Thực tiễn và nguyên nhân của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng

Một phần của tài liệu Giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (Trang 26 - 28)

1.2.2. Thực tiễn và nguyên nhân của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn chồng mà không đăng ký kết hôn

Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao, tổng số bản án xin ly hôn mà Toà án không công nhận là vợ chồng từ 01/10/2010 – 30/9/2016 là 3.245. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật HN và GĐ 2000 của Bộ Tư pháp về công tác hộ tịch trong bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn trước thời điểm Luật HN và GĐ 2014 có hiệu lực, trong năm 2016, hầu hết các tỉnh/thành phố trong toàn quốc đã tổ chức rà soát, lập danh sách những trường hợp hôn nhân thực tế tại địa phương, phân loại theo hai đối tượng trước và sau ngày 03/01/1987. Tính đến ngày 31/12/2016, theo báo cáo của 56 tỉnh/thành phố, tổng cộng 925.753 trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ sau 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 (các đối tượng có nghĩa vụ đăng ký kết hôn theo Điểm b, Mục 3 của Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10); trong đó các địa phương đã cấp đăng ký kết hôn được 623.489 trường hợp (đạt 68%), còn lại 302.264 trường hợp chưa đăng ký (chiếm 32%). Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán nên tình trạng chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn còn khá phổ biến ở một số địa phương có đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu vùng xa. Theo số liệu thống kê của Ủy ban dân tộc: tỉnh Thanh Hóa năm 2004 có hơn 40.101 chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 nhưng không đăng ký kết hôn (đã đăng ký được 33.728 trường hợp), trong đó có 1.298 trường hợp không đủ điều kiện

21

kết hôn. Tỉnh Cao Bằng từ năm 2001-2012, Tòa án đã thụ lý và giải quyết 371 vụ không công nhận là vợ chồng; Tỉnh Lai Châu từ năm 2009-2011 có 722 trường hợp25. Luật HN và GĐ 2014 ra đời và có hiệu lực, một cơ chế thống nhất và phối hợp với các luật có liên quan, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch liên quan đến việc đăng ký kết hôn của nam nữ cũng có những chuyển biến ngày càng tích cực. Với những điều chỉnh, bổ sung liên quan đến vấn đề pháp lý này, cùng với những tuyên truyền phổ biến về pháp luật, nhận thức về việc đăng ký kết hôn của nam nữ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, điều này lại không đồng nghĩa với việc tỷ lệ nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn đang có xu hướng giảm. Trong xu thế phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn vẫn đang diễn ra rất phổ biến, đặc biệt đang trở thành trào lưu trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này:

- Thứ nhất, do tác động của xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đã tác động đến hàng loạt các lĩnh vực như chính trị, văn hóa, xã hội… Trong sự giao thoa văn hoá, sự ảnh hưởng của lối sống phương Tây như “sống thử”, “sống buông thả” tất yếu cũng sẽ xâm nhập vào cuộc sống xã hội của nước ta. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin với những website hẹn hò, tìm người yêu qua mạng, chat online ... đã tạo điều kiện cho nam nữ tiếp cận với nhau nhanh hơn, cộng với xu hướng tự do cá nhân, không muốn bị bố mẹ can thiệp vào cuộc sống đã khiến cho một lượng lớn thanh niên tiếp cận và chấp nhận “hôn nhân thử”.

- Thứ hai là do ảnh hưởng của phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo về kết hôn ở các địa phương khác nhau cũng như trình độ dân trí không đồng đều giữa các địa phương nên mặc dù công tác giáo dục, tuyên truyền vẫn được diễn ra hàng ngày trên thực tế, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn chưa nhận thức được hết vai trò, ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn cũng như hậu quả pháp lý của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

- Thứ ba là do xuất phát từ yếu tố tâm lý chủ quan của hai bên nam, nữ. Có thể vì quá tin tưởng nhau nên cả hai không xem trọng việc đăng ký kết hôn hoặc xuất phát từ sự e ngại đối với những người đã từng trải qua cuộc sống hôn nhân nên họ

25 Lương Thị Hòa, “Chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn: thực trạng, đánh giá và hướng hoàn thiện pháp luật”, http://gopfp.gov.vn/chi-tiet-an-pham/-/chi-tiet/chung-song-nhu-vo-chong-khong- %C4%91ang-ky-ket-hon-%0Athuc-trang-%C4%91anh-gia-va-huong-hoan-thien-phap-luat-8312-3307.html, 04/5/2021.

22

không muốn bị ràng buộc về mặt pháp lý mà chỉ chung sống như vợ chồng dựa trên nhu cầu tình cảm, kinh tế.

Chính vì một số lý do trên, cộng với các quy định của pháp luật còn bất cập trong một số vấn đề và sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa thực sự hiệu quả nên tình trạng nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn vẫn tồn tại trên thực tế với số lượng không ít.

Một phần của tài liệu Giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)