2.3.1.1. Thực tiễn xét xử khi các bên không phát sinh tranh chấp
Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, trong trường hợp không có tranh chấp xảy ra nhưng cả hai không muốn tiếp tục chung sống với nhau, pháp luật quy định việc ưu tiên cho họ tự thỏa thuận về những vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, khi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn muốn chấm dứt quan hệ trên, họ có thể tự thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt cuộc sống chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ giữa họ bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Thực tiễn xét xử cho thấy rằng, trong trường hợp các bên nam, nữ trong quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn không có tranh chấp về tài sản, nợ chung và con chung, yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ nhân thân giữa họ, thì pháp luật sẽ xem xét thời điểm xác lập quan hệ chung sống như vợ chồng của hai bên để ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng hay giải quyết ly hôn nếu việc chung sống không đăng ký kết hôn trên thuộc
41 Cao Vũ Minh, Trương Tư Phước (2014), “Hoàn thiện các quy định về chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn theo tinh thần của Luật hôn nhân gia đình năm 2014”, Tạp chí Nghề luật, Số 6, tr. 43.
47
trường hợp ngoại lệ được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp. Sau đây là những ví dụ trong thực tiễn xét xử liên quan đến vấn đề này:
Ví dụ 1: Theo Bản án số 35/2020/HNGĐ-ST ngày 25/9/2020 của Toà án nhân dân Huyện TK, tỉnh CB giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị Lý Thị N và anh Lý Văn N. Hai anh chị lập gia đình có tổ chức cưới hỏi theo phong tục tập quán từ năm 2015 nhưng chưa đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống nhận thấy không còn tình cảm nên chị Lý Thị N đã yêu cầu Toà án không công nhận quan hệ vợ chồng với anh Lý Văn N. Anh Lý Văn N nhất trí với ý kiến trên của chị. Cả hai chưa có con chung cũng như đã tự thoả thuận với nhau về vấn đề tài sản nên không yêu cầu Toà án giải quyết. Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận đơn yêu cầu của chị Lý Thị N, quyết định: Không công nhận quan hệ giữa chị Lý Thị N và anh Lý Văn N là vợ chồng. Về con chung do hai anh chị chưa có con chung nên không đặt vấn đề con chung để giải quyết. Về tài sản chung, nợ chung đã được chị N và anh N thoả thuận với nhau và đều không yêu cầu giải quyết nên Toà án không xem xét43. Ví dụ 2: Bản án số 07/2020/HNGĐ-ST ngày 12/5/2020 của Toà án nhân dân huyện TB, tỉnh AG giải quyết vụ việc xin ly hôn giữa bà Lương Thị Tuyết H và ông Đoàn Quốc T. Bà H và ông T được gia đình tổ chức lễ cưới vào năm 2011, nhưng chưa đăng ký kết hôn. Cuộc sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên từ tháng 11/2012, cả hai ly thân và không còn sống chung với nhau nữa. Bà H yêu cầu được ly hôn với ông T, ông T đồng ý. Về con chung cả hai đã tự thoả thuận với nhau về quyền yêu cầu nuôi con, cấp dưỡng. Về tài sản chung, cả hai đều không yêu cầu Toà án giải quyết. HĐXX xét thấy không có cơ sở giải quyết ly hôn theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bà H và ông T. Về con chung, cả hai đã thoả thuận được với nhau nên Toà án công nhận sự thoả thuận này. Về tài sản chung không yêu cầu Toà án giải quyết nên Toà án không xem xét44.
Ví dụ 3: Bản án số 86/2020/HNGĐ-ST ngày 07/9/2020 của Toà án nhân dân huyện CĐ, tỉnh LA giải quyết yêu cầu ly hôn của bà Phạm Thị R với ông Hà Văn H. Bà R và ông H cưới nhau từ năm 1968 nhưng không đăng ký kết hôn. Chung sống tự nguyện với nhau trong một khoảng thời gian ngắn thì đến năm 1969, ông bà không còn sống chung cho đến nay và cả hai đều có cuộc sống riêng. Bà R nộp đơn khởi
43 Phụ lục 3.
48
kiện yêu cầu ly hôn với ông H, ông H cũng đồng ý ly hôn. Cả hai có 01 con chung sinh năm 1969, hiện nay đã trưởng thành. Cả hai không có tài sản chung, nợ chung. Qua lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn cũng như các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định rằng: “bà R và ông H chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 là hôn nhân thực tế và hợp pháp. HĐXX xét thấy trong thời gian chung sống bà R, ông H không tìm ra được giải pháp để khắc phục mâu thuẫn vợ chồng và ông, bà đã không còn sống chung với nhau từ năm 1969 cho đến nay, từ đó cho thấy bà R, ông H đã vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ vợ chồng nên đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Do đó, căn cứ Điều 56 Luật HN và GĐ 2014, HĐXX chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Phạm Thị R đối với ông Hà Văn H”. Về con chung, ông bà có 01 người con chung hiện nay đã trưởng thành và không thuộc trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định nên HĐXX không xem xét. Về tài sản chung, nợ chung, cả hai đều xác định không có tài sản chung, không có nợ chung nên HĐXX không xem xét45.
Điểm chung của cả ba bản án trên là các bên đều không có tranh chấp về quan hệ con chung và quan hệ tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng mà chỉ yêu cầu Toà án giải quyết quan hệ nhân thân: mong muốn được chấm dứt quan hệ chung sống giữa vợ chồng với nhau. Điểm khác nhau là yêu cầu của nguyên đơn trong bản án đầu tiên là yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, trong khi đó yêu cầu của nguyên đơn trong hai bản án tiếp theo là yêu cầu xin ly hôn. Xét thấy trong hai bản án đầu tiên, mặc dù yêu cầu của nguyên đơn không giống nhau, nhưng Toà án vẫn thụ lý và giải quyết yêu cầu, đồng thời tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng trong cả hai trường hợp là hợp lý. Rõ ràng, quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 2 Điều 53 Luật HN và GĐ 2014 đã tạo ra khung pháp lý cho việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất trong thực tiễn xét xử. Sự khác nhau trong yêu cầu của đương sự trong cả hai bản án trên không khác nhau về mặt bản chất. Xuất phát từ việc chung sống với nhau như vợ chồng trên cơ sở tự nguyện nhưng không đăng ký kết hôn, trong quá trình chung sống phát sinh những mâu thuẫn nên các bên mong muốn chấm dứt quan hệ chung sống đó thông qua bản án, quyết định của Toà án. Mặc dù yêu cầu ly hôn chỉ đúng trong trường hợp quan hệ giữa hai bên nam, nữ là vợ chồng hợp pháp nhưng yêu cầu ly hôn trong trường hợp tại ví dụ 2, trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật HN
49
và GĐ vẫn được Toà án xem xét giải quyết. Đây là quy định được tiếp thu theo Luật HN và GĐ 200046, có định hướng rõ ràng và cơ chế giải quyết linh hoạt trong việc xử lý quan hệ nhân thân khi một trong các bên nam, nữ chung sống như vợ chồng có yêu cầu ly hôn, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong công tác xét xử của hệ thống Toà án trong vấn đề nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn nói riêng và lĩnh vực HN và GĐ nói chung.
Khác với hai bản án trong ví dụ thứ nhất và thứ hai, bản án trong ví dụ thứ ba liên quan đến trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trước ngày 03/01/1987. HĐXX xét thấy việc chung sống như vợ chồng giữa bà R và ông H diễn ra trước 03/01/1987 nên công nhận quan hệ hôn nhân của hai ông bà là hợp pháp. Chính vì vậy, khi bà R có yêu cầu ly hôn, Toà án đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp quan hệ giữa nam, nữ bắt đầu chung sống từ trước ngày 03/01/1987 chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó có cuộc sống và gia đình riêng thì một trong các bên quay trở về yêu cầu giải quyết ly hôn với người còn lại. Đối với hướng giải quyết của Toà án, so sánh với các quy định của pháp luật, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định: “người chung sống với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn” mới được công nhận là vợ chồng. Mặc dù Luật HN và GĐ 2014 và TTLT số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP ra đời sau đó không đề cập đến vấn đề này nhưng rõ ràng điều kiện “đang chung sống như vợ chồng” đã được đặt ra kể từ khi khái niệm hôn nhân thực tế được thừa nhận. Tuy trong trường hợp này không có tranh chấp về con chung và tài sản nhưng việc xác định đúng sự tồn tại của quan hệ hôn nhân khi nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc phân chia tài sản trong thời kỳ chung sống nếu như trong trường hợp các bên có xảy ra tranh chấp.
2.3.1.2. Thực tiễn xét xử trong việc phân chia tài sản chung, nợ chung
* Phân chia tài sản chung
Việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thường phát sinh những tranh chấp liên quan đến tài sản. Việc xác định tài sản đang tranh chấp là tài sản riêng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng hay là tài sản chung được tạo lập trong thời kì chung sống với nhau xuất hiện rất nhiều trong
50
các vụ án giải quyết tranh chấp về tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Ví dụ47 trường hợp của anh C và chị T chung sống với nhau như vợ chồng từ tháng 6/2014, chỉ tổ chức lễ cưới và không đăng ký kết hôn. Sau một thời gian chung sống, cả hai phát sinh mâu thuẫn và nhận thấy tình cảm không còn, anh C khởi kiện yêu cầu Toà án cho anh ly hôn với chị T. Chị T thừa nhận có chung sống với anh T vào năm 2014 nhưng chị không xem đó là chung sống như vợ chồng. Đối với yêu cầu này của anh C, Bản án dân sự sơ thẩm số 81/2018/HNGĐ-ST ngày 04 tháng 9 năm 2018, của Tòa án nhân dân huyện CT, tỉnh TN đã quyết định không công nhận anh C và chị T là vợ chồng. Vấn đề về con chung, nợ chung không có nên Toà án không xem xét giải quyết. Vấn đề phức tạp nhất trong vụ án này chính là tranh chấp về tài sản giữa anh C và chị T.
Anh C cho rằng trong thời gian chung sống, anh và chị T tạo lập được 04 phần đất, ngoài ra còn xây dựng 02 hồ bơi, nhà mát, căn tin bán nước, 02 máy lọc nước, làm nền. Anh khởi kiện yêu cầu được chia đôi giá trị của tất cả các tài sản chung trên. Chị T không đồng ý với yêu cầu của anh C, chị cho rằng tất cả tài sản hiện nay anh C đang tranh chấp với chị đều là tài sản riêng của chị, anh C không có liên quan. Qua lời khai của anh C, chị T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, Toà án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh C đối với tài sản đang tranh chấp.
Anh C kháng cáo và yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh. HĐXX phúc thẩm xét thấy rằng, đối với các diện tích đất tranh chấp, anh T khai rằng mình đều có tham gia chuyển nhượng và anh có đóng góp tiền trong đó nhưng vì không biết chữ nên các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đều do một mình chị T đứng tên. Tuy nhiên, ngoài lời khai này anh không cung cấp được những chứng cứ để chứng minh. Trong khi đó, lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như chị T đều xác nhận rằng chỉ có chị T và những người trên trực tiếp tham gia chuyển nhượng, không có nội dung nào liên quan đến anh C. Hồ sơ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất đều do chị T đi đăng ký kê khai và ký tên, không có anh C. Các GCNQSDĐ đối với các diện tích đất tranh chấp đều được cấp cho chị T. Chính vì vậy, HĐXX nhận định rằng
ngoài lời trình bày của mình, anh C kháng cáo, nhưng không cung cấp được căn cứ
51
chứng minh nguồn gốc tài sản trên của anh đóng góp, cùng nhau tạo lập nên với chị T. Các tài sản anh C tranh chấp với chị T anh C cũng không được xác lập quyền cùng sở hữu chung với chị T […]. Do đó, không có căn cứ xác định các phần đất này là tài sản chung của anh C và chị T; có căn cứ xác định các phần đất này là tài sản riêng của chị T.
Phân tích tình huống cho thấy rằng, trong trường hợp có tranh chấp về tài sản giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, Toà án dựa trên các tài liệu, chứng cứ cùng với tính logic, hợp lý của các lời khai và các tình tiết diễn ra trên thực tế để xác định được tính chất, nguồn gốc của tài sản. Hướng giải quyết của hai cấp Toà án trong vụ việc này là hợp lý. Tuy nhiên, đây là trường hợp có sự thống nhất trong lời khai của các đương sự với những chứng cứ, tài liệu (giấy tờ xác nhận) nên sẽ dễ dàng hơn cho các cấp Toà án trong việc xác định để phân chia tài sản. Nhưng nếu trong trường hợp lời khai của các đương sự có sự mâu thuẫn nhất định đối với các tài liệu, chứng cứ hoặc không có đủ cơ sở minh chứng cho lời khai của các bên thì sẽ rất khó khăn cho các Toà án trong việc giải quyết, đồng thời cũng có thể dẫn đến những quan điểm xử lý khác nhau, rất khó để xác định được tính chính xác của vấn đề.
Việc phân chia tài sản giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 16 Luật HN và GĐ 2014 quy định: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”. Thực tiễn xét xử cho thấy rằng, hiện nay Toà án khi xem xét giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa nam, nữ cũng rất chú ý đến nguyên tắc này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ.
Ví dụ48 như trong trường hợp của bà H và ông M, hai người chung sống với nhau vào năm 2000, không đăng ký kết hôn. Về quan hệ nhân thân, xét thấy các bên đã có sự thống nhất trong yêu cầu nên Toà án đã không công nhận quan hệ vợ chồng