Từ việc phân tích về thực trạng, nguyên nhân và những quy định của pháp luật cũng như đánh giá hoạt động xét xử của Toà án, xét thấy việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là một hiện tượng xã hội phức tạp,
56
vì thế việc hoàn thiện khung pháp lý bằng những dự liệu cụ thể và toàn diện hơn là cần thiết để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về giải quyết hậu quả của tình trạng trên, đảm bảo hiệu quả điều chỉnh của pháp luật trong thực tế.
- Thứ nhất, cần xây dựng khái niệm “chung sống như vợ chồng” khái quát và thể hiện được những đặc điểm của quan hệ này so với các quan hệ khác. Khái niệm được quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật HN và GĐ 2014: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”, ghi nhận một trong hai điều kiện của việc chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ “tổ chức cuộc sống chung” và “coi nhau là vợ chồng”. Với một khái niệm mang tính chất khái quát thì hai điều kiện này cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết để làm rõ, đặc biệt là đưa ra được dấu hiệu để nhận biết như thế nào được xem là nam, nữ “coi nhau là vợ chồng”, tránh trường hợp các bên chỉ dựa vào câu chữ để muốn xác định hay từ chối quan hệ chung sống như vợ chồng giữa họ. Xây dựng được một khái niệm chính xác là cơ sở để hoàn thiện các điều luật chi tiết hơn. Chính vì vậy, tác giả cho rằng việc nam nữ “coi nhau là vợ chồng” phải được thể hiện bằng một trong các dấu hiệu của cuộc sống vợ chồng như: công khai việc chung sống, có con chung với nhau hay tạo lập tài sản chung. Hướng dẫn cụ thể như vậy sẽ giúp nhận diện được các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, không tạo ra khoảng trống, ảnh hưởng đến các quy định liên quan và nhận thức của con người.
- Thứ hai, cần phải quy định cụ thể về việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, bao gồm một số kiến nghị sau:
+ Có quy định hướng dẫn với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật HN và GĐ 2014, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng có đủ điều kiện kết hôn thực hiện việc đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn, đây là nguyên tắc chung trong việc xác định thời điểm quan hệ của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trở thành quan hệ hôn nhân hợp pháp. Từ đó, sẽ xác định được cơ sở pháp lý nào sẽ tham gia điều chỉnh quan hệ giữa họ. Riêng các trường hợp ngoại lệ được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 thì điều khoản chuyển tiếp trong Luật HN và GĐ 2014 tại khoản 1 Điều 131 đã dự liệu hướng giải quyết cho trường hợp này như sau: “Quan hệ hôn
57
nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.
Liên kết các quy định trên của pháp luật cho thấy, đối với các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì việc áp dụng theo tinh thần của điều khoản chuyển tiếp có thể sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Bởi vì qua quy định tại điều khoản chuyển tiếp, pháp luật vẫn công nhận quan hệ hôn nhân thực tế được xác lập trước ngày 03/01/1987. Nhưng Luật HN và GĐ 2014 lại chỉ quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Điều khoản chuyển tiếp tuy đã tạo ra đường lối giải quyết cho các trường hợp ngoại lệ nhưng chưa thể hiện rõ nội dung áp dụng pháp luật về vấn đề này. Bên cạnh đó, dựa trên nguyên tắc chung của các Luật HN và GĐ, pháp luật chỉ thừa nhận quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 khi quan hệ đó đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, để tạo ra một khung pháp lý chung, thống nhất nhằm ngăn chặn tình trạng chung sống như vợ chồng vi phạm các điều kiện kết hôn. Thực tiễn xét xử cũng cho thấy rằng, nguyên tắc trên cũng được Tòa án áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, quy định của pháp luật vẫn chưa ghi nhận việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trước ngày 03/01/1987 muốn được công nhận là quan hệ vợ chồng phải thỏa mãn “đủ điều kiện kết hôn”. Chính vì vậy, quan điểm của tác giả cho rằng, đối với trường hợp trên cần phải có hướng dẫn áp dụng pháp luật cụ thể hơn, theo hướng linh hoạt như tinh thần của các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật HN và GĐ 2000 trước đây và có sự bổ sung về điều kiện đối với việc xác lập quan hệ hôn nhân không đăng ký kết hôn trước ngày 03/01/1987 theo hướng như sau: trường hợp chung sống trước ngày 03/01/1987 tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ được thừa nhận; trường hợp chung sống từ sau ngày 03/01/1987 chưa đăng ký kết hôn nếu tuân thủ điều kiện kết hôn, thực hiện việc đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Hướng dẫn này sẽ tạo ra sự rõ ràng, đưa quan hệ nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật HN và GĐ, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ thực tiễn đối với trường hợp này.
+ Luật HN và GĐ 2014 quy định gộp chung các trường hợp cấm chung sống như vợ chồng với các quy định cấm kết hôn tại khoản 2 Điều 5, rất dễ gây nhầm lẫn và khó theo dõi. Để thuận tiện cho việc thi hành, áp dụng pháp luật, các văn bản
58
hướng dẫn thi hành Luật HN và GĐ 2014 cần chỉ rõ các hành vi bị cấm đối với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo đó, các hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật bao gồm: (i) chung sống như vợ chồng trước tuổi luật định; (ii) người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hay người chưa có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; (iii) chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Thứ ba, khi giải quyết quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản của các bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, pháp luật cần có những điều chỉnh cụ thể hơn.
+ Về quan hệ nhân thân:
Quy định pháp luật điều chỉnh việc giải quyết cho quan hệ này có thể thấy là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của lý luận và thực tiễn.
Riêng đối với quyền yêu cầu giải quyết việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, hướng dẫn của TTLT số 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP cần có sự mở rộng về chủ thể yêu cầu trong trường hợp nam, nữ chung sống trái pháp luật so với trường hợp không trái pháp luật. Việc ghi nhận hai bên nam, nữ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ nhân thân giữa họ là điều cần thiết, vì ngoài trường hợp các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt cuộc sống chung, sẽ có trường hợp nam, nữ không thỏa thuận được nên yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc họ mong muốn được chấm dứt quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng bằng bản ản, quyết định có hiệu lực. Tuy nhiên, đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau trái pháp luật, thông thường chỉ trong trường hợp phát sinh những tranh chấp về tài sản, nợ chung, con chung thì hai bên trong quan hệ đó mới có yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ nhân thân cùng với quan hệ tài sản và con chung. Còn trên thực tế việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trái pháp luật, sẽ rất khó để tự bản thân họ yêu cầu xử lý mối quan hệ của chính mình. Xét thấy hành vi chung sống trên là trái pháp luật, có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác có liên quan, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống HN và GĐ. Do đó, cần bổ sung quy định về quyền yêu cầu trong Luật HN và GĐ 2014 và mở
59
rộng chủ thể có quyền yêu cầu trong các quan hệ để có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Thiết nghĩ việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật có những đặc điểm tương đồng với việc kết hôn trái pháp luật. Chính vì vậy, trên cơ sở của Điều 10 Luật HN và GĐ 2014 quy định người có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật thì chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau trái pháp luật cũng có thể bao gồm: vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; cha, me, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người chung sống như vợ chồng; Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ. Quy định này sẽ là cơ sở để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn về việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật của các cặp đôi nam – nữ, góp phần phát hiện và ngăn chặn những trường hợp chung sống vi phạm pháp luật, tránh những hậu quả xấu phát sinh trong những trường hợp này
+ Về quan hệ tài sản:
Quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật HN và GĐ 2014 thể hiện nguyên tắc ưu tiên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em khi giải quyết hậu quả pháp lý đối với các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Vì mang tính nguyên tắc mà chưa có hướng dẫn chi tiết nên việc áp dụng vẫn chưa phát huy được hết giá trị mà quy định này mang lại. Quá trình chung sống của nam, nữ sẽ có những phân công về vai trò của cả hai trong công việc đảm nhận thu nhập chính và việc nội trợ, chăm sóc con cái, gia đình. Việc bảo vệ quyền lợi cho người chịu trách nhiệm về công việc nội trợ trong gia đình là điều cần thiết vì họ tuy không trực tiếp tạo lập tài sản nhưng lại đóng góp rất nhiều để ổn định cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, những hướng dẫn cụ thể như thế nào được coi là “lao động có thu nhập”, căn cứ và mức tính thu nhập của người làm công việc nội trợ ra sao là rất quan trọng. Bên cạnh đó, quy định mang tính chất tuỳ nghi tại khoản 2 Điều 16 Luật HN và GĐ 2014 “công việc khác có liên quan” cũng cần có văn bản hướng dẫn thi hành bao gồm những công việc như thế nào, để quy định mang tính thực thi cao hơn. Đối với việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết, luật quy định “giải quyết theo thoả thuận của các bên”, nhưng thoả thuận đó được ghi nhận dưới hình thức nào, thoả thuận miệng hay thoả thuận bằng văn bản thì Luật HN và GĐ 2014 không đề cập, áp dụng quy định của BLDS 2015 thì các bên có thể thoả thuận miệng, nhưng
60
trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì lại rất khó để có thể chứng minh. Chính vì vậy, quan điểm của tác giả cần quy định hình thức của thoả thuận giữa các bên là thoả thuận bằng văn bản, bổ sung thêm một số điều kiện như người làm chứng, công chứng, chứng thực để nâng cao giá trị của thoả thuận, tạo cơ sở ràng buộc trách nhiệm của các bên cũng như là một trong những minh chứng để Toà án có thể sử dụng trong trường hợp giải quyết tranh chấp phát sinh sau thoả thuận đó.
Luật HN và GĐ 2014 đã dành ba điều luật quy định về việc nam nữ chung sống không đăng ký kết hôn. Có thể thấy, những quy định này thể hiện một bước triển mới trong việc hoàn thiện pháp luật đối với vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Về cơ bản Luật HN và GĐ 2014 đã đáp ứng được việc điều chỉnh pháp luật đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, từ góc độ lý luận và thực tiễn, trên đây là một vài khía cạnh chưa được hoàn thiện mà tác giả chỉ ra và có những kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
* Kết luận Chương 2
Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không được pháp luật công nhận tồn tại dưới hai dạng cơ bản: chung sống như vợ chồng không trái pháp luật và chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Luật HN và GĐ năm 2014 đã có những dự liệu trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Qua việc phân tích đánh giá các quy định cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật nhận thấy còn có những hạn chế nhất định, tác giả đưa ra một số kiến nghị bổ sung, điều chỉnh để góp phần hoàn thiện hơn khung pháp lý cho việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:
- Trên cơ sở quy định của Luật HN và GĐ năm 2014, cần có văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết để làm rõ khái niệm “chung sống như vợ chồng”, quy định các trường hợp bị cấm chung sống với nhau như vợ chồng và giải thích được những quy định mang tính chất tùy nghi như “công việc khác có liên quan” để nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ trong quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng được thực thi tốt hơn trên thực tiễn.
- Bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc giải quyết các hậu quả pháp lý của vấn đề nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; các quy định giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ nhân
61
thân và tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn cần có sự phân biệt giữa hành vi chung sống không trái pháp luật với hành vi chung sống trái pháp luật.
- Giải quyết những vướng mắc đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn được pháp luật công nhận là vợ, chồng.