5.2.2.1. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia. Thực tiễn đã chứng minh, trong quá trình phát triển kinh tế rất nhiều quốc gia đã từng đối mặt với lạm phát và những tác động không mong muốn của lạm phát. Nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm kiểm soát lạm phát và kiểm soát lạm phát thành công.
Tốc độ tăng trưởng tiền gửi ngân hàng chịu tác động đầu tiên bởi các nhân tố vĩ mô. Năm 2019, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế suy giảm. Do vậy, Chính phủ cần có những biện pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô đặc biệt là trước tác động của dịch bệnh. Trên
cơ sở đánh giá dự báo kinh tế vĩ mô, NHHH cần điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết tiền tệ hợp lý, đảm bảo thanh khoản hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá và góp phần kiểm soát tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.
5.2.2.2. Tăng cường kiểm tra, giám sát các NHTM
Công tác kiểm tra, giám sát cần được NHNN tăng cường, tập trung vào việc thực hiện phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu; việc cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các TCTD. Trên cơ sở những sai phạm, rủi ro phát hiện qua công tác giám sát, NHNN cần ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo rủi ro về các vấn đề như sở hữu chéo giữa TCTD và cổ đông tại các TCTD; dư nợ cho vay bất động sản tăng cao; nợ xấu cao tại một số TCTD; việc cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (tổng mức cấp tín dụng trên 500 tỷ đồng); hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... Đồng thời, yêu cầu người quản lý, điều hành TCTD phải kịp thời có biện pháp triển khai chấn chỉnh, xử lý các vấn đề tồn tại, rủi ro đã được NHNN cảnh báo; chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh.
Đối với những ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ thì tốc độ tăng trưởng tiền gửi cao hơn. Do vậy, cơ quan quản lý nên xem xét những ngân hàng có quy mô nhỏ có thu hút tiền gửi bằng lãi suất cao không. Nếu đúng như vậy và những ngân hàng nhỏ là những ngân hàng yếu kém thì tiền gửi đang bị chảy vào những kênh kém hiệu quả, lâu dài dẫn đến tình trạng nợ xấu tại ngân hàng. Hiện nay trong tổng số 32 NHTMCP có 6 NHTMCP có vốn điều lệ dưới 3.500 tỷ đồng. Mặc dù số vốn điều lệ này đã đáp ứng số vốn điều lệ tối thiểu theo
Quy định của NHNN tuy nhiên so với các NHTMCP khác thì thấp hơn rất nhiều. Đây cũng là những ngân hàng có quy mô nhỏ và lợi nhuận sau thuế thấp, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu cao.
Các yếu tố về rủi ro của ngân hàng có tác động đến tốc độ tăng trưởng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém là hết sức quan trọng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng tiền gửi. Mặc dù nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu được ban hành và có hiệu lực từ tháng 8/2017 nhưng các chính sách xử lý nợ xấu và quản lý tài sản của các ngân hàng vẫn chưa thật hợp lý nên không đảm bảo được về nguồn vốn và những mục tiêu phát triển trong tương lai. Chính vì thế, NHNN cần khoanh vùng những ngân hàng yếu kém và có hướng xử lý triệt để nhằm đảm bảo khả năng huy động vốn của các ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước cần phân loại, sắp xếp nhằm thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh trang và năng lực tài chính, tạo điều kiện cho các NHTM xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính. Ngoài ra, Chính phủ cần phát triển thị trường mua bán nợ, có cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản đảm bảo, quyền thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản đảm bảo.
5.2.2.3. Xây dựng Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2021-2025
Bên cạnh đó, NHNN cần nghiên cứu xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ, xử lý hiệu quả nợ xấu; góp phần thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo; rà soát chính sách về tín dụng, có giải pháp hạn chế nợ xấu.
NHNN cần thúc đẩy nhanh quá trình niêm yết của tất cả các NHTM để minh bạch hóa tình hình tài chính của các ngân hàng. Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng
đến năm 2025”, được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019, đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, việc bắt buộc các NHTM lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, việc ngân hàng niêm yết trên sàn giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tuy nhiên, trong năm 2019 không có thêm ngân hàng nào niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó, NHNN cần triển khai thực hiện quy định về an toàn theo chuẩn mực quốc tế và yêu cầu của Basel II. NHNN cần triển khai đồng bộ các giải pháp, ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý hướng dẫn cho các NHTM thực hiện với lộ trình phù hợp để triển khai cả ba Trụ cột của Basel II.
5.2.2.4. Xây dựng và triển khai chương trình giáo dục tài chính cộng đồng
Chính phủ và NHNN cần xây dựng và triển khai chương trình giáo dục tài chính cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết và niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính của các tầng lớp dân cư, duy trì ổn định hệ thống, ngăn ngừa việc rút tiền hàng loạt, đặc biệt là trong điều kiện hệ thống ngân hàng và nền kinh tế gặp khó khăn.
Người gửi tiền tin tưởng vào các nguồn thông tin chính thức có xu hướng rút tiền ít hơn. Do vậy, thị trường tài chính biến động, cơ quan quản lý cần tập trung cung cấp và kiểm soát thông tin trên các kênh chính thức.
Với những đặc điểm khác nhau giữa trình độ học vấn, giới tính, lứa tuổi, NHNN cần xây dựng chính sách, định hướng khác nhau cho từng đối tượng khi có những biến động bất lợi về tiền gửi. Giáo dục tài chính là một quá trình trong đó cá nhân và doanh nghiệp tăng cường hiểu biết của mình về các khái niệm và sản phẩm tài chính, thông qua việc tiếp nhận thông tin, hướng dẫn, tư vấn để phát triển các kỹ năng, nhận thức rõ hơn các rủi ro và cơ hội tài chính qua đó đưa ra các quyết định xác thực, biết cách tìm kiếm hỗ trợ ở đâu và hành động một cách hiệu quả để cải thiện tình hình tài chính của mình (OECD, 2015).
Giáo dục tài chính đóng góp vào sự phát triển của hệ thống tài chính và thị trường tài chính, cũng như thúc đẩy sự cạnh tranh minh bạch giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Ở các quốc gia, phát triển giáo dục tài chính được coi là phương thức bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả và là công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho các chính sách điều hành, gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện (Nguyễn Thị Hương Thanh, 2017). Vì vậy, Nhà nước cần có những chương trình giáo dục tài chính cho người dân để góp phần tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân đồng thời bảo vệ người gửi tiền.
Hiện nay, số lượng người gửi tiền biết về BHTG vẫn chưa nhiều. Do vậy, Chính Phủ và NHNN cần triển khai phổ biến kiến thức tài chính và bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền. NHNN cũng như BHTG Việt Nam cần thường xuyên tổ chức triển khai hướng dẫn về chính sách BHTG cũng như những kiến thức tài chính cơ bản cho người gửi tiền ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. BHTG Việt Nam cần thực hiện tuyên truyền chính sách một cách phù hợp với các đối tượng công chúng khác nhau.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét, trình các cấp có thẩm quyền về chính sách BHTG và vai trò của BHTGVN nhằm giảm các tác động bất lợi lớn của hành vi người gửi tiền.