Trung Quốc là quốc gia đang phát triển và có nhiều điểm tương đồng về kinh tế-chính trị với Việt Nam. Việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) của Trung Quốc cũng nhằm mục đích phù hợp với thông lệ của quốc tế tương tự như Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã ban hành các CM về kiểm soát chất lượng (KSCL) và tổ chức KSCL kiểm toán rất chặt chẽ. Kinh nghiệm của Trung Quốc là bài học tốt đối với Việt Nam.
Hoạt động KSCL tại Trung Quốc có hai cấp độ:
- KSCL bên trong: Theo quy định của Chuẩn mực chung về KSCL của Trung Quốc, các DNKT phải xây dựng chính sách và thủ tục KSCL ở hai cấp độ: (i) Chính sách và thủ tục KSCL chung cho toàn công ty; (ii) Thủ tục KSCL cho từng cuộc kiểm toán. Việc KSCL từ bên trong chủ yếu do DNKT đảm nhận.
- KSCL từ bên ngoài. Việc thực hiện KSCL hoạt động kiểm toán độc lập từ bên ngoài do nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau thực hiện.
Ngoài kiểm tra thường xuyên, còn có kiểm tra đột xuất đối với các vấn đề bất thường phát sinh. Các Văn phòng UBCK cấp địa phương thực hiện kiểm tra CL hàng năm trên nguyên tắc không trùng lắp và đảm bảo tất cả các DNKT phải được kiểm tra. Hàng năm, UBCK đều tổ chức họp các DNKT thực hiện kiểm toán các tổ chức xây dựng để trao đổi các vấn đề quan trọng về kiểm toán cần tập trung của từng năm.
Khi phát hiện các DNKT có vi phạm, nếu phát hiện qua kiểm tra định kỳ của UBCK cấp địa phương hoặc phát hiện qua các báo cáo hàng năm, hoặc qua báo chí, hoạt động kinh doanh, qua tố giác sẽ bị xử phạt hành chính như phạt tiền, cảnh cáo hoặc triệu tập đương sự đến giải trình tại Ủy ban Xử phạt Hành chính.
Nếu phát hiện tình tiết có liên quan đến hình sự, chuyển hồ sơ sang Ban Thanh tra UBCK để tiến hành điều tra. Nếu phát hiện vi phạm cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng.
Việc KSCL hoạt động kiểm toán chia thành hai nhóm:
- Đối với các DNKT thực hiện kiểm toán các tổ chức xây dựng: Do CICPA trung ương quản lý. Ít nhất cứ mỗi 5 năm một lần, các DNKT thực hiện kiểm toán các tổ chức xây dựng sẽ được CICPA trung ương tiến hành kiểm tra.
- Các DNKT khác: Do CICPA địa phương giám sát. Trong vòng ba năm phải kiểm tra ít nhất một lần.
Để thực hiện công việc giám sát DNKT, CICPA thành lập Phòng giám sát. Khi thực hiện kiểm tra sẽ thành lập đoàn và huy động người giỏi từ các DNKT để
thực hiện kiểm tra. CICPA chi trả phí cho DNKT cử người người tham gia đoàn kiểm tra.
Ket quả kiểm tra phát hiện vi phạm nếu tình tiết nhẹ thì phê bình, vừa thì cảnh cáo, nặng thì công khai công bố trên báo chí hoặc trang tin điện tử (website) của CICPA. Đồng thời DNKT yêu cầu cho thôi việc KTV có sai phạm.
CICPA có Hội đồng thưởng phạt và Hội đồng xử lý khiếu nại để xử lý các công việc liên quan đến giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của DNKT và KTV.
CICPA tiến hành kiểm tra các nội dung chính như: Việc tuân thủ CMKiT của DNKT và KTV; Việc tuân thủ CM đạo đức nghề nghiệp của DNKT và KTV; Tình hình thực hiện KSCL bên trong của DNKT; và các nội dung khác mà CICPA cho rằng cần phải kiểm tra.
Hàng năm, CICPA Trung ương và cấp địa phương đều triển khai kiểm tra CLKT. Hàng năm, CICPA cấp địa phương báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kiểm tra CL trong năm cho CICPA Trung ương. Trước khi tiến hành kiểm tra thực tế, nhóm kiểm tra phải thông báo cho DNKT trước 10 ngày. DNKT và KTV phải tiến hành tự kiểm tra trước.
Việc kiểm tra CL phải được tiến hành tại DNKT, nếu cần thiết nhóm kiểm tra có thể yêu cầu công ty được kiểm tra chuyển các tài liệu liên quan đến nơi làm việc của nhóm kiểm tra. Nhóm kiểm tra có thể tiến hành kiểm tra thông qua phương thức xem các báo cáo của DNKT, phỏng vấn nhân viên liên quan, kiểm tra tài liệu liên quan triển khai công tác kiểm tra.
Nhóm kiểm tra có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp hồ sơ kiểm toán theo phương thức chọn mẫu, báo cáo, hồ sơ làm việc và thẩm vấn nhân viên liên quan của DNKT để kiểm tra sự tuân thủ CMKiT và tình hình KSCL bên trong của DNKT. Thông thường nhóm kiểm tra sẽ chọn mẫu các báo cáo kiểm toán được phát hành của năm đó, nhưng khi cần thiết có thể mở rộng đến các niên độ tài chính trước. Ngoài ra, nhóm kiểm tra phải thảo luận với DNKT và KTV các vấn đề phát hiện được trong quá trình kiểm tra.
Sau khi hoàn thành công tác kiểm tra, nhóm kiểm tra phải lập báo cáo kiểm tra nộp CICPA. Nội dung báo cáo kiểm tra CL bao gồm: Tình hình triển khai công tác kiểm tra; Các vấn đề phát hiện được; Ý kiến đề xuất sửa đổi; Các mâu thuẫn với DNKT; và Kiến nghị liên quan đến thủ tục chính sách về kế toán, kiểm toán.
Công tác kiểm tra chất lượng phải do một nhóm kiểm tra thực hiện, nhóm kiểm tra phải có ít nhất hai kiểm tra viên. Kiểm tra viên phải là KTV có đạo đức nghề nghiệp tốt, trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tế và phải là hội viên của CICPA. CICPA thường tuyển dụng người xuất sắc, thời hạn thuê làm kiểm tra viên thường là ba năm. Nếu kiểm tra viên (nhân viên kiêm chức kiểm tra) là người làm việc ở DNKT thì phải do DNKT đề cử, CICPA cấp địa phương kiểm tra, sau đó phải được thẩm tra bởi CICPA Trung ương. Khi hết thời hạn thuê và nếu đạt kỳ thi sẽ được CICPA tiếp tục thuê làm kiểm tra viên. Căn cứ vào yêu cầu công việc, mỗi năm CICPA tuyển chọn các nhân viên tham gia công tác kiểm tra. CICPA chi trả thù lao rất cao cho kiểm tra viên, biểu dương, khen thưởng đối với các kiểm tra viên có cống hiến đặc biệt.
Các kiểm tra viên phải bảo mật thông tin về DNKT là đơn vị được kiểm toán; Tự giác, liêm minh, không được nhận bất kỳ lợi ích vật chất hay ưu đãi nào từ DNKT và trong thời gian kiểm tra, kiểm tra viên tiến hành kiểm tra dưới danh nghĩa là nhân viên của CICPA và chịu sự giám sát chỉ đạo trực tiếp của CICPA chứ không phải dưới danh nghĩa DNKT nơi họ đang làm việc.
Nếu kiểm tra viên có các vi phạm sau thì CICPA có thể hủy tư cách: Không tham gia công tác kiểm tra mà không có lý do; Liên tục hai lần không tham gia công tác kiểm tra; Bị phát hiện không đảm nhận công tác trong thời gian kiểm tra; Vi phạm kỷ luật kiểm tra; và bị kỷ luật và xử phạt hành chính trong ngành.