Các nhóm thông tin được thu thập bao gồm các thông tin về khẩu phần bữa ăn ca, tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu và nhóm chỉ số đánh giá về năng suất lao động được đánh giá trước và sau 3 tháng can thiệp.
2.6.1. Phương pháp thu thập số liệu khẩu phần:
- Bữa ăn ca người lao động được thu thập bằng phương pháp cân đong và ghi sổ [79]. Các điều tra viên của Viện Dinh dưỡng và cộng tác viên của công ty được tập huấn trực tiếp tham gia thu thập số liệu
+ Tiến hành cân chính xác các loại thực phẩm sử dụng khác nhau ở các giai đoạn trước khi làm sạch (chuẩn bị nấu), sau khi làm sạch của từng thực phẩm dùng chế biến cho bữa ăn, trọng lượng thực phẩm/món ăn khi nấu chín, trọng lượng của từng thực phẩm/món ăn của từng suất ăn trước khi ăn và lượng thức ăn còn thừa của thực phẩm/món ăn của từng NLĐ sau mỗi bữa ăn. Sử dụng cân thực phẩm (Laica KS1016E; Laica SpA) với độ chính xác 1 g. + Trường hợp công nhân ăn theo suất: Tiến hành cân đong suất mẫu và lượng thức ăn còn thừa của từng công nhân sau mỗi bữa ăn.
+ Trường hợp công nhân ăn theo mâm (chỉ có 3 công ty ăn theo mâm): Tiến hành cân đong thực phẩm trước khi ăn các món theo mâm (thực phẩm được chia đều ra mỗi mâm. Ví dụ: cơm đựng bát loa to công nhân tự lấy, thức ăn chia đều: 1 đĩa 6 miếng đậu nhồi thịt thì mặc định mỗi người 1 miếng, ai không ăn sẽ ghi lại vào phiếu có đề tên tại vị trí ngồi của mình). Sau bữa ăn, cân đong lại lượng cơm, canh, thức ăn thừa của từng mâm rồi chia đều cho số người ăn mỗi mâm.
+ Mỗi một công nhân được phát sổ theo dõi ăn và được hướng dẫn điền thông tin lượng thức ăn còn thừa/xin thêm so với trước khi ăn để ĐTV theo dõi.
- Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm được tính toán dựa trên cơ sở dữ liệu Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam [80] sẽ được nhập xử lý bằng phần mềm Access.
2.6.2. Phương pháp thu thập số liệu tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu:
- Phương pháp thu thập chỉ số nhân trắc
- Chỉ số nhân trắc được các điều tra viên Viện Dinh dưỡng thu thập bằng cách đo chiều cao, cân nặng, vòng eo của đối tượng và tính chỉ số khối cơ thể BMI
- Xác định cân nặng: Cân nặng được đo bằng cân SECA, độ chính xác 0,1kg. Cân được kiểm tra và chỉnh trước khi sử dụng, sau đó cứ cân khoảng 10 đối tượng lại được kiểm tra cân 1 lần. Đối tượng mặc quần áo mỏng, bỏ guốc dép và đứng cân đối, đúng trọng tâm của cân. Ngay khi cân ổn định, đọc kết quả và ghi theo số kg với 1 số lẻ đằng sau dấu phảy. Ví dụ 48,5 kg [81].
- Xác định chiều cao: Sử dụng thước gỗ có độ chính xác 1 mm. Đặt thước đo trên mặt phẳng cứng, tựa vào tường đảm bảo thước đứng vững, vuông góc với mặt đất nằm ngang. Đối tượng tháo bỏ giày dép, cặp tóc hay thứ gì trên đầu ảnh hưởng đến việc đo chiều cao. Đối tượng đứng dựa lưng vào thước, hai bàn chân tạo thành hình chữ V, mắt nhìn thẳng phía trước theo đường nằm ngang, 2 tay bỏ thõng hai bên mình. Toàn thân đảm bảo 9 điểm chạm vào mặt phẳng thước: chẩm, xương bả vai, mông, bắp chân và gót chân. Kết quả được ghi với đơn vị là cm và 1 số lẻ sau dấu phẩy. Ví dụ 158,8 cm [81].
- Xác định vòng eo: Đo bằng thước dây không giãn, kết quả được ghi theo cm với một số lẻ. Vòng eo đo ở mức tương ứng với điểm giữa của bờ dưới xương sườn cuối với bờ trên mào chậu trên đường nách giữa [81].
- Phương pháp thu thập chỉ số hóa sinh Hemoglobin:
+ Cán bộ khoa Vi chất dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng trực tiếp thu thập mẫu bằng cách lấy máu đầu ngón tay xét nghiệm. Xác định nồng độ Hemoglobin bằng phương pháp Cyanmethemoglobin, dùng máy quang phổ kế.
+ Dùng đầu kim nhọn trích vào mép đầu ngón tay áp út. Mỗi đối tượng được dùng 1 kim vô trùng để đảm bảo không lây nhiễm bệnh qua đường máu.
+ Loại bỏ giọt máu đầu bằng bông vô trùng. Áp microcuvette vào giọt máu tiếp theo, máu sẽ chảy vào bên trong cuvette do hiện tượng mao dẫn. Lấy khoảng 20 µL máu + 5 mL Drapkin cho vào ống nghiệm lắc đều và bảo quản ngay trong phích lạnh mang về Labo khoa Vi chất dinh dưỡng – Viện dinh dưỡng phân tích.
+ Mẫu bảo quản mang về được cho vào máy quang phổ kế chạy ở bước sóng 540 nm, máy sẽ tự động đọc và báo kết quả chỉ số Hemoglobin.
2.6.3. Phương pháp thu thập số liệu năng suất lao động:
- Điều tra viên phỏng vấn trực tiếp người lao động theo mẫu phiếu và lấy thông tin dữ liệu qua việc theo dõi chấm công, giám sát của quản đốc phân xưởng để đánh giá năng suất lao động bằng một số chỉ tiêu sau:
+ Số lượng và chất lượng sản phẩm đạt được + Thời gian làm việc, tăng ca, nghỉ ốm.