Hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật là việc chung sống không đăng ký kết hôn của nam nữ, vi phạm các quy định cấm của pháp luật. Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Luật HN và GĐ 2014, dạng hành vi này có thể bao gồm các trường hợp sau: - Trường hợp thứ nhất: nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng rơi vào trường hợp vi phạm những quy định của pháp luật về tảo hôn. Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật HN và GĐ 2014: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn…”. Theo cách giải thích này, tảo hôn không chỉ là việc nam, nữ kết hôn trước tuổi luật định mà còn bao gồm cả trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước tuổi luật định. Trên thực tế, tình trạng tảo hôn dưới dạng nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước tuổi luật định diễn ra phổ biến hơn rất nhiều so với việc nam, nữ kết hôn trước tuổi luật định, bởi lẽ công tác quản lý hộ tịch hiện nay rất chặt chẽ nên việc kết hôn trước tuổi luật định chỉ có thể xảy ra đối với trường hợp giả mạo hồ sơ, giấy tờ. Việc nam, nữ chung sống như vợ chồng trước tuổi luật định đã kéo theo rất nhiều hệ luỵ xấu, đặt các “cặp đôi nhí” và gia đình của họ trong bi kịch luẩn quẩn của bệnh tật, đói nghèo.
Pháp luật đã đưa ra những chế tài nhằm hạn chế tình trạng trên. Theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP), đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; còn đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Pháp luật hình sự cũng quy định về Tội tổ chức tảo hôn tại Điều 183: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”. Các chế tài áp dụng để ngăn chặn tình trạng tảo hôn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả và đòi hỏi cần có những biện pháp giải quyết thoả đáng để quy định về độ tuổi kết hôn có tính thực thi.
34
- Trường hợp thứ hai: nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà một bên hoặc cả hai bên đang có vợ, có chồng. Theo luật định, người đang có vợ, có chồng là người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về HN và GĐ nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ chồng của họ chết hoặc vợ chồng của họ không bị tuyên bố là đã chết; người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ chồng của họ chết hoặc vợ chồng của họ không bị tuyên bố là đã chết; người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HN và GĐ nhưng đã được Toà án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ chồng của họ chết hoặc vợ chồng của họ không bị tuyên bố là đã chết. Pháp luật nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ bởi vì “bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ…cho nên hôn nhân dựa trên tình yêu giữa nam và nữ do ngay bản chất của nó, là hôn nhân một vợ một chồng”32. Đảm bảo hôn nhân một vợ, một chồng là cơ sở để tạo dựng những cuộc hôn nhân tiến bộ và bền vững, góp phần xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc.
Để răn đe những trường hợp vi phạm trên, khoản 1 và khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm pháp lý đối với những người chung sống với người đang có vợ hoặc chồng, hoặc người đã có vợ hoặc chồng mà chung sống với người khác thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài việc phải chịu phạt hành chính, người đã có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Tuy nhiên cần phải lưu ý trường hợp những cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ, lấy chồng ở miền Bắc. Đây là trường hợp đặc biệt được giải quyết theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác. Phương hướng chung của Thông tư xác định do tác động của hậu quả chiến tranh, đất nước bị chia cắt, sinh ra nhiều hoàn cảnh gia đình phức tạp nên việc vận dụng các nguyên tắc của Luật HN
32 Ăngghen (1995), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và Nhà nước, Các Mác – Ph. Ăngghen toàn
35
và GĐ cần phải được áp dụng linh hoạt, tránh máy móc để có thể giải quyết những trường hợp này một cách thấu tình đạt lý. Chính vì vậy, trường hợp chung sống này khi thoả mãn các điều kiện luật định khác sẽ không bị coi là trái pháp luật.
- Trường hợp thứ ba: nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng rơi vào các trường hợp cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trong trường hợp này thuộc trường hợp bị cấm theo điểm d khoản 2 Điều 5 Luật HN và GĐ 2014 bởi vì việc chung sống như vợ chồng đối với các quan hệ này đi ngược lại với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đồng thời, việc chung sống giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời còn kéo theo những hệ luỵ xấu về giống nòi. Chính vì vậy, để bảo vệ văn hoá đạo đức cũng như ngăn chặn những hậu quả xấu do những trường hợp chung sống như vợ chồng của những quan hệ trên gây ra, Luật HN và GĐ 2014 đã có quy định cấm và các pháp luật khác cũng có những chế tài xử lý. Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đối với hành vi chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời và hành vi chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài trách nhiệm hành chính, nếu việc chung sống như vợ chồng giữa nam, nữ có hành vi giao cấu với nhau, mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì sẽ cấu thành Tội loạn luân được quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 và sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.