho công nhân từ trước đến nay vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đặc biệt là hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trong thời gian vừa qua. Đây là hệ quả của các suất ăn có giá từ 8.000-12.000 đồng/bữa/người hơn 6 năm không thay đổi giá [8].
Mức chi thấp, buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải mua gạo và thực phẩm chất lượng thấp, vì thế, nâng cao chất lượng bữa ăn ca trước hết phải nâng mức hỗ trợ tương ứng với giá cả thị trường. Có trên 32% cán bộ công đoàn được hỏi cho rằng bữa ăn giữa ca chưa đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Vì nhiều điều kiện doanh nghiệp khó khăn, có đến 27% người lao động cho biết họ phải tự lo bữa ăn giữa ca. Điều này dẫn tới thực tế một bộ phận lao động do tiết kiệm quá mức, dẫn đến chất lượng dinh dưỡng và ATVSTP của bữa ăn không đảm bảo [8].
Để đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, doanh nghiệp cần phải có thực đơn chế biến được tính toán theo đúng nhu cầu năng lượng, khẩu phần tính toán đáp ứng theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị theo tuổi, giới, loại hình lao động, có như vậy người công nhân mới đảm bảo duy trì được sức khỏe và phát huy năng suất lao động, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.