Đối tượng, nội dung, phạm vi ủy quyền

Một phần của tài liệu Ủy quyền trong vụ án dân sự theo bộ luật tố tụng dân sự việt nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 44 - 48)

1.3.1 Đối tượng

Bản chất của ủy quyền nói chung và ủy quyền trong vụ án dân sự nói riêng là một giao dịch dân sự, người được ủy quyền nhân danh người ủy quyền thực hiện công việc mà lẽ ra công việc đó do người ủy quyền thực hiện. Do đó, đối tượng ủy quyền là công việc phải thực hiện chứ không phải là tài sản. Trong vụ án dân sự cũng vậy, người đại diện sẽ thực hiện những công việc liên quan đến tố tụng dân sự mà bên ủy quyền đã ủy quyền cho họ theo thỏa thuận trong văn bản ủy quyền.

Tuy nhiên, công việc này chỉ được ủy quyền khi pháp luật không cấm. Theo khoản 4 Điều 85 BLTTDS năm 2015 thì đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Thông thường trong vụ án ly hôn có 3 vấn đề cùng giải quyết đó là tình cảm vợ chồng; con chung của hai người; tài sản bao gồm nợ chung, tài sản chung (nếu có). Trong đó, về tình cảm vợ chồng không thể ủy quyền cho người khác giải quyết được (vì đây là quyền nhân thân của vợ chồng). Do đó, pháp luật không cho phép người đại diện nhân danh người khác tham gia vào giải quyết việc ly hôn. Đối với vấn đề về con chung, tài sản, nghĩa vụ về tài sản trong hôn nhân gia đình thì đương sự có thể ủy quyền bởi việc ủy quyền trên không ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án về vấn đề đó.

Ngoài ra, sự tồn tại của đối tượng ủy quyền có mối liên hệ mật thiết đến chủ thể ủy quyền. Một khi chủ thể ủy quyền chết, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi

dân sự thì đối tượng ủy quyền sẽ không còn nữa, khi đó việc ủy quyền sẽ chấm dứt.49

1.3.2 Nội dung và phạm vi ủy quyền trong tố tụng dân sự

Có thể nói phạm vi ủy quyền là một mối quan hệ pháp lý tồn tại nội tại bên trong của quan hệ ủy quyền, do đó không có giá trị ràng buộc bên thứ ba, hay nói cách khác nó chỉ có giá trị ràng buộc giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Một trong những căn cứ để xác định phạm vi đại diện theo BLDS năm 2015 đó là nội dung ủy quyền (điểm c khoản 1 Điều 141 BLDS năm 2015). Trong chế định ủy quyền, về nguyên tắc thì người được ủy quyền chỉ được phép thực hiện những công việc đã ghi nhận trong nội dung thỏa thuận của văn bản ủy quyền. Hay nói cách khác nội dung của văn bản ủy quyền sẽ chứa đựng những công việc mà

người đại diện theo ủy quyền được phép thực hiện, người đại diện không được vượt quá những quyền hạn này. Đây là quy định thể hiện cụ thể tính tự do, tự nguyện thỏa thuận giao kết hợp đồng giữa các chủ thể trong quan hệ dân sự với nhau. Nội dung ủy quyền chỉ cần không trái đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm thì sẽ phát sinh hiệu lực, bên đại diện sẽ thực hiện công việc cho bên được đại diện.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong tố tụng nội dung ủy quyền vẫn sẽ bị giới hạn ở phạm vi những công việc được pháp luật tố tụng quy định trực tiếp trong luật (ví dụ: nộp đơn khởi kiện, nộp đơn kháng cáo, tham gia phiên tòa xét xử,...).

Có thể thấy, trong văn bản ủy quyền cho dù được thể hiện dưới hình thức “Hợp đồng ủy quyền” hay “Giấy ủy quyền” đi chăng nữa thì nội dung ủy quyền là nội dung chính và không thể thiếu. Trên thực tế, khi tiếp cận các văn bản ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự của đương sự tại Tòa án, tác giả nhận thấy tên điều khoản quy định những công việc người đại diện được thực hiện không có sự thống nhất. Tên các điều khoản có thể là: Nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền, nội dung và phạm vi ủy quyền. Tuy nhiên, cho dù được đặt tên điều khoản là gì thì trong điều khoản đó đều thể hiện những công việc, quyền hạn mà người đại diện được phép thực hiện. Theo đó, thông thường tại điều khoản này có hai dạng thỏa thuận: (1) liệt kê rõ ràng từng công việc (hay còn được gọi là ủy quyền từng phần); (2) ủy quyền toàn bộ nghĩa vụ tố tụng (hay còn được gọi là ủy quyền toàn phần).

Nội dung ủy quyền phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người ủy quyền, nếu ý chí của người ủy quyền rõ ràng thì công việc thực hiện cũng dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu ý chí của người ủy quyền không rõ ràng, công việc mang tính chung chung thì gây khó khăn cho người đại diện cũng như cả Tòa án trong việc xác định giới hạn được hành động của người đại diện.

Ví dụ, trong Giấy ủy quyền của ông A (nguyên đơn) ủy quyền cho ông B, tại điều khoản quy định nội dung ủy quyền ghi nhận ông B được quyền nhân danh ông A về quyền và nghĩa vụ tố tụng để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến vụ án. Một vấn đề đặt ra là, liệu rằng ông B được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm thay ông A được hay không? Một số tòa thì cho rằng ông B không được phép kháng cáo bản án sơ thẩm, trong trường hợp này muốn được kháng cáo thì trong giấy ủy quyền ông A phải thể hiện ý chí của mình cho phép ông B được giải quyết tất cả các vấn đề liên quan trong vụ án ở tất cả các cấp tòa hoặc ít nhất trong văn bản ủy quyền

phải có nội dung “đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo” theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 272 của BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên cũng có Tòa án cho rằng “người đại diện thực hiện tất cả quyền, nghĩa vụ của nguyên

đơn” là bao gồm cả việc kháng cáo và tham gia giải quyết việc kháng cáo.50

Thực tế cho thấy nội dung ủy quyền là một trong những nội dung dẫn đến tranh chấp nhiều nhất trong quan hệ giữa các bên đại diện với Tòa án. Vì vậy, khi xây dựng nội dung ủy quyền trong văn bản ủy quyền, các bên cần phải thể hiện ý chí một cách cụ thể, rõ ràng tránh những nội dung chung chung, mơ hồ. Khi mà việc đánh giá khả năng có quyền thực hiện công việc ủy quyền trong tố tụng còn phụ thuộc nhiều vào ý chí của cơ quan Tòa án thì thật cần thiết có một văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung ủy quyền vụ án dân sự nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên trong quan hệ đại diện trong tố tụng.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Căn cứ vào các quy định hiện hành của BLTTDS năm 2015 và BLDS năm 2015 liên quan đến vấn đề ủy quyền trong tố tụng dân sự mà cụ thể là trong các vụ án dân sự, tác giả đã tập trung nghiên cứu các vấn đề về khái niệm, các hình thức ủy quyền hiện hành cũng như các đặc điểm chung của quan hệ ủy quyền này. Thông qua đó, tạo cơ sở để phân biệt quan hệ ủy quyền trong tố tụng dân sự với hoạt động ủy quyền trong các giao dịch dân sự thông thường. Bên cạnh đó, nhận thấy trong pháp luật còn chưa quy định cụ thể về thủ tục xác lập quan hệ ủy quyền và bằng những hiểu biết trong quá trình nghiên cứu tại các hồ sơ vụ án dân sự được tiếp cận, tác giả đã khái quát được các quy trình xác lập, chấm dứt quan hệ ủy quyền trong những trường hợp cụ thể với mục đích giúp cho đương sự có thể xác lập quan hệ đại diện theo ủy quyền một cách nhanh chóng.

Ngoài ra tác giả còn có nghiên cứu, so sánh với pháp luật của một số quốc gia như Nhật Bản, Liên Bang Nga,…để có những đánh giá chung về ưu, nhược điểm của các quy định trong BLDS 2015.

Hướng đến việc đi sâu nghiên cứu về những bất cập, hạn chế mà hiện nay pháp luật còn chưa quy định rõ liên quan đến vấn đề ủy quyền trong tố tụng gây vướng mắc cũng như sự không thống nhất trong việc áp dụng của các cơ quan Tòa án dựa trên những nghiên cứu của mình tại chương I, tác giả xin đưa ra một số trường hợp cụ thể và kiến nghị hoàn thiện pháp luật ở chương II.

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ỦY QUYỀN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

Một phần của tài liệu Ủy quyền trong vụ án dân sự theo bộ luật tố tụng dân sự việt nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 44 - 48)