Những tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu 1308 phát triển tín dụng cá nhân tại NHTM CP hàng hải VN chi nhánh thanh xuân luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 66 - 71)

Sự tăng trưởng liên tục về quy mô tín dụng cá nhân trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016 vừa qua là một bước tiến rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng đó vẫn còn một vài điểm tồn tại cần được lưu ý:

Đầu tiên, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhưng cơ cấu dư nợ lại thiên lệch về nhóm sản phẩm vay tín chấp quá nhiều.

Tỷ trọng dư nợ tín chấp chiếm hơn 60% tổng dư nợ tín dụng và tiếp tục có xu hướng tăng lên. Điều này khiến kết cấu dư nợ thiếu đi tính ổn định lâu dài, tiềm tàng nguy cơ dẫn đến rủi ro tín dụng, tăng chi phí hoạt động và việc quản lý khách hàng sau vay bị ảnh hưởng.

về bản chất, các khoản vay tín chấp là những khoản vay được ngân hàng giải ngân dựa trên sự tin tưởng vào uy tín và thiện chí trả nợ của khách hàng mà không hề có bất cứ một tài sản đảm bảo nào. Nên dù đối tượng hiện đang tập trung khai thác là nhóm cán bộ nhân viên hành chính sự nghiệp, rất ổn định về thu nhập và tính chất công việc, nhưng rủi ro tiềm tàng từ việc triển khai các sản phẩm này vẫn rất lớn. Trong khi thời hạn vay tín chấp thường là vay ngắn hoặc trung hạn, thời gian đảo nợ nhanh và khả năng trả nợ trước hạn thường xuyên xảy ra làm cho kết cấu dư nợ trở nên kém bền vững hơn so với dư nợ đến từ sản phẩm cho vay thế chấp.

Ngoài ra, quy mô các khoản vay tín chấp thường không quá lớn, đa phần khoảng 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng, nên số lượng khách hàng và hồ sơ sẽ ngày càng nhiều hơn, tạo áp lực lên bộ phận hỗ trợ thẩm định, phê duyệt hồ sơ và làm tăng chi phí hoạt động, vận hành của ngân hàng.

Trên thực tế, dù đã được tuyển dụng bổ sung thêm nhân sự nhưng các bộ phận hỗ trợ này vẫn thường xuyên thông báo việc quá tải hồ sơ nên cần kéo dài thời gian kiểm tra, thẩm định khách hàng. Điều này vô hình chung làm ưu điểm thời gian xử lý hồ sơ vay tín chấp nhanh chóng không thực sự còn hấp dẫn đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, việc song song cùng lúc quản lý một danh sách khách hàng hiện hữu và khai thác cả những khách hàng mới có thể khiến cán bộ bán hàng có thể lơ

là công tác kiểm soát sau vay, dẫn đến việc khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, quên không trả nợ đúng hạn hoặc thậm chí nảy sinh nguy cơ mất khả năng trả nợ.

Thứ hai, sản phẩm thiếu đi sự đổi mới, đa dạng để đáp ứng tốt hơn cho các nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Trong suốt 3 năm, mặc dù đã triển khai thêm sản phẩm vay mua ô tô, thẻ tín dụng đồng thương hiệu với Lotte Mart nhưng việc phải dừng triển khai sản phẩm cho vay kinh doanh và sản phẩm cho vay ô tô không có sức cạnh tranh với thị trường nên quy mô tín dụng thế chấp chỉ duy trì ở mức độ ổn định và tăng nhẹ.

Nguyên nhân trực tiếp của vấn đề này chính là định hướng của ngân hàng về việc phát triển mạnh việc cho vay tín chấp để đón đầu thị trường. Tất cả mọi nguồn lực, chính sách đều hỗ trợ tối đa cho nhóm sản phẩm này. Vì vậy, thiếu đi sự đầu tư nghiên cứu thị trường và phát triển nhóm sản phẩm thế chấp.

Đặc biệt, sự ra đời của sản phẩm cho vay ô tô với kỳ vọng cao nhưng kết quả mang lại không tốt như mong đợi do sự cạnh tranh quá lớn về lãi suất và thời gian xử lý hồ sơ từ các ngân hàng đối thủ đã cho thấy những điểm hạn chế về vận hành và định giá sản phẩm của ngân hàng. Bởi lẽ các sản phẩm thế chấp, muốn có sự cạnh tranh thì cần chào bán cho khách hàng một mức lãi suất hấp dẫn cùng quy trình xử lý vay vốn linh hoạt và nhanh chóng hơn.

Thứ ba, tỷ lệ nợ xấu tuy vẫn đang ở mức an toàn nhưng có xu hướng tăng lên.

Đầu năm 2014, dư nợ bình quân đạt 94,4 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ xấu chỉ rơi vào khoảng 0,95%; đến cuối năm 2016, dư nợ bình quân đạt 317,6 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên là 1,46%. Như vậy, nợ xấu không chỉ tăng lên về tỷ trọng mà còn cả về giá trị tuyệt đối. Mặc dù so với ngưỡng nợ xấu 3% thì con số này vẫn là mức an toàn, tuy nhiên với tốc độ tăng như giai đoạn 2014-2016 thì sẽ trở thành một vấn đề đáng báo động.

Nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu ngày càng tăng là do số lượng và giá trị các khoản vay tín chấp bị nhảy nợ nhóm 3 tăng lên cùng với việc mở rộng quy mô tín dụng cá nhân. Việc một cán bộ bán hàng cùng lúc quản lý nhiều khách hàng vay,

chưa có hệ thống theo dõi và nhắc nợ tự động cập nhật thường xuyên cho cả khách hàng và cán bộ bán hàng khiến việc nhắc nhở, thu hồi nợ thường khá bị động.

Bên cạnh đó, cơ chế tính thưởng kinh doanh chỉ tập trung vào việc giải ngân mới, không tính trên dư nợ duy trì bình quân cũng là một phần nguyên nhân làm cho các cán bộ bán hàng có phần xao nhãng trong việc theo dõi tình hình và mục đích sử dụng vốn của khách hàng sau khi được giải ngân. Một số trường hợp đã sử dụng sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ và hình thành nợ xấu.

Thứ tư, chưa xây dựng mối quan hệ sâu sát với khách hàng để bán chéo các sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng.

Việc tăng trưởng quy mô tín dụng cũng mang về một lượng khách hàng lớn có quan hệ mật thiết với ngân hàng. Việc nắm bắt toàn bộ thông tin về khách hàng qua quá trình làm hồ sơ và thẩm định đã giúp các cán bộ bán hàng hiểu rất rõ tình hình tài chính, nhu cầu và đặc điểm của khách hàng. Đây là cơ hội rất tốt để bán chéo các sản phẩm khác như gói tài khoản phục vụ cho việc trả nợ hàng tháng hoặc chi tiêu thường ngày; bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ để có dự phòng cho những bất trắc ngoài ý muốn;...

Việc bán chéo sản phẩm không chỉ gia tăng doanh thu cho ngân hàng mà còn mang lại các tiện ích tài chính tốt hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ bán hàng vẫn chưa khai thác thực sự tốt nhóm khách hàng này để bán chéo sản phẩm.

Nguyên nhân một phần là do cơ chế tính thưởng cho nhóm chuyên viên tín dụng cá nhân chưa khuyến khích được việc bán thêm những sản phẩm khác, cộng thêm việc đào tạo để cán bộ bán hàng chủ động nhận diện được nhu cầu của khách hàng chưa được đầu tư kỹ càng. Mặt khác, từ phía ngân hàng cũng chưa có những chính sách ưu đãi như giảm phí, tặng quà,. để giúp khách hàng thấy được lợi ích vượt trội khi đồng thời sử dụng nhiều sản phẩm của ngân hàng thay vì sử dụng mỗi sản phẩm một ngân hàng khác nhau.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Nội dung Chương 2 đã nêu lên bức tranh toàn cảnh về hoạt động tín dụng nói chung và trực trạng phát triển tín dụng cá nhân tại NHTMCP Hàng hải Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân nói riêng.

Qua việc phân tích thực trạng hoạt động tín dụng cá nhân tại NHTMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân, chương 2 đã ghi nhận những kết quả mà Chi nhánh Thanh Xuân đã đạt được trong suốt 3 năm vừa qua với quy mô tín dụng tăng trưởng theo từng năm. Đồng thời, cũng nêu lên những hạn chế, những vấn đề cần khắc phục và thay đổi.

Hạn chế lớn nhất của hoạt động tín dụng cá nhân tại NHTMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân sau giai đoạn từ năm 2014 đến hết năm 2016 cũng xuất phát từ chính thành quả đạt được chính là sự mở rộng về quy mô tín dụng cá nhân. Đó chính là sự tăng trưởng nhanh chóng của tín dụng tín chấp trong khi tín dụng thế chấp chỉ duy trì và tăng trưởng nhẹ. Điều này đang gây ra một sự mất cân đối về cơ cấu dư nợ tại Chi nhánh Thanh Xuân và đang tiềm tàng nguy cơ gia tăng tỷ lệ nợ xấu cao hơn trong tương lai. Đồng thời, cần có những biện pháp mở rộng thị trường để gia tăng khách hàng mới khi sự cạnh tranh của các ngân hàng đối thủ ngày càng cao.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên đầu tiên phải kể đến sự thụ động trong việc cải tiến, đổi mới và đa dạng hoá sản phẩm tín dụng cá nhân của ngân hàng, đặc biệt là sản phẩm tín dụng thế chấp. Ngoài ra, định hướng của ngân hàng tập trung quá nhiều vào sản phẩm cho vay tín chấp gây mất cân đối dư nợ cũng cần được xem xét lại. Cùng với đó, công tác truyền thông, marketing sản phẩm cần được sâu sát hơn.

Những nguyên nhân này sẽ là cơ sở cho những định hướng, chiến lược và giải pháp cụ thể ở chương 3 để phát triển tín dụng cá nhân và nâng cao năng lực cạnh tranh của NHTMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân trong giai đoạn hội nhập.

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN HÀNG HẢI VIỆT NAM - CHI NHÁNH THANH XUÂN

3.1. Định hướng phát triển tín dụng cá nhân tại NHTMCP Hàng hải Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân

Với tầm nhìn trở thành Ngân hàng TMCP tốt nhất Việt Nam, NHTMCP Hàng Hải Việt Nam đã xác định sứ mệnh quan trọng là xây dựng một ngân hàng tốt đến mức ai cũng muốn tham gia và không ai muốn rời bỏ.

Dựa trên 3 thế mạnh nền tảng: tiềm lực tài chính vững mạnh, mạng lưới chi nhánh phòng giao dịch rộng khắp và đội ngũ nhân viên thân thiện, gắn kết, chiến lược nền tảng của NHTMCP Hàng Hải Việt Nam là tiếp tục phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh sẵn có để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, nhà cung cấp, cộng đồng và tập thể cán bộ nhân viên của Ngân hàng trong mỗi hoạt động.

Dựa trên cơ sở các định hướng lớn và tầm nhìn của NHTMCP Hàng Hải Việt Nam trong thời gian tới, NHTMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân cũng xác định việc phat triển tín dụng cá nhân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể với các mục tiêu:

- Tăng trưởng dư nợ: 17%, tăng tỷ trọng dư nợ thế chấp lên 45%

- Thu thuần từ lãi của tín dụng cá nhân: đạt 45% tổng thu thuần của toàn chi nhánh.

- Tỷ lệ nợ xấu: Giảm xuống dưới 1,3%

- Cân đối kỳ hạn giữa huy động và tín dụng, ưu tiên kỳ hạn trung và dài hạn.

- Trở thành top 5 chi nhánh hoạt động tín dụng xuất sắc nhất trên toàn quốc.

- Phấn đấu tăng trưởng dư nợ lành mạnh, an toàn và hiệu quả đối với mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt quan tâm đến chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực chọn lọc khách hàng, thẩm định cho vay. Triển khai tích cực các biện pháp để xử lý nợ tồn đọng của chi nhánh.

Một phần của tài liệu 1308 phát triển tín dụng cá nhân tại NHTM CP hàng hải VN chi nhánh thanh xuân luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 66 - 71)