Qua khảo lược các nghiên cứu trước cho thấy quản trị vốn lưu động được đo lường bởi chu kỳ vốn lưu động tác động ngược chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh, mối quan hệ này được khẳng định trong nghiên cứu của Haitham Nobanee và Maryam Al Hajjar (2009), Lucy W. Mwangi và các cộng sự (2014), Aymen Telmoudi và các cộng sự (2010), Bùi Ngọc Toản (2016), Chu Thị Thu Thủy (2014), Huỳnh Phương Đông và Jyh-Tay Su (2010), Phan Đình Nguyên và Nguyễn Ngọc Trãi (2014), Nguyễn Thị Uyên Uyên và Từ Thị Kim Thoa (2014). Các nghiên cứu trước không chỉ tiếp cận và kiểm định tác động của chu kỳ vốn lưu động đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn kiểm định tác động của từng yếu tố cấu thành nên chu kỳ vốn lưu động đến dòng tiền hoạt động kinh doanh, tuy nhiên kết quả kiểm định có những khác biệt nhau, cụ thể như sau:
- Thời gian luân chuyển tồn kho có thể tác động ngược chiều đến dòng tiền hoạt động kinh doanh theo nghiên cứu của Aymen Telmoudi và các cộng sự (2010), Keramat Jafari và Hasan Hematti (2014), Nguyễn Thị Uyên Uyên và Từ Thị Kim Thoa (2014), Huỳnh Phương Đông và Jyh-Tay Su (2010), Vương Đức Hoàng Quân và Dương Diễm Kiều (2016), Bùi Ngọc Toản (2016), trong khi đó kết quả nghiên cứu của Haitham Nobanee và Maryam Al Hajjar (2009), Chu Thị Thu Thủy (2014) lại đưa ra kết luận ngược lại. - Thời gian thu tiền bán hàng rút ngắn sẽ rút ngắn chu kỳ vốn lưu động và tác động tích cực đến dòng tiền hoạt động kinh doanh, mối quan hệ này được kiểm định và kết luận theo nghiên cứu của Haitham Nobanee và Maryam Al Hajjar (2009) Aymen Telmoudi và các cộng sự (2010) Nguyễn Thị Uyên Uyên và Từ Thị Kim Thoa (2014) Phan Đình Nguyên và Nguyễn Ngọc Trãi (2014) Huỳnh Phương Đông và Jyh-Tay Su (2010) Chu Thị Thu Thủy (2014).
- Thời gian trả tiền mua hàng rút ngắn sẽ kéo dài chu kỳ vốn lưu động và tác động tiêu cực đến dòng tiền hoạt động kinh doanh, mối quan hệ này được kiểm định và kết luận theo nghiên cứu của Haitham Nobanee và Maryam Al Hajjar (2009), Aymen Telmoudi và các cộng sự (2010), Lucy W. Mwangi và các cộng
sự (2014), Huỳnh Phương Đông và Jyh-Tay Su (2010), Chu Thị Thu Thủy (2014).
Như vậy, các nghiên cứu trước cung cấp bằng chứng thực nghiệm, không chỉ kiểm định cơ sở lý thuyết mà còn gợi ý cho hướng thiết kế mô hình nghiên cứu của đề tài với biến phụ thuộc là dòng tiền hoạt động kinh doanh, biến độc lập là quản trị vốn lưu động được đo lường bởi chu kỳ vốn lưu động với 3 thành phần là thời gian luân chuyển tồn kho, thời gian thu tiền bán hàng và thời gian trả tiền mua hàng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Chương 2 đã khảo lược 4 lý thuyết nhằm giải thích tác động của quản trị vốn lưu động đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, bao gồm: lý thuyết chu kỳ vốn lưu động, lý thuyết về dòng tiền hoạt động kinh doanh, lý thuyết dựa vào giá trị và lý thuyết chi phí giao dịch.
Ngoài ra, chương 2 đã thực hiện khảo lược 8 nghiên cứu thực nghiệm ở nước ngoài và 6 nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam, từ đó, chương này đã thảo luận nhằm khẵng định khoảng trống nghiên cứu về tác động của quản trị vốn lưu động đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết tại Việt Nam, đồng thời định hướng mô hình nghiên cứu sẽ được thiết kế và sử dụng tại các chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3. MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU