Bùi Ngọc Toản (2016) kiểm định tác động của chính sách vốn lưu động đến khả năng sinh lợi trên tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành bất động sản
Việt Nam bằng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính với dữ liệu bảng, bao bao gồm: hồi quy gộp (Pooled OLS), mô hình các tác động cố định (FEM) và mô hình các tác động ngẫu nhiên (REM) và phương pháp bình phương bé nhất tổng quát khả thi (FGLS). Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của 35 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng thời gian thu tiền bán hàng, thời gian luân chuyển tồn kho và chu kỳ luân chuyển tiền có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lợi trên tổng tài sản. Ngoài ra, tác giả cũng tìm thấy tác động cùng chiều của quy mô doanh nghiệp và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đến khả năng sinh lợi trên tổng tài sản; trong khi đó đòn bẩy tài chính tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời trên tổng tài sản.
Vương Đức Hoàng Quân và Dương Diễm Kiều (2016) nghiên cứu tác động của quản lý vốn lưu động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, cụ thể mẫu nghiên cứu là 29 doanh nghiệp thuộc 4 ngành dược phẩm, ngành thép, ngành thực phẩm và ngành thủy sản từ năm 2010 đến 2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy chu kỳ vốn lưu động không có ý nghĩa giải thích cho khả năng sinh lời đo lường bởi suất sinh lời trên tài sản; tuy nhiên từng thành phần cấu thành chu kỳ vốn lưu động có tác động đến lợi nhuận nhưng khác nhau giữa các ngành thể hiện qua mô hình hồi qui riêng của từng ngành, cụ thể là ngành thủy sản có thời gian thu tiền bán hàng và thời gian luân chuyển tồn kho tác động ngược chiều đến lợi nhuận, ngành thực phẩm có thời gian trả tiền mua hàng tác động ngược chiều đến lợi nhuận, hai ngành còn lại có lợi nhuận không được giải thích bởi các thành phần của chu kỳ vốn lưu động.
Chu Thị Thu Thủy (2014) nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị vốn lưu động và khả năng sinh lời của công ty cổ phần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo niêm yết trên HOSE bằng thống kê mô tả, phân tích tương quan Pearson và phân tích hồi quy theo OLS; mẫu nghiên cứu là 97 công ty trong năm 2012. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan ngược chiều giữa quản trị vốn lưu động đo lường bởi chu kỳ vốn lưu động và khả năng sinh lời, có nghĩa là rút
ngắn chu kỳ vốn lưu động cho thấy quản trị vốn lưu động hiệu quả hơn tác động tăng khả năng sinh lời; xét các thành phần của chu kỳ vốn lưu động, nghiên cứu gợi ý tăng cường quản lý khoản phải thu khách hàng nhằm tăng khả năng sinh lời, hay rút ngắn thời gian thu tiền bán hàng sẽ tác động tích cực đến khả năng sinh lời, và thời gian trả tiền mua hàng có quan hệ cùng chiều với khả năng sinh lời, trong khi đó thời gian luân chuyển tồn kho tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời nhưng lại không có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 10%. Ngoài ra, nghiên cứu gợi ý có quan hệ cùng chiều giữa quy mô doanh nghiệp với khả năng sinh lời, nhưng đòn bẩy tài chính và tỷ lệ đầu tư vào tài sản tài chính có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời.
Phan Đình Nguyên và Nguyễn Ngọc Trãi (2014) nghiên cứu tác động của vốn lưu động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp phân tích hồi quy dữ liệu bảng với mô hình các tác động cố định với mẫu nghiên cứu 220 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Kết quả nghiên cứu cho thấy các biến độc lập đại điện cho quản trị vốn lưu động là thời gian thu tiền bán hàng, thời gian trả tiền mua hàng và thời gian luân chuyển tồn kho đều có tác động ngược chiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Uyên Uyên và Từ Thị Kim Thoa (2014) nghiên cứu kiểm định mối quan hệ giữa quản trị vốn lưu động và khả năng sinh lời của 208 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên HOSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong giai đoạn năm 2006 đến năm 2012, sử dụng phương pháp hồi quy gộp. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc quản trị vốn lưu động hiệu quả thông qua rút ngắn thời gian thu tiền bán hàng và rút ngắn thời gian luân chuyển tồn kho sẽ tác động tích cực đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, tuy nhiên kết quả lại khác biệt giữa các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác nhau.
Phan Gia Quyền và Bùi Văn Huy (2016) nghiên cứu kiểm định mối quan hệ giữa quản trị vốn luân chuyển và tính thanh khoản hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong giao đoạn 2007 đến năm 2014 của 268 doanh
nghiệp được niêm yết trên HOSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Kết quả phát hiện bằng chứng cho việc quản trị vốn lưu động hiệu quả sẽ cải thiện được tính thanh khoản hoạt động của doanh nghiệp.