hoạt động
Hệ số hồi quy theo GLS của biến độc lập SIZE tại bảng 4.16 là - 0.160801 cho thấy quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng trái chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh . kết quả này ngược với kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Keramat Jafari và Hasan Hematti (2014), Bùi Ngọc Toản (2016), Chu Thị Thu Thủy (2014). Quy mô doanh nghiệp tác động ngược chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh, hàm ý doanh nghiệp có quy mô càng lớn sẽ có dòng tiền hoạt động kinh doanh càng giảm, và ngược lại; lý giải cho kết quả nghiên cứu này rằng các doanh nghiệp điều chỉnh giảm quy mô hoạt động sẽ kiểm soát tốt hơn chất lượng của doanh thu bán hàng cũng như chất lượng lợi nhuận, qua đó góp phần gia tăng dòng tiền hoạt động kinh doanh; hoặc một lý giải khác rằng doanh nghiệp thực hiện mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải chi tiền nhiều hơn cho việc dự trữ hàng tồn kho, gia tăng bán chịu và điều đó làm giảm dòng tiền hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể gây ra hiện tượng thâm hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến khả năng thanh toán.
4.4.6. Ảnh hưởng của khả năng tăng trưởng doanh thu thuần đến dòng tiền hoạt động
Hệ số hồi quy theo GLS của biến độc lập GROWTH tại bảng 4.15 là -0.015121 cho thấy khả năng tăng trưởng thể hiện qua tỷ lệ tăng/ giảm doanh thu thuần có ảnh hưởng ngược chiều đến dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp. Điều này trái ngược với kết quả của Hashem Valipour và các cộng sự (2012), Keramat Jafari và Hasan Hematti (2014).Tuy nhiên phân tích tương quan giữa biến kiểm soát GROWTH và tại mục 4.2 cho thấy tỷ lệ tăng/giảm doanh thu thuần có tác động cùng chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh; mối quan hệ này có thể được giải thích rằng doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, qua đó doanh nghiệp có thể bán hàng nhiều hơn để gia tăng dòng tiền vào từ hoạt động
kinh doanh, đồng thời doanh nghiệp cũng quản lý chi tiêu tốt hơn nhờ gia tăng vị thế để giảm dòng tiền ra cho hoạt động kinh doanh, kết quả là tổng thể dòng tiền hoạt động kinh doanh gia tăng.
4.4.7. Ảnh hưởng của Tỷ số nợ đến dòng tiền hoạt động
Hệ số hồi quy theo GLS của biến kiểm soát LEV tại bảng 4.16 là 0.207342 cho thấy tỷ số nợ/ tổng tài sản có ảnh hưởng cùng chiều đến dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp.Kết quả này hoàn toàn trái ngược với kết quả nghiêm cứu thực nghiệm của Phan Gia Quyền và Bùi Văn Huy (2016), Afza, T. và Nazir, M.S. (2008). Tuy nhiên phân tích tương quan giữa kiểm soát LEV với biến phụ thuộc OCF tại mục 4.2 cho thấy tỷ số nợ và dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có quan hệ ngược chiều nhau, điều này có thể được giải thích là khi các doanh nghiệp gia tăng các khoản nợ thì dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp sẽ giảm xuống do sự gia tăng của dòng tiền ra và gia tăng của các nghĩa vụ nợ.
4.4.8. Tính thanh khoản và dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ đồng biến nhưng không có ý nghĩa thống kê
TÓM TẮT CHƯƠNG 4
Chương 4 đã thực hiện thống kê mô tả các biến trong mô hình nghiên cứu theo các tiêu chí giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, đệ lệch chuẩn và số quan sát. Sử dụng phân tích tương quan và chỉ ra tương quan giữa từng biến độc lập với biến phụ thuộc OCF nhằm nhận diện mối quan hệ biến động giữa các yếu tố ảnh hưởng với biến động dòng tiền hoạt động; bên cạnh đó phần này cũng chỉ ra tương quan giữa các biến độc lập với nhau và phân tích kết hợp với VIF cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến nghiêm trọng giữa các biến độc lập. Vì vậy, ngoài việc phân tích hồi quy theo FEM và REM cho dữ liệu bảng, đề tài còn thực hiện phân tích hồi quy cho dữ liệu bảng theo Pooled OLS. Sau khi phân tích hồi quy theo Pooled OLS, FEM và REM, kết quả kiểm định đưa ra lựa chọn kết quả hồi quy theo Pooled OLS. Tuy nhiên mô hình lại bị
hiện tượng phương sai sai số thay đổi dẫn đến kết quả hồi quy cuối cùng được xác định theo GLS, qua đó xác định ảnh hưởng của quản trị vốn lưu động, từng yếu tố cấu thành chu kỳ vốn lưu động và một số yếu tố khác ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam .
CHƯƠNG 5.
KẾT LUẬN VÀ GỢI , KHUYẾN NGHỊ
5.1. KẾT LUẬN
Từ cơ sở lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm tại chương 2, đề tài đã đưa ra mô hình nghiên cứu đi kèm với phương pháp nghiên cứu tại chương 3, từ đó đề tài đã tìm ra được kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại chương 4 về tác động quản trị vốn lưu động đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết tại Việt Nam. Với dữ liệu từ 422 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 – 2019, đề tài sử dụng các phương pháp thống kê mô tả, phân tích tương quan và phân tích hồi quy đa biến với dữ liệu bảng, đúc kết các vấn đề như sau:
Thứ nhất, quản trị vốn lưu động tác động cùng chiều đến dòng tiển
hoạt động kinh doanh, được giải thích trên cơ sở quan hệ trái chiều giữa chu kỳ vốn lưu động với tỷ lệ dòng tiền ròng hoạt động kinh doanh trên tổng tài sản. Như vậy, doanh nghiệp cần tìm kiếm các biện pháp thích hợp nhằm rút ngắn chu kỳ vốn lưu động trong quá trình sản xuất kinh doanh, thể hiện hiệu quả quản trị vốn lưu động tốt hơn, góp phần gia tăng hiệu quả tiết kiệm vốn lưu động và dẫn đến gia tăng dòng tiền hoạt động kinh doanh, thể hiện khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh tốt hơn và góp phần đảm bảo khả năng thanh toán, tiến đến gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Thứ hai, thời gian luân chuyển tồn kho có quan hệ trái chiều với tỷ
lệ dòng tiền ròng hoạt động kinh doanh trên tổng tài sản, hàm ý quản trị tồn kho cùng chiều với khả năng tạo tiền thể hiện qua dòng tiền hoạt động kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp quản trị tồn kho hiệu quả thể hiện qua rút ngắn thời gian luân chuyển tồn kho sẽ góp phần rút ngắn chu kỳ vốn lưu động trong sản xuất kinh doanh, qua đó gia tăng hiệu quả tiết kiệm vốn lưu động và gia tăng dòng tiền hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, thời gian thu tiền bán hàng tác động ngược chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh thể hiện qua quan hệ ngược chiều giữa thời gian thu tiền bán hàng với với tỷ lệ dòng tiền ròng hoạt động kinh doanh trên tổng tài sản, hàm ý quản trị các khoản phải thu có quan hệ cùng chiều với khả năng tạo tiền thể hiện qua dòng tiền hoạt động kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp quản trị các khoản phải thu có hiệu quả hơn thể hiện qua rút ngắn thời gian thu tiền bán hàng sẽ góp phần rút ngắn chu kỳ vốn lưu động trong sản xuất kinh doanh, qua đó gia tăng hiệu quả tiết kiệm vốn lưu động và gia tăng dòng tiền hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, thời gian trả tiền mua hàng tác động ngược chiều đến dòng
tiền hoạt động kinh doanh thể hiện qua quan hệ ngược chiều giữa thời gian trả tiền mua hàng với tỷ lệ dòng tiền ròng hoạt động kinh doanh trên tổng tài sản, hàm ý doanh nghiệp quản trị các khoản phải trả theo hướng thanh toán tiền sớm hơn cho nhà cung cấp sẽ góp phần gia tăng dòng tiền hoạt động kinh doanh, đó có thể là do doanh nghiệp giảm được tiền chi mua hàng thông qua gia tăng khoản chiết khấu thanh toán được hưởng, được mua hàng với giá thấp hơn nhờ gia tăng vị thế tín dụng, uy tín trong quan hệ với nhà cung cấp.
Thứ năm, đề tài còn tìm thấy kết quả quy mô doanh nghiệp tác động
ngược chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh và khả năng tăng trưởng tác động cùng chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần kiểm soát duy trì quy mô hợp lý, thậm chí có thể phải cắt giảm quy mô hoạt động nếu rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền do mở rộng quy mô trên cơ sở bán chịu nhưng gặp phải khó khăn trong việc thu hồi hoặc không thu hồi được các khoản phải thu, hoặc chi quá mức cho việc dự trữ tồn kho; khi đó việc điều chỉnh giảm quy mô doanh nghiệp sẽ mang đến cơ hội gia tăng dòng tiền hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có thể tìm được các cơ hội, biện pháp để tạo nên khả năng tăng trưởng tốt, khi đó vị thế của doanh nghiệp trên thị trường được đánh giá cao hơn và doanh nghiệp có thể
gia tăng được doanh thu bán hàng và tiết kiệm chi phí hoạt động, qua đó có thể tác động tích cực đến dòng tiền hoạt động kinh doanh.
5.2. GỢI Ý, KHUYẾN NGHỊ
Nghiên cứu thực nghiệm cho trường hợp các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết tại Việt Nam bằng phương pháp phân tích hồi quy dữ liệu bảng cho thấy quản trị vốn lưu động có tác động tích cực đến dòng tiền hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện các biện pháp rút ngắn chu kỳ vốn lưu động nhằm gia tăng hiệu quả tiết kiệm vốn lưu động, từ đó gia tăng dòng tiền ròng hoạt động kinh doanh; cụ thể là doanh nghiệp cần tập trung chủ yếu vào các biện pháp nhằm đảm bảo hiệu quả quản trị các khoản phải thu và các khoản phải trả. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy quy mô doanh nghiệp càng lớn thì dòng tiền hoạt động kinh doanh càng nhỏ, gợi ý các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ quy mô, việc mở rộng quy mô quá nhanh có thể gây ra tình trạng thiếu hụt tiền do phải chi nhiều tiền cho dự trữ tồn kho hay gia tăng bán chịu; và cần tìm kiếm các biện pháp để đảm bảo khả năng tăng trưởng doanh nghiệp, theo kết quả nghiên cứu, khả năng tăng trưởng càng lớn thì dòng tiền hoạt động kinh doanh càng gia tăng cho các doanh nghiệp.
5.2.1. Gia tăng hiệu quả quản trị các khoản phải thu nhằm giảm thời gian thu tiền bán hàng
Hầu như doanh nghiệp mong muốn “tiền tươi, thóc thật” khi bán hàng cho khách hàng nên doanh nghiệp luôn kỳ vọng đàm phán thu tiền bán hàng càng nhanh càng tốt; nhưng để thu hút khách hàng và giải phóng nhanh chóng hàng tồn kho, gia tăng doanh thu bán hàng và đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp thường phải chấp nhận bán chịu cho khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định. Khi doanh nghiệp chấp nhận bán chịu có nghĩa là doanh nghiệp đã chấp nhận đối mặt rủi ro tổn thất do các khoản phải thu khó đòi, và nếu rủi ro xảy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh, dẫn đến khả năng thanh toán của
doanh nghiệp sẽ có vấn đề; vì vậy, doanh nghiệp cần thực hiện những biện pháp quản trị các khoản phải thu một cách đầy đủ và có hiệu quả tất cả khâu, bao gồm trước,trong và sau khi bán chịu nhằm đảm bảo dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư, cụ thể các biện pháp như sau:
Thứ nhất, xây dựng chính sách bán chịu tùy theo chiến lược hoạt
động kinh doanh, chiến lược tài chính của doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể; chính sách bán chịu hợp lý là nền tảng, là tài liệu hướng dẫn cho cả bộ máy doanh nghiệp và cũng là một kênh thông tin hiệu quả liên kết các phòng, ban trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo thành công trong bán hàng theo phương thức bán chịu. Những nội dung cơ bản cần có của một chính sách bán chịu như sau:
(i) Ban hành điều kiện khách hàng đủ tiêu chuẩn được mua chịu và hạn mức khách hàng được mua chịu, các nội dung này cần được thiết kế trên cơ sở kiểm tra và đánh giá khách hàng theo các tiêu chí như khả năng thanh toán, doanh thu dự kiến, lịch sử thanh toán, cơ sở vật chất,...
(ii) Quy định về người phê duyệt khách hàng được mua chịu và hạn mức khách hàng được mua chịu trong nội bộ doanh nghiệp; có thể phân chia quyền phán quyết cho từng vị trí trong doanh nghiệp theo dạng bậc thang, từ tổng giám đốc, giám đốc bán hàng, trưởng phòng kinh doanh, đến nhân viên bán hàng.
(iii) Ban hành cơ chế thưởng, phạt hợp lý đối với tất cả thành viên tham gia vào hoạt động bán chịu, kể cả những thành viên quản lý và thu hồi các khoản phải thu; cơ chế thưởng, phạt hợp lý sẽ động viên, khuyến khích các thanh viên làm việc tốt hơn cũng như có sự ràng buộc trách nhiệm.
(iv) Thiết kế các điều khoản bán chịu với thời hạn, tỷ lệ chiết khấu thanh toán rõ ràng; ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tính toán và dự kiến đến các phương án điều chỉnh linh hoạt các điều khoản bán chịu,
khi nào có thể nới lỏng hay khi nào sẽ thắt chặt nhằm vừa có thể giữ được khách hàng, tiếp tục bán được hàng nhưng cũng vừa hạn chế rủi ro, tổn thất trong việc không thu hồi các khoản phải thu từ khách hàng. (v) Thiết kế quy trình quản lý và thu hồi các khoản phải thu nhằm đảm bảo thu hồi đầy đủ và khách hàng không thanh toán trễ hạn so với thỏa thuận. Theo đó, doanh nghiệp cần tiến hành phân tích “tuổi” của các khoản phải thu theo định kỳ, gửi thư nhắc nhở khách hàng trước khi đến hạn thanh toán một số ngày nhất định hoặc khi khách hàng chậm thanh toán, nếu bán chịu nhiều thì doanh nghiệp nên có một bộ phận chuyên trách về quản lý, theo dõi và thu hồi các khoản phải thu; những nhân viên thuộc bộ phận chuyên trách này phải được đào tạo về kỹ năng giao tiếp qua điện thoại, khả năng đàm phán và thuyết phục khách hàng thanh toán hoặc thực hiện cam kết thanh toán, ứng xử thích hợp các tình huống khó, sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ,...
Thứ hai, tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ quy trình bán chịu, bao gồm
trước, trong và sau khi bán chịu.
- Trước khi ký hợp đồng mua bán theo phương thức bán chịu, nhân viên kinh doanh tổ chức buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp khách hàng tại trụ sở của họ để thực hiện các đàm phàn liên quan bán hàng, đồng thời có thể thu thập thông tin và đánh giá khách hàng để ra quyết định thích hợp theo đúng chính sách bán chịu đã ban hành.
- Khi ký hợp đồng mua bán chịu, cần phải có sự kiểm tra của bộ phận chuyên trách quản lý các khoản phải thu nhằm chắc chắn về lịch sử giao dịch và các thông tin cần thiết khác của khách hàng.
- Sau khi ký hợp đồng mua bán chịu, doanh nghiệp cần phải gửi hóa đơn, bản lịch trình thanh toán tiền mua hàng cho khách đúng kỳ hạn bằng các cách khác nhau (chuyển phát nhanh, thư đảm bảo, chuyển thư trực tiếp,...) nhằm chắc chắn rằng khách hàng nhận được các giấy tờ và trong
thời gian ngắn nhất; tích cực liên lạc với khách hàng để giải quyết vướng mắc; gọi điện thoại hoặc gửi thư nhắc khách hàng chuẩn bị đến hạn thanh toán, gọi điện thoai hoặc gửi thư nhắc nhiều lần với các mốc thời gian cụ thể, đối với khách hàng có “tuổi” các khoản phải cao hơn thời hạn đã thỏa thuận, hay có thể hẹn gặp và đến thăm khách hàng nếu thấy trao đổi qua điện thoại và gửi thư không hiệu quả,...
Thứ ba, nghiên cứu sử dụng các biện pháp và công cụ hỗ trợ thanh
toán, thu hồi các khoản phải thu theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp, chẳng hạn như bao thanh toán (factoring) do các ngân hàng thương mại cung cấp, dịch vụ thu hộ của các công ty chuyên nghiệp, hoặc bán các khoản phải thu cho các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp.