Tình hình khai thác cá ngừ vây vàng

Một phần của tài liệu Tách chiết và tinh sạch collagen thủy phân từ da cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và ứng dụng trong thực phẩm (Trang 25 - 27)

Mùa vụ khai thác cá ngừ ở vùng biển Việt Nam gồm hai vụ, vụ chính bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8, vụ phụ từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Cá ngừ thường tập trung thành đàn và di cư, trong đàn thường bao gồm các loài khác nhau. Nghề khai thác chủ yếu là lưới vây, rê, câu và đăng. Nghề câu vàng mới được du nhập từ năm 1990 đã nhanh chóng trở thành một nghề khai thác cá ngừ quan trọng.

Theo báo cáo của tổng cục thủy sản năm 2015, tính đến tháng 12/2015 cả nước có 3040 tàu khai thác cá ngừ, trong đó nghề câu 2050 tàu, nghề lưới rê 296 tàu. Sản lượng khai thác cá ngừ 11 tháng năm 2015 là 91356 tấn, trong đó cá ngừ vây vàng và mắt to đạt 17206 tấn, ước cả năm đạt 17500 tấn và cá ngừ vằn đạt 74150 tấn, ước cả năm đạt 80000 tấn.

Báo cáo tại hội nghị Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2016 cho biết tổng số tàu cá khai thác cá ngừ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 2372 tàu, trong đó Bình Định: 1329 tàu, Phú Yên: 578 tàu; Khánh Hòa: 465 tàu. Tổng sản lượng cá ngừ khai thác của 3 tỉnh năm 2016 là: 92192 tấn; trong đó, Bình Định đạt 53860 tấn, Phú Yên đạt 10812 tấn và Khánh Hòa đạt 27520 tấn. Trong đó, cá ngừ mắt to và vây vàng là: 17542 tấn; cá ngừ vằn là 74650 tấn tăng 49,3% so với kế hoạch năm.

Trong năm 2015 và 2016, tàu khai thác cá ngừ, đặc biệt những tàu đóng mới, đã được trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu thổi xốp PU (polyurethane), nhiều tàu lưới vây đã trang bị máy dò cá hiện đại nên năng suất khai thác cao hơn trước. Đặc biệt, nhiều tàu đã trang bị thiết bị làm ngất cá do một số đơn vị trong nước sản xuất khi thu hoạch nên chất lượng, giá cá đã được nâng cao hơn so với thời gian trước.

Theo báo cáo của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 3 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trọng điểm ước đạt 5846 tấn. Hiện nay, giá cá ngừ đại dương được thu mua tại cảng dao động ở mức 93000 – 110000 đồng/kg. Tại Phú Yên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 1500 tấn giảm 2,7% so với cùng kỳ 2016; Tại Bình Định đạt 3446 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ (1970 tấn); tại Khánh Hòa sản lượng cá ngừ đại dương là 900 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ (Đoàn Bộ và Nguyễn Hoàng Minh, 2013).

Trong những năm gần đây nước ta đang khuyến khích và hỗ trợ vốn cho các ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ với hơn 2000 tàu câu cá ngừ. Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45 nghìn tấn, với sản lượng khai thác hàng năm từ 17.000 đến 21.000 tấn. Sản lượng cá ngừ vây vàng được khai thác trong năm 2018 là 19,268 tấn. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 sản lượng khai thác trong năm 2019 và 2020 có giảm nhưng sản lượng khai thác vẫn ở mức cao lần lượt 17.500 tấn và 17.000 tấn. Cá ngừ vây vàng thường được khai thác trong 6 tháng từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau (VASEP, 2020).

Nghề khai thác cá ngừ vây vàng ở Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng cá ngừ nhằm phục vụ nhu cầu đang tăng lên của cả thế giới. Hiện nay nước ta đã có hiệp hội cá ngừ Việt Nam được thành lập ngày 27/10/2010 nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển các hoạt động nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên liên quan đến việc bảo vệ, đánh bắt, nuôi trồng, kinh doanh, chế biến nguồn cá ngừ trong phạm vi Việt Nam.

Theo Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương (2014), phụ phẩm từ quy trình chế biến cá ngừ phi lê là 50% so với nguyên liệu, bao gồm 18% đầu cá, 14% da và thịt còn sót lại, 8% xương, 2% vây và 8% mang và nội tạng. Tổng số lượng cá ngừ trên thế giới là khoảng 4 triệu tấn. Trong đó 65% được khai thác ở Thái Bình Dương, 21% ở Ấn Độ Dương và 14% ở Đại Tây Dương. Trong đó cá ngừ vây vàng khoảng 30%, cá ngừ mắt to 10% và cá ngừ vây dài 5% (Joseph, 2003). Collagen cấu thành 27,1% da cá ngừ vây vàng ở Hàn Quốc (Woo và ctv, 2008). Các số liệu trên cho thấy da cá ngừ vây vàng, sản phẩm phụ từ chế biến cá ngừ phi lê, là một nguồn collagen quan trọng, có khả năng thay thế nguồn collagen từ động vật trên cạn.

Một phần của tài liệu Tách chiết và tinh sạch collagen thủy phân từ da cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và ứng dụng trong thực phẩm (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)