hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng trong các công trình đã công bố
Cuốn “Cẩm nang công chứng viên” xuất bản bởi Alex Padilla năm 2016 [84], tác giả có đề cập đến giải pháp thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước khi Công chứng viên hành nghề. Trước khi Công chứng viên hành nghề, theo Luật của bang California yêu cầu tất cả các công chứng viên phải nộp một khoản trái phiếu chính thức trị giá 15.000 đô la Mỹ. Đây không phải là một hợp đồng bảo hiểm cho công chứng. Trái phiếu được thực hiện dưới hình thức trái phiếu do một công ty bảo hiểm nhận bảo lãnh chấp nhận và không phải là khoản tiền gửi thay cho trái phiếu. Trái phiếu chỉ được thiết kế để cung cấp một nguồn quỹ hạn chế để thanh toán các yêu cầu bồi thường đối với Công chứng viên. Công chứng viên vẫn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại và có thể phải bồi hoàn cho Phòng công chứng liên kết đối với khoản tiền mà Phòng công chứng phải trả do hành vi vi phạm hành chính hoặc sự cẩu thả của Công chứng viên. Giải pháp mà bài viết tập trung đề cập đó là khoản trái phiếu trị giá khá cao mà Công chứng viên trước khi hành nghề phải nộp để đảm bảo cho trách nhiệm nghề nghiệp của họ. Và về nguyên tắc, Công chứng viên vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại và phải chịu trách nhiệm bồi hoàn nếu Phòng công chứng đã đứng ra chi trả thay thiệt hại do mình gây ra.
Bài viết của tác giả Cao Quảng Thế (Gao GuangShi) Khoa Luật Trường Đại học Thanh Đảo "Đàm phán về trách nhiệm bồi thường trong công chứng” [76]. Tác giả Cao Quảng Thế nghiên cứu, đề cập đến vấn đề tính từ khi Viện Quốc vụ phát hành Điều lệ tạm thời công chứng của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, chế độ công chứng của Trung Quốc phục hồi xây dựng lại đã được hơn hai mươi năm, chế độ công chứng cũng đã thu được sự hồi phục và phát triển tương đối tốt, chế độ công chứng ngày càng từng bước tăng cường sự tin cậy. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường trong công chứng lại còn tồn tại rất nhiều chỗ chưa hoàn thiện, đã trở thành sự cản trở việc hoàn thiện chế độ công chứng. Đối với việc nắm được tính chất trách nhiệm bồi thường trong công chứng là phải hiểu được vấn đề then chốt của việc bồi thường trong công chứng, vì vậy các chuyên gia trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến vấn đề nóng này. Bài viết phân tích khái niệm bồi thường trong công chứng, tính chất của trách nhiệm bồi thường công chứng, cấu thành của trách nhiệm bồi thường trong công chứng và đặc biệt, tác giả đưa ra các kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện trách nhiệm bồi thường trong công chứng. Tác giả kiến nghị các giải pháp bồi thường trong công chứng như: Thiết lập chế độ song phạt của trách nhiệm bồi thường (kết hợp của trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm bồi thường trong công chứng (rà soát các quy định không đồng nhất của pháp luật về bồi thường trong công chứng, còn phải tiến một bước hoàn thiện quy định trừng phạt Công chứng viên trong Luật hình sự của Trung Quốc); phát huy chức năng giám sát của Hiệp hội công chứng; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, Công chứng viên.
Bài thuyết trình “Trách nhiệm dân sự của Công chứng viên ở Pháp và các bảo đảm đối với khách hàng” của Công chứng viên Thierry Vachon tại Nhà Pháp luật Việt Pháp trong cuộc hội thảo do Hội đồng Công chứng Paris tổ chức ngày 24/10/2011 [80]. Trong bài viết, tác giả còn phân tích việc các cơ
quan nhà nước tạo ra một cơ chế bảo đảm đối với người bị thiệt hại nhằm đảm bảo rằng người bị thiệt hại sẽ nhận được bồi thường đầy đủ nếu có xảy ra thiệt hại trong hoạt động công chứng. Cơ chế đảm bảo đó có 2 cấp độ:
Cấp độ thứ nhất, được tạo lập bởi bảo hiểm trách nhiệm dân sự và mang tính chất bắt buộc. Cơ chế đảm bảo này được điều chỉnh bằng các quy định chung của pháp luật. Hợp đồng bảo hiểm bảo đảm cho Công chứng viên khắc phục được các hậu quả phát sinh từ trách nhiệm dân sự nghề nghiệp mà Công chứng viên phải bồi thường bằng tiền, do lỗi hoặc thiếu sót của Công chứng viên hoặc của nhân viên dưới quyền. Các tổ chức hành nghề công chứng cũng được bảo đảm như Công chứng viên hành nghề độc lập và cũng mang tính bắt buộc. Mức bồi thường bảo hiểm chi trả cho người chịu thiệt hại phải đảm bảo khắc phục được các hậu quả thiệt hại. Hợp đồng bảo hiểm có một số điều khoản loại trừ bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo qui định của pháp luật như Công chứng viên không được tham gia quản lý một công ty, các thiệt hại do người được bảo hiểm tạo ra một cách cố ý và các thiệt hại phát sinh do có dúng tay vào một tội ác hoặc vào một vụ phạm pháp cố ý thì không được bảo hiểm. Yêu cầu bồi thường thiệt hại được xác lập bằng đề nghị của người bị thiệt hại. Một Công chứng viên có thể có nhiều đề nghị bồi thường trong một năm, không có mức trần đảm bảo theo năm hay theo thời hạn hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm luôn luôn được đàm phán ở cấp tổ chức nghề nghiệp (Hội đồng công chứng tối cao Pháp) ký với doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, hợp đồng bảo hiểm mang lại các đảm bảo giống nhau cho toàn bộ các công chứng trên phạm vi toàn quốc. Việc phân bố rủi ro trên toàn bộ các Công chứng viên sẽ phân tán được các rủi ro và làm cho các khoản tiền bảo hiểm nhận được sẽ tăng lên.
Cấp độ thứ hai, được tạo lập bởi một hệ thống riêng của nghề công chứng: Đó là sự bảo đảm mang tính tập thể, cơ chế này bổ trợ cho cơ chế bảo hiểm trách nhiệm dân sự với mục đích là bảo đảm được hết các rủi ro nếu xảy
ra với người bị thiệt hại. Vì thực tế, hợp đồng bảo hiểm luôn có các qui định loại trừ bảo đảm theo qui định của pháp luật và có khống chế mức trần. Cơ chế bảo đảm tập thể này được pháp luật ở Pháp thiết lập bằng việc lập ra Quỹ bảo đảm cấp vùng và Quỹ bảo đảm Trung ương, được vận hành và kiểm soát rất chặt chẽ. Tiền tài trợ của bảo đảm tập thể (Quỹ bảo đảm Trung ương và cấp vùng) được lấy từ khoản đóng góp của Công chứng viên khi nhậm chức và từ khoản đóng góp hàng năm của các tổ chức hành nghề công chứng. Khoản đóng góp của Công chứng viên khi nhậm chức do Công chứng viên trả vào thời điểm làm lễ tuyên thệ. Khoản này được tính dựa trên trung bình sản phẩm mà tổ chức hành nghề công chứng làm được trong các năm trước, tỷ lệ là 1%. Bản chất của khoản đóng góp này là một khoản tiền bảo đảm. Khoản này sẽ được hoàn trả cho Công chứng viên khi thôi hành nghề, với điều kiện là sự bảo đảm tập thể chưa phải huy động tới. Mức đóng góp hàng năm được tính trên sản phẩm làm được của từng văn phòng. Tỷ lệ này được xác định bằng một quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp vào đầu năm, sau khi có ý kiến của hội đồng quản trị Quỹ bảo đảm Trung ương. Tỷ lệ hiện nay là 0,25%. Phần chủ yếu của nguồn đóng góp được tập trung về Quỹ bảo đảm Trung ương, tạo thành cơ quan tài chính của hệ thống. Các khoản tiền sẽ được chuyển cho các quỹ cấp vùng theo nhu cầu. Đây là một sự liên kết mang tầm cỡ quốc gia đã được thiết lập bằng các văn bản pháp lý.
Như vậy, có thể thấy rằng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo đảm tập thể đã tạo ra một tổng thể mang lại cho bất kỳ ai đến với Công chứng viên một sự bảo vệ chắc chắn và hiệu quả. Tất nhiên, cách tổ chức này làm cho công chứng phải trả phí cao hơn so với ở Việt Nam, nhưng cách tổ chức này cho thấy khả năng tạo ra một sự đoàn kết mang tầm quốc gia bên cạnh các thành viên của mình để đương đầu với trách nhiệm của mình đối với người bị thiệt hại. Đây là một trong những tư liệu rất hữu ích cho việc đưa ra các vấn đề lý luận và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt
động công chứng ở Việt Nam của tác giả Luận án, đặc biệt là vấn đề cơ chế bồi thường thiệt hại bằng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và cơ chế bảo đảm tập thể bằng việc thiết lập các Quỹ bồi thường ở cấp độ Trung ương (tương đương Hiệp hội công chứng viên Việt Nam) và cấp độ vùng (tương đương Hội công chứng viên cấp tỉnh ở Việt Nam).
Cuốn sách “Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm dân sự trong hoạt động công chứng” của Tuấn Đạo Thanh [13] năm 2013. Trong cuốn sách này, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện trách nhiệm dân sự nói chung cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng nói riêng như: Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế bồi thường thiệt hại theo hướng đảm bảo tính khả thi và bình đẳng giữa Công chứng viên là công chức, viên chức với công chứng viên không phải là công chức, viên chức. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 thì không còn tồn tại “công chức quản lý” nữa; đồng nghĩa với việc không có Công chứng viên là công chức nữa. Thứ hai, bổ sung một vài hình thức khác như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược, bảo lãnh và tín chấp. Tác giả phân tích tính khả thi của việc áp dụng từng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này để đảm bảo cho trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng. Tác giả cho rằng: “Với bảy biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như đã trình bày ở trên (bao gồm cả các hình thức bảo đảm mang tính chất đối vật cũng như những hình thức bảo đảm mang tính chất đối nhân), chúng ta có thể khẳng định rằng một vài biện pháp hoàn toàn không phù hợp với cơ chế bảo đảm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên (ví dụ như ký cược, tín chấp hay đặt cọc) nhưng cũng có một vài biện pháp hoàn toàn có thể áp dụng vào trong hoạt động công chứng (ví dụ như ký quỹ, bảo lãnh, thế chấp, cầm cố). Theo nhận xét của chúng tôi, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự chỉ có thể áp dụng một cách thuận
tiện vào cơ chế bảo đảm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công chứng viên và/hoặc tổ chức hành nghề công chứng nếu có chung một mô hình tổ chức với một cơ chế vận hành tương tự. Nói cụ thể hơn, trong bảy biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự kể trên, biện pháp nào có sự xuất hiện của một bên thứ ba đóng vai trò là người trung gian (tương tự như vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên) tỏ ra phù hợp với cơ chế bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự trong hoạt động công chứng” (tr.187). Thứ ba, do trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên chúng ta cần khẩn trương xây dựng tiêu chí nhằm xác định nghĩa vụ cụ thể của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng (tr.188). Tác giả nhận định, “chỉ khi nào pháp luật khẳng định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Công chứng viên khi giải quyết yêu cầu công chứng của đương sự thì lúc đó chúng ta mới có thể xây dựng được hành lang pháp lý thống nhất, bền vững nhằm xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Rõ ràng, đây là một yêu cầu mà pháp luật công chứng thực định chưa đáp ứng được. Và hệ quả tất yếu là việc định lượng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết” (tr204). Thứ tư, áp dụng một số hình thức trách nhiệm dân sự khác (như buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, phạt vi phạm) trong hoạt động công chứng (tr.205). Tác giả phân tích và cho rằng, ngoại trừ hình thức cải chính công khai thì hình thức trách nhiệm dân sự còn lại là buộc xin lỗi, chấm dứt hành vi vi phạm và buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể được áp dụng một cách hữu ích vào trong hoạt động công chứng.
Trong “Báo cáo tổng thuật pháp luật về công chứng của hệ thống công chứng Latinh (Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc) và một số thông
tin liên quan đến hệ thống công chứng Anglo Sacxong” của Bộ Tư pháp ngày 04/09/2013 [27]. Bài báo cáo đã đề cập và phân tích thực trạng pháp luật về trách nhiệm nghề nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên trong hệ thống công chứng Latinh. Trách nhiệm của công chứng viên xuất phát từ những nghĩa vụ của công chứng đối với khách hàng. Đó là nghĩa vụ thiết lập một văn bản đúng với quy định pháp luật cả về hình thức và nội dung. Công chứng viên phải giải thích cho các bên về cách thức thực hiện giao dịch để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ và phải đảm bảo hiệu lực hoàn toàn của thỏa thuận giữa các bên. Nếu công chứng viên không thực hiện tốt ba nghĩa vụ nêu trên thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bao gồm trách nhiệm hình sự, bị kỷ luật hoặc trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự của công chứng viên gồm trách nhiệm dân sự cá nhân (được đảm bảo thực hiện bằng nguồn bảo hiểm và tài sản cá nhân) và bảo hiểm tập thể cho trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Công chứng viên phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề, bồi thường nếu vi phạm nghĩa vụ, bất kể lỗi cố ý hay vô ý (một số nước quy định nếu lỗi vô ý thì chỉ phải bồi thường nếu người bị hại không thể yêu cầu bằng con đường khác như ở Đức). Các quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chức vi phạm nghĩa vụ công vụ cũng được áp dụng và Nhà nước không chịu trách nhiệm thay công chứng viên. Một số căn cứ để xét giảm, miễn trách nhiệm cho công chứng viên là trình độ của khách hàng, khách hàng có hay không được một người khác có chuyên môn giúp đỡ, mức độ tham gia của công chứng viên vào việc lập văn bản, Công chứng viên có được khách hàng cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết hay không và những mâu thuẫn có thể có giữa pháp luật và thực tiễn giải thích của Tòa án.
Để đảm bảo cho quyền lợi của người bị thiệt hại do hoạt động hành nghề của Công chứng viên, việc đóng bảo hiểm nghề nghiệp cũng là một nghĩa vụ mà Công chứng viên hầu hết các nước phải tuân thủ. Bảo hiểm nghề
nghiệp phải duy trì bắt buộc trong suốt thời gian được bổ nhiệm. Bảo hiểm có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau mà phổ biến nhất là việc mua bảo hiểm của một công ty bảo hiểm chuyên nghiệp như tại Đức, Ba Lan, Trung Quốc... Hợp đồng bảo hiểm phải áp dụng cho tất cả các trường hợp Công chứng viên phải chịu trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ và có mức chi trả tối thiểu. Người nhận bảo hiểm phải thông báo cho cơ quan tư pháp và Phòng công chứng về mọi thay đổi của hợp đồng bảo hiểm ảnh hưởng đến phạm vi bảo hiểm. Tại Đức, mọi công chứng viên phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề