Thứ nhất, BIDV đã hoàn thiện bộ máy quản trị RRTD từ Hội sở đến chi nhánh với sự phân cấp rõ ràng về hạn mức phán quyết, chức năng nhiệm vụ
của từng bộ phận, xây dựng các chính sách quản trị RRTD, chính sách phân
bổ tín dụng, chính sách khách hàng, xây dựng danh mục đầu tư, chính sách phân loại nợ cũng như xếp hạng tín dụng đối với khách hàng...
Thứ hai, Ngân hàng đang dần chuyển đổi mô hình quản lý từ chiều ngang sang chiều dọc. Đây là mô hình tổ chức khá phổ biến của các Ngân hàng trên thế giới. Theo đó, các nghiệp vụ kinh doanh chính, trong đó có hoạt động cấp tín dụng
đối với nhóm khách hàng lớn được quản lý tập trung, phê duyệt tín dụng và giải ngân tại Hội sở chính, các chi nhánh chỉ được giao thẩm quyền nhỏ, chủ yếu chỉ thực hiện chức năng bán hàng.
Thứ ba, Nhằm đảm bảo tính khách quan trong hoạt động cấp tín dụng và giảm thiểu rủi ro tín dụng, ngân hàng đã tách bộ phận tín dụng trước đây thành các bộ phận chuyên trách khác nhau như quan hệ khách hàng, quản lý nợ, trung tâm tài trợ thương mại, bộ phận tác nghiệp, quản lý rủi ro tín dụng và quản lý rủi ro hoạt động.
Thứ tư, Bằng việc thành lập trường đào tạo cán bộ và trung tâm nghiên cứu, hệ thống thông tin nói chung và thông tin tín dụng nói riêng của BIDV ngày càng được hoàn thiện, cung cấp thường xuyên, kịp thời phục vụ công tác đánh giá, thẩm định khách hàng. Chất lượng thẩm định tín dụng ngày càng được nâng cao hơn, rủi ro bước đầu đã được kiểm soát thông qua nhiều cấp có chuyên môn nghiệp vụ về tín dụng.
Thứ năm, BIDV đã xây dựng được một quy trình tín dụng đầy đủ, hợp lý, rõ ràng minh bạch các bước. Việc các cán bộ khách hàng thực hiện đầy đủ quy trình tín dụng giúp đánh giá khách hàng, thẩm định tín dụng được cụ thể hơn, qua đó giúp Ngân hàng giảm thiểu được những rủi ro không đáng có khi cho khách hàng vay vốn.