Quan điểm sử dụng đất

Một phần của tài liệu BCTHDC2020_huyenHoaBinh11102019_134638 (Trang 43 - 47)

I. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT

2. Quan điểm sử dụng đất

2.1. Duy trì, bảo vệ, cải tạo, chuyển đổi và mở rộng diện tích đất nông nghiệp

Trong quá trình khai thác sử dụng đất của huyện việc duy trì, bảo vệ quỹ đất nông, lâm nghiệp cần được quan tâm hàng đầu. Phát triển công nghiệp, đô thị, kết cấu hạ tầng phải phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Cần áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý.

Trong những trường hợp đặc biệt khi cần chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích khác, trừ những công trình mang tính bắt buộc (như quốc phòng - an ninh, công trình theo tuyến) còn lại trước hết phải chọn những khu đất xấu, quá trình sản xuất có năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp; hạn chế tối đa lấy vào các loại đất có hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó cũng cần phải có những biện pháp để cải tạo, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng (lựa chọn con giống), đầu tư thâm canh chiều sâu, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng ở những địa bàn trọng điểm sản xuất lương thực, từng bước nâng cao hệ số sử dụng đất... để bù vào phần diện tích đất nông nghiệp bị mất đi. Đồng thời cần có các biện pháp cụ thể, đồng bộ trong việc sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện ổn định về tâm lý thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ đầu tư ban đầu, hỗ trợ giá cả và thị trường tiêu thụ. Đối với những khu vực đất nông nghiệp tuy đã có phê duyệt chuyển mục đích sử dụng nhưng chưa có dự án đầu tư chính thức cần phải tiếp tục sử dụng, tránh tình trạng bỏ hoang hóa, lãng phí đất.

2.2. Dành quỹ đất hợp lý cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghiệp và xây dựng các khu dân cư

Những hạn chế về hạ tầng cơ sở đang là một trong những trở ngại chính trong tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá của huyện. Nhiệm vụ cấp bách của huyện hiện nay là cần tập trung tiềm lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở trên các lĩnh vực như giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, văn hoá.

Dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp nhất là những ngành công nghiệp có khả năng khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương, là những ngành có thể tạo ra sức tăng trưởng mạnh mẽ trong công nghiệp cũng như nền kinh tế của huyện.

Từng bước bố trí, sắp xếp lại sự bất hợp lý trong các khu dân cư cũ, đồng thời hình thành các khu dân cư mới có quy mô đủ lớn để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt đời sống nhân dân, đảm bảo chất lượng môi trường sống trong đó phải đặc biệt chú ý tới quy hoạch đất ở và đất sản xuất đảm bảo cuộc sống ổn định. Hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng giao đất thổ cư phân tán, tản mạn trong các khu vực sản xuất nông nghiệp, các khu ven kênh rạch chính trong tương lai. Các đô thị phát triển gắn kết với các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế và các vùng sản xuất. Tập trung phát triển khu vực trung tâm đô thị, tận dụng không gian, phát triển chiều cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.

2.3. Khai thác sử dụng đất phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường

Trong sản xuất nông nghiệp, việc bố trí cơ cấu cây trồng phải phù hợp với cơ cấu mùa vụ, điều kiện đất đai, nguồn nước, khí hậu… tránh làm suy thoái đất do bố trí cây trồng không đúng hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật không hợp lý. Đồng thời cần phải xem xét đến tính độc hại của các loại chế phẩm hoá học như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường đất, để bảo vệ, duy trì môi trường sinh thái bền vững.

Trong quá trình phát triển công nghiệp cần xác định rõ các loại hình công nghiệp, tính độc hại của các chất thải công nghiệp để bố trí đất cho phù hợp với môi trường xung quanh. Cần có biện pháp đồng bộ xử lý chất thải ngay trong các khu công nghiệp đảm bảo không gây ô nhiễm đất, phá huỷ cân bằng hệ sinh thái.

Khu dân cư nông thôn, đô thị cần được quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng, tách riêng khu sản xuất của các làng nghề (nhất là những làng nghề có nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường) ra khỏi khu dân cư để hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường xung quanh.

2.4. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, điều chỉnh những bất hợp lý trong sử dụng đất

Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phù hợp với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Quá trình chuyển đổi phải được cân nhắc đến hiệu quả kinh tế - xã hội trong việc sử dụng đất cho đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn trên cơ sở đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.

Từ thực tế đánh giá hiện trạng sử dụng đất của huyện cho thấy vẫn còn những bất cập trong việc sử dụng quỹ đất như: hiệu quả sử dụng đất chưa cao, việc bố trí cơ cấu cây trồng một số nơi còn chưa phù hợp. Việc bố trí sử dụng đất đô thị còn chắp vá, chưa theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Do vậy, việc điều chỉnh những bất hợp lý trong sử dụng đất khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Để đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, hiện đại hoá đô thị, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân… trong quá trình bố trí sử dụng đất cần ưu tiên dành quỹ đất cho việc phát triển các công trình hạ tầng kinh tế (cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung; dịch vụ thương mại…), hạ tầng xã hội (trường học, trạm y tế…) và hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, nước…) nhất là khi các điều

kiện này của huyện còn kém, đồng thời phát triển hệ thống giao thông, các công trình năng lượng, dịch vụ công cộng… tạo điều kiện cho giá trị đất tăng lên, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của huyện.

Việc chuyển đổi đất giữa các mục đích sử dụng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao là tất yếu. Song trên địa bàn từng xã, thị trấn khi có nhu cầu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các mục đích khác cần phải cân nhắc thận trọng, đặc biệt đối với quỹ đất trồng lúa nước. Đất xây dựng đô thị chỉ nên chuyển đất nông nghiệp trong địa giới hành chính hiện tại của các điểm đô thị vì hiện nay tỷ trọng đất nông nghiệp trong các khu đô thị còn khá cao. Từng bước bố trí lại các khu dân cư cả đô thị và nông thôn ở những nơi đã hình thành, kết hợp với quy hoạch các khu dân cư mới phát triển theo hướng vừa chú ý đến môi trường sinh thái như công viên, cây xanh... vừa đáp ứng các nhu cầu về giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và các công trình phúc lợi xã hội khác.

Với đất khu dân cư và đất ở tại nông thôn cần bố trí thật hợp lý, kết hợp hài hòa phong tục tập quán, thuận tiện cho sản xuất nhưng phải tạo điều kiện đầu tư tập trung và phát huy hiệu quả, thuận lợi cho các vấn đề xã hội. Cụ thể là một mặt cần sớm ổn định địa bàn dân cư, mặt khác phải phát triển các khu dân cư tập trung mang tính chất là trung tâm khu vực để có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình văn hóa phúc lợi, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ trong nông - lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trước hết là các trung tâm cụm xã.

2.5. Làm giàu và bảo vệ môi trường đất để sử dụng ổn định lâu dài

Đất đai là tài nguyên không thể tái tạo được, là bộ phận hợp thành môi trường sống và là vật mang của các hệ sinh thái. Do đó đất có khả năng chi phối đến sự phát triển hay hủy diệt các thành phần khác của môi trường. Trong quá trình khai thác sử dụng đất của huyện cần được kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng và cải tạo nhằm không ngừng nâng cao độ phì của đất. Bên cạnh đó việc khai thác sử dụng đất phải được gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh hiện có, tăng cường kiểm soát ô nhiễm công nghiệp. Các chất thải trong sản xuất công nghiệp, chất thải sinh hoạt… phải được xử lý kịp thời, tránh huỷ hoại đất, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí.

Trong nông nghiệp, tính độc hại của các chế phẩm hoá học như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng cần được xem xét cụ thể để sử dụng hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ cân bằng sinh thái. Một nền nông nghiệp bền vững là thể hiện bằng quá trình sử dụng các biện pháp kỹ thuật và hệ thống canh tác khoa học để có thể tạo ra khối lượng nông sản phẩm ngày càng nhiều và bảo vệ được năng lực sản xuất của đất.

Ở một góc độ khác, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của huyện sẽ có sự tác động mạnh mẽ tới việc bảo đảm môi trường, trong đó có cả tác động tích cực và tiêu cực. Việc bảo vệ môi trường cần được đặt trong bối cảnh biến đổi thường xuyên của các tỷ lệ trong cấu trúc môi trường. Các thay đổi này có sự kiểm soát và đánh giá, cần có giải pháp khắc phục các tác động tiêu cực và các chi phí cần thiết bảo vệ môi trường, tương đương với giá trị môi trường tăng hoặc giảm do các hoạt động kinh tế - xã hội mang lại.

2.6. Phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng

Việc khai thác sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội cần phải gắn với vấn đề quốc phòng an ninh, quán triệt phương châm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Kết hợp xây dựng kinh tế, xã hội với an ninh quốc phòng ở một huyện ven biển với tầm nhìn xa về phát triển là vấn đề hết sức phức tạp và tốn kém, nhất là để đối phó với những tình huống xấu nhất: có chiến tranh, biến loạn và thiên tai lớn,... Để bảo vệ có hiệu quả huyện và cả đất nước, ngay từ bây giờ phải có quy hoạch tổng thể mặt bằng dài hạn, chia ra từng bước, từng công trình để triển khai thực hiện tùy theo diễn biến tình hình cụ thể và khả năng kinh tế cho phép. Quy hoạch và sắp xếp lại các khu quân sự theo yêu cầu xây dựng an ninh quốc phòng, đề phòng trường hợp cấp đất manh mún hoặc bị lấn chiếm tự phát sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về sau. Trong bối cảnh các áp lực đối với đất xây dựng của huyện ngày càng gia tăng, công trình quốc phòng nào nhất thiết phải có mà chưa có khả năng thực thi thì nên có quy hoạch định vị, dành quỹ đất dự trữ để khi có điều kiện và yêu cầu cấp thiết sẽ thực hiện. Đồng thời cũng sớm đề ra sơ đồ thế trận phòng thủ chiến lược, chiến thuật cụ thể đến cấp xã, các cụm dân cư lớn, tạo nên các khu vực phòng thủ, hình thành thế trận liên hoàn trên địa bàn huyện.

Một phần của tài liệu BCTHDC2020_huyenHoaBinh11102019_134638 (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)