Một số các nghiên cứu can thiệp bữa ăn ca công nhân dệt may

Một phần của tài liệu Thực trạng bữa ăn ca công nhân dệt may một số tỉnh phía Bắc và hiệu quả cải thiện khẩu phần tại thành phố Hải Dương. (Trang 34 - 36)

Môi trường làm việc được coi là môi trường lý tưởng cho các can thiệp về sức khỏe [59],[60],[61],[62],[21]. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu can thiệp trên đối tượng người lao động tại nơi làm việc bị hạn chế và chủ yếu thực hiện thông qua các chương trình giáo dục truyền thông về dinh dưỡng và/hoặc hoạt động thể lực với mục đích thay đổi hành vi, lối sống và thực hành dinh dưỡng lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe và năng suất lao động [63],[64],[65],[66],[67],[68],[69],[70]. Những nghiên cứu kiểu này có khả năng tiếp cận đáng kể những người lao động trưởng thành nhưng cũng gặp nhiều hạn chế do không thể giám sát cũng như đảm bảo việc các đối tượng có thực hiện theo yêu cầu hay không và thông tin mang tính chất tham khảo chứ chưa mang tính đại diện [63]. Có rất ít các nghiên cứu thực hiện can thiệp trực tiếp lên khẩu phần bữa ăn ca cho công nhân.

Một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng thuộc dự án Angkor Research thực hiện năm 2015 trên 3302 công nhân tại 8 nhà máy ở Campuchia. Nhóm can thiệp gồm 4 nhà máy, công nhân được cung cấp bữa ăn vào tất cả các ngày làm việc trong tuần và nhóm chứng gồm 4 nhà máy không được cung cấp bữa ăn (công nhân tự túc ăn). Ở nhóm can thiệp sẽ có 1 nhà máy được cung cấp bữa cơm trưa, 2 nhà máy được cung cấp bữa sáng gồm bánh ngọt + 1 chai nước và 1 nhà máy được cung cấp bữa ăn nhẹ chiều (mì xào hoặc món tráng miệng nhẹ). Bữa ăn can thiệp được tài trợ và cung cấp trực tiếp bởi các nhà máy tham gia nghiên cứu và thời gian can thiệp là 12 tháng. Các nhà máy sẽ tự thông tin thu thập theo biểu mẫu và báo cáo số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc can thiệp không làm thay đổi đáng kể BMI và tỷ lệ thiếu máu ở công nhân thuộc nhóm can thiệp. Điều này được lý giải có thể do bữa ăn cung cấp chưa đủ năng lượng và vi chất cần thiết cho hoạt động thể lực của công nhân. Tuy nhiên phần lớn dữ liệu thu thập cho cuộc khảo sát do người trả lời tự báo cáo. Các nhà máy khác nhau cung cấp bữa ăn khác nhau vì vậy thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần là khác nhau tác động đến tần suất tiêu thụ thực phẩm là khác nhau. Dữ liệu nhân trắc, tần suất tiêu thụ thực phẩm do nhà máy tự thu thập và báo cáo có thể không chính xác và thiếu độ tin cậy do không có người giám sát [71].

Một nghiên cứu can thiệp khẩu phần khác của tác giả J Makurat và cộng sự tiến hành trên 223 nữ công nhân dệt may chia làm 2 nhóm gồm 1 nhóm can thiệp, một nhóm chứng, tuy nhiên chỉ có 86 người ở mỗi nhóm đủ dữ liệu đến khi kết thúc can thiệp. Bữa trưa tự chọn được cung cấp miễn phí cho công nhân. Set ăn tự chọn giá rẻ 1 đô la bao gồm: 1 phần cơm, 1 món chính, 1 món canh, 1 phần hoa quả (tương đương 700kcal). Thời gian can thiệp là 5 tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn, thiếu máu, thiếu sắt của nữ công nhân dệt may lần lượt là 31%, 24%, 21%. Nhìn chung các thay đổi về nhân trắc, Hemoglobin có tăng nhưng không đáng kể. Nghiên cứu chỉ ra việc cung cấp bữa ăn trưa tại căn tin là khả thi và có khả năng mang lại những tác động tích cực đến các chỉ số nhân trắc, Hemoglobin, tình trạng vi chất đặc biệt trên các đối tượng bị thiếu năng lượng trường diễn. Tuy nhiên cần xem xét việc bổ sung thêm các thực phẩm giàu dinh dưỡng và thực phẩm chứa sắt có giá trị sinh học cao. Hạn chế ở nghiên cứu này chính là giá trị thực đơn chỉ mang tính ước chừng không phải được căn cứ trên các nghiên cứu đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của công nhân trước đó. Chưa tính toán ước lượng được giá trị dinh dưỡng của bữa trưa phù hợp với từng đối tượng người lao động. Việc đánh giá khẩu phần chỉ tính toán theo thực đơn cung cấp mà không phải khẩu phần ăn thực tế của công nhân (cân đong lượng thực phẩm ăn thừa) do giả định toàn bộ người lao động đều ăn hết suất ăn [72].

Nghiên cứu của tác giả Muttaquina và cộng sự trên 1310 nữ công nhân tại 4 phân xưởng dệt may chia 2 gói can thiệp có nhóm chứng bao gồm: gói thứ nhất cung cấp bữa trưa có bổ sung gạo tăng cường vi chất cùng 1 viên sắt/tuần (nhóm A), gói can thiệp thứ 2 công nhân không được cung cấp bữa ăn trưa (tự túc) và được cung cấp viên uống sắt 2 lần/tuần (nhóm C), cả 2 gói can thiệp đều kết hợp tư vấn giáo dục dinh dưỡng. Thời gian can thiệp 10 tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thiếu máu giảm đáng kể ở công nhân cả 2 nhóm can thiệp. Nồng độ Hemoglobin tăng đáng kể ở 2 nhóm can thiệp A và C lần lượt là 1mg/dl và 0,4mg/dl. Nghiên cứu chỉ ra lợi ích của các chương trình can thiệp dinh dưỡng tại nơi làm việc giúp giảm tình trạng thiếu máu ở đối tượng nữ công nhân dệt may. Tuy nhiên các biện pháp can thiệp thực hiện trong nghiên cứu không được theo dõi 1 cách có hệ thống, đặc biệt là việc phân phối viên sắt cho công nhân. Bên cạnh đó, sự tuân thủ uống viên sắt đúng liều và theo hướng dẫn của đối tượng tham gia nghiên cứu còn thấp, sự

hợp tác từ phía lãnh đạo nhà máy chưa cao (chậm trễ trong việc cung cấp thông tin NLĐ, cản trở việc lên lịch phỏng vấn). Khoảng 40% công nhân không được theo dõi đủ các dữ liệu thông tin ban đầu. Các nhóm chứng không có sự tương đồng với nhóm can thiệp do khó khăn trong việc tìm được nhà máy phù hợp và chịu hợp tác. Không tính được tần suất tiêu thụ thực phẩm cũng như các thông tin khẩu phần do việc thu thập dữ liệu không phải do nhóm nghiên cứu thực hiện mà phối hợp cùng đơn vị điều tra khác [73].

Việc tiếp cận can thiệp trên đối tượng người lao động luôn là đề tài nóng và được quan tâm, các kết quả nghiên cứu được các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách tham khảo từ đó có cơ sở để đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và năng suất lao động của người công nhân.

Hạn chế của các nghiên cứu can thiệp khẩu phần bữa ăn ca công nhân

Hầu hết các nghiên cứu can thiệp khẩu phần bữa ăn ca công nhân dệt may gặp khá nhiều khó khăn do đặc thù công việc với thời gian làm việc kéo dài, thời gian nghỉ giữa ca ngắn cùng với số lượng công nhân đông.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khá dè dặt trong việc đồng ý phối hợp trong các chương trình dinh dưỡng, sức khỏe nên việc thiết kế nghiên cứu và triển khai can thiệp gặp nhiều khó khăn.

Chưa có nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị riêng phù hợp cho từng đối tượng người lao động theo tuổi và giới.

Các nghiên cứu can thiệp dinh dưỡng trên đối tượng người lao động tại Việt Nam không có nhiều, chủ yếu tập trung vào việc uống bổ sung viên đa vi chất hoặc bổ sung vi chất vào thực phẩm chứ chưa có nghiên cứu nào trực tiếp can thiệp lên khẩu phần bữa ăn ca cho người lao động nói chung và công nhân dệt may nói riêng.

Một phần của tài liệu Thực trạng bữa ăn ca công nhân dệt may một số tỉnh phía Bắc và hiệu quả cải thiện khẩu phần tại thành phố Hải Dương. (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(147 trang)
w