I. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT
1. Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội
1.1. Các quan điểm phát triển
Khai thác tối đa và có hiệu quả nguồn nội lực, thu hút các nguồn ngoại lực để đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh, hội nhập và cạnh tranh hiệu quả.
Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp và thuỷ sản theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm hàng hoá, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu. Ưu tiên cho phát triển du lịch và dịch vụ, công nghiệp chế biến thủy sản.
Gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, giảm chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư, giữa đô thị và nông thôn.
Phát huy yếu tố nguồn lực con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong huyện; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài. Thực hiện công bằng xã hội trong phát triển giáo dục, y tế; chú trọng công tác đào tạo, nhất là đào tạo đội ngũ công chức và lao động kỹ thuật. Hướng công tác đào tạo vào đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng yếu.
Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
1.2. Phương hướng phát triển
Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, khai thác tiềm năng, huy động nguồn lực bên trong, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để tạo bước đột phá và tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tính quyết định cho sự phát triển toàn diện của huyện.
Tiếp tục đầu tư xây dựng đô thị, đồng thời coi trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi... Đẩy mạnh xã hội hoá một số lĩnh vực xã hội để huy động nhiều nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc nảy sinh. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
1.3. Mục tiêu phát triển
- Phát huy cao độ nội lực của huyện, đi đôi với việc gia tăng sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế,...
- Tiếp tục phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tranh thủ nguồn lực bên trong, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư và kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ bên ngoài. - Quá trình phát triển phải kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững, ổn định chính trị và giữ vững an ninh - quốc phòng.
- Hoàn chỉnh cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng, đầu tư có trọng điểm các khu vực có điều kiện thuận lợi. Nâng cấp các tuyến đường trục, các tuyến nhánh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện, hỗ trợ đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn.
- Phát triển kinh tế đi liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Thực hiện tốt hơn các chính sách dân tộc, chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Đặc biệt coi trọng việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực nhất là cán bộ dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đầu tư tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; tạo nhiều việc làm, giảm tỷ lệ lao động không có việc làm ở đô thị và thiếu việc làm ở nông thôn. Phát triển mạnh y tế, văn hoá, thông tin liên lạc.
- Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, luôn coi trọng giữ vững ổn định chính trị, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các dân tộc, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.